Sự kiện Bộ trưởng gặp gỡ giáo viên được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. Từ 63 điểm tại các địa phương tiếp tục kết nối đến các nhà trường, thầy cô giáo để cán bộ, giáo viên cả nước theo dõi được sự kiện này.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Kim Sơn, ngành giáo dục đang có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể. Nhưng càng khó càng cần đồng tâm hiệp lực. Chính vì thế ông hy vọng có thể gần hơn, hiểu hơn với các nhà giáo.
Tại buổi gặp gỡ, khá nhiều ý kiến liên quan tới điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý đối với giáo viên mầm non.
Cô Bích Hiền (Điện Biên) cho biết giáo viên mầm non ở đây phải làm việc 11 tiếng/ngày, có giáo viên chăm sóc, dạy dỗ 30 trẻ. Nhiều giáo viên phải vượt qua chặng đường xa, nhiều hiểm nguy rình rập để đến điểm trường. Cô mong muốn giáo viên mầm non được quan tâm hơn để bớt vất vả, nguy hiểm.
Một giáo viên mầm non ở Hậu Giang chia sẻ trực tiếp tại cuộc gặp gỡ cũng cho rằng trong khi người lao động khác làm việc 8 tiếng/ngày thì giáo viên mầm non thường xuyên làm 10-12 tiếng/ngày.
Môi trường làm việc của giáo viên mầm non nhiều rủi ro vì liên quan tới trẻ nhỏ. Giáo viên vừa phải chăm, vừa phải dạy, đối diện với nhiều vấn đề: trẻ lười ăn, trẻ quấy phá, tự kỷ... nên giáo viên còn phải là chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý can thiệp sớm... Nhưng chính sách cho giáo viên mầm non thì rất bất cập.
Cô Dương Thị Thanh Hồng (Hà Tĩnh) cho rằng chính sách đãi ngộ với giáo viên mầm non đang còn chênh lệch so với các bậc học khác. Cô Hồng đưa ra ví dụ:
"Về vấn đề bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, xếp lương đối với giáo viên mầm non. Theo như quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của giáo viên mầm non hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của giáo viên tiểu học hạng 3. Bản thân tôi là một ví dụ, hiện lương tôi là bậc 5 nhưng hệ số lương của tôi là 3,65, còn lương bậc 5 của giáo viên tiểu học hạng 2 lại có hệ số là 5,36.
Như vậy bậc lương giữa hai cấp học quá chênh lệch. Trong khi mỗi bậc học đều có những vai trò, khó khăn riêng. Chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ cao đẳng, đại học. Công việc đặc thù riêng, vất vả trông trưa, ngoài giờ; luôn phải đối mặt với rủi ro về đảm bảo an toàn cho các cháu. Kính mong bộ trưởng quan tâm về việc xếp hạng cũng như chính sách tiền lương giáo viên mầm non được xếp tương quan với giáo viên các cấp học khác".
Trao đổi lại với những ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thấu hiểu những vất vả, khó khăn của các nhà giáo. Ông cho biết chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo thời gian qua cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm và đã có nhiều chính sách cho giáo viên mầm non.
Hiện nay, ngoài lương, giáo viên mầm non còn có phụ cấp ưu đãi, phụ cấp tính theo thâm niên, phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu, trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác với giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn… Nhưng dù vậy, mức lương của giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập chung và so với công sức thầy cô bỏ ra.
Theo bộ trưởng, bước đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non lên 10%, giáo viên tiểu học tăng thêm 5%. Còn lại, cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, sau đó thông qua Chính phủ… Mức tăng dù nhỏ nhưng cũng thêm một phần để động viên, bù đắp cho giáo viên mầm non, tiểu học.
Bộ trưởng cho biết mong muốn có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên các cấp học, tuy nhiên triển khai trước đối với mầm non, tiểu học, sau đó sẽ lần lượt có các kiến nghị khác.
"Ngành giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị, nhưng cũng cần từng bước, hợp lý", ông Kim Sơn nói.
Về kiến nghị độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, bộ trưởng cho biết: Hiện Chính phủ đang điều chỉnh Luật Bảo hiểm xã hội. Trong góp ý luật này, bộ đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non và đối tượng lao động nặng nhọc, từ đó liên quan đến tuổi hưu.
Về các ý kiến kiến nghị phụ cấp nhân viên trường học - theo bộ trưởng, đây là nhóm chịu nhiều thiệt thòi, lương thấp, dù đã được hưởng phụ cấp ưu đãi tương ứng với công việc chuyên môn. Do đó sẽ phải tính đến việc điều chỉnh chính sách trong tương lai.