Nhiều phụ huynh vô tình làm hư con trong quá trình dạy dỗ hay khi thể hiện tình yêu bằng cách chấp nhận cả những cư xử không tốt của bé.
Nhiều cha mẹ luôn muốn đáp ứng những yêu cầu của con trẻ nhằm tạo ra những kỷ niệm vui vẻ. Điều đó được thể hiện bằng cách mua sắm ở cửa hàng, đi chơi công viên,... Trong trường hợp trẻ vòi vĩnh, cha mẹ thường dễ nhượng bộ hơn nhiều so với từ chối.
Không có gì sai khi thỉnh thoảng bạn mua cho con một món đồ chơi nhỏ trong lúc đi siêu thị hoặc đưa con đến sở thú như một món quà đặc biệt, nhưng bạn có nguy cơ tạo ra một đứa trẻ hư nếu bạn làm những điều này để đáp lại sự đòi hỏi liên tục của chúng.
Đáp ứng nhu cầu của con quá thường xuyên sẽ khiến mọi thứ đi theo chiều hướng tiêu cực, không mong muốn.
Lichtman, chuyên gia tâm lý cho biết: “Bạn sẽ làm hại con mình nếu chúng bước ra thế giới với suy nghĩ rằng thế giới xoay quanh chúng. Nếu con bạn có biểu hiện này, vẫn chưa quá muộn để đảo ngược hành vi với sự trợ giúp của các chiến thuật điều chỉnh thái độ.
Biểu hiện của một đứa trẻ hư
Hư hỏng đồng nghĩa với cư xử thiếu chín chắn, ích kỷ. Hành vi này bắt nguồn từ cách trẻ được nuôi dạy. Nó là kết quả của "sự thất bại của cha mẹ trong việc thực thi các giới hạn nhất quán, phù hợp với lứa tuổi", Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khẳng định.
Nhiều đứa trẻ hư được mô tả là "được nuông chiều quá mức", "ích kỷ" và "tự ái quá cao".
Mặc dù có nhiều cách để nhận biết con bạn có hư hay không, nhưng một số dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm: khó chấp nhận khi bị cha mẹ từ chối, không hài lòng với những gì mình có, tự cho mình là trung tâm, thường xuyên giận dữ,...
Những đứa trẻ hư cũng thường xuyên đấu tranh để chống lại các quy tắc, vì chúng tin rằng quy tắc không áp dụng cho chúng. Vậy làm thế nào bạn có thể tránh nuôi dạy một đứa trẻ hư hỏng?
1. Đừng tranh luận về các quy tắc
Khi nói đến các quy tắc, không nên tranh luận hoặc kỳ kèo. Những cuộc đôi co bất tận với trẻ là hoàn toàn vô nghĩa, vì kết quả đã được định trước.
Lichtman cho biết: “Con bạn có quyền thất vọng hoặc khó chịu khi chúng không được làm theo cách của chúng, nhưng bạn không nên lôi kéo chúng vào cuộc tranh luận qua lại bằng lời nói. Hãy cho trẻ biết chúng ta làm điều này bởi vì “đây là những gì chúng ta làm với tư cách là một gia đình” và tiếp tục thực hiện quy tắc”.
2. Giúp con quản lý cảm xúc
Không cha mẹ nào thích chứng kiến sự giận dỗi của con cái, nhưng nhượng bộ còn tệ hơn nhiều. Lý do chính khiến một đứa trẻ tiếp tục gặp khó khăn là chúng “chiến thắng” cha mẹ. Tốt nhất đừng tham gia vào “trò chơi” này của trẻ bởi vì cuối cùng trẻ cũng sẽ tự dừng lại.
Lichtman gợi ý nếu bạn đang ở nhà, chỉ cần bỏ qua sự giận dỗi của con. Việc chú ý quá nhiều đến hành vi đó đảm bảo sự việc chắc chắn sẽ lặp lại.
Thay vào đó, hãy đưa con bạn đến một không gian yên tĩnh. Khi bọn trẻ nhận ra rằng bạn không bị thao túng, chúng sẽ ít có khả năng sử dụng chiến thuật đó trong tương lai.
3. Động viên thay vì quà tặng
Lichtman nói: “Một đứa trẻ nhận được phần thưởng cho mỗi thành tích nhỏ sẽ bắt đầu mất đi động lực tự nhiên để trở nên xuất sắc trong mọi việc. Ngược lại, những lời khen ngợi cụ thể sẽ giúp bạn gắn bó với con lâu hơn và thúc đẩy động lực của chúng. Đó là điều tuyệt vời cho lòng tự trọng của trẻ”.