TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ lộ trình dạy con từ khi còn nhỏ đến lúc con bạn trưởng thành, bắt đầu từ khi con ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, với 11tiêu chí sau:
1. Không vội vàng
“Dục tốc bất đạt” - Đằng nào con cũng sẽ học đủ thứ. Nhiều món, con sẽ học sau. Vì thế, nếu chưa tới thời điểm cần dạy thì cất đi. Cha mẹ cần nhớ quy luật, ép chín thì quả cũng không thể ngọt.
2. Sắp xếp thứ tự các mục tiêu
Trong các mục tiêu quan trọng lại chọn cái nào dễ làm trước, khó làm sau. Với tuổi mầm non, cần chú trọng rèn kĩ năng sống. Vì thế, cha mẹ cần phải luôn trong tư thế dạy con món đó. Được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Ví dụ: Trong kĩ năng sống thì kĩ năng thoát hiểm là số 1, nên dạy trước. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân cơ bản cũng rất quan trọng và cần tập trung hơn các kỹ năng khác.
3. Cần tìm hiểu về tâm sinh lý của trẻ
Trong quá trình dạy dỗ, nếu các cha mẹ thiếu hiểu biết về tâm sinh lý trẻ thì có thể đo mức độ hiểu biết của con bằng thái độ tiếp nhận. Nếu con lơ ngơ như “bò đội nón” dù đã giảng 2 lần nghĩa là con chưa đủ khả năng hiểu. Nếu con không có hứng thú gì, cứ bỏ đó đi chơi thì có lẽ phương pháp chưa hấp dẫn, cha mẹ cần tham khảo chuyên gia lập tức để tìm phương pháp phù hợp.
4. Hãy làm mẫu cho con
Cha mẹ hãy nhớ, dạy con tức là hướng dẫn con từ từ chứ không phải là giảng đạo. Vì thế, tốt nhất là làm mẫu và khuyến khích con làm theo chứ cứ định nghĩa, tính chất, quy luật…thì con sẽ khó có thể hiểu được thông điệp của cha mẹ.
5. Học sinh tiểu học đã cần biết lập kế hoạch
Lập kế hoạch đối với trẻ ở cấp tiểu học bắt đầu bằng việc cân đối chơi và học. Vì sau này còn dạy con dồn sức học cho kì thi, cho những đợt gay cấn nên cha mẹ cần thiết phải hướng dẫn con cân đối thời gian chơi và học thật rõ ràng. Thời gian chơi của lớp 1 phải nhiều nhất. Lớp 2, 3, 4, 5 giảm dần nhưng đừng giảm sốc quá mà con sợ. Nói chung, vẫn quán triệt tinh thần chơi nhiều hơn học (trừ thời gian ở lớp).
6. Dành thời gian học cùng con
Ví dụ, trẻ tiểu học luôn cảm thấy môn Tiếng Việt không hề dễ, vậy nên để con học tốt rất tốn công sức. Sách vở mua cho con không đủ, cha mẹ hãy cùng con tìm hiểu và khám phá. Nếu có từ Hán - Việt khó quá thì cùng con tra từ điển. Nghĩa là bạn hãy cùng con khám phá một cách ngang hàng chứ không phải “chỉ tay năm ngón”. Đây cũng là cách hữu hiệu rèn cho con kỹ năng tìm tòi, nghiên cứu - nền móng cho sáng tạo.
7. Tôn trọng con tối đa
Bạn hãy luôn hỏi ý kiến con về mọi thứ. Nếu cha mẹ muốn quyết định thứ gì theo ý mình thì hãy cho con lựa chọn vài ba món mà trong đó món cha mẹ thích là món nhiều lợi ích và ít rủi ro nhất. Yên tâm đi, con sẽ vô cùng khôn ngoan chọn nó ngay. Như thế sẽ vẹn cả đôi đường.
8. Tôn trọng lý lẽ và các dẫn chứng khoa học
Bạn đừng bao giờ áp đặt suy nghĩ của bố mẹ vào đầu con cái. Nếu cha mẹ gây áp lực kiểu: Bố bảo phải nghe thì đến khi con bạn phát hiện ra 1 món gì đó bố sai, lúc đó lấy lại lòng tin của trẻ là việc rất khó khăn.
9. Thưởng phạt phân minh và công bằng
Với mọi người trong gia đình, hãy luôn áp dụng thưởng phạt phân minh và công bằng. Nếu không có những trường hợp ngoại lệ thì luật gia đình sẽ được đảm bảo và đạo đức con trẻ sẽ tiến triển ổn thỏa.
10. Cha mẹ luôn phải cố gắng làm gương cho con cái
Các bạn đừng quên nói với con rằng, cha mẹ cũng là con người bình thường nên khó tránh khỏi sai sót, con thông cảm. Đừng cố gắng bao biện hay bảo thủ với sai lầm của mình, con sẽ học món này rất nhanh đấy.
11. Nói đi đôi với làm
Các bạn hãy nhớ rằng, nếu các cha mẹ “tiền hậu bất nhất” thì chẳng thay đổi được con đâu. Vì thế, hứa tối thiểu, làm tối đa, không làm được thì nhất định đừng hứa hẹn với trẻ nhé.
TS. Vũ Thu Hương nhận định: Trẻ lứa tuổi mầm non, tiểu học đã bắt đầu hình thành nhân cách. Vì vậy, đây là giai đoạn vàng để cha mẹ dạy con làm quen và rèn luyện các thói quen tốt. Áp dụng 11 tiêu chí nêu trên, chắc hẳn cha mẹ sẽ thấy mọi việc dễ dàng và hiệu quả hơn. Với từng mục tiêu, cha mẹ cũng cần linh hoạt vận dụng thêm các mẹo vặt khác nhau để uốn những cây non vươn lên đúng hướng.