Theo số liệu thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) năm 2017, hơn 1/3 số người sử dụng Internet ở Việt Nam chưa thành niên và thanh niên, trong độ tuổi 15 - 24. Trong khi đó, đa số trẻ em thiếu kiến thức về công nghệ số. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet từ bạn bè, rất ít học từ cha mẹ mình. Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn.
Rủi ro trên mạng nhiều hơn đời thực
Nói về những nguy cơ, rủi ro đến với trẻ trong thế giới ảo khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng, công nghệ thông tin đổi mới hàng ngày, nguy cơ đối với trẻ em sẽ lớn hơn như bị đánh cắp thông tin cá nhân, bị theo dõi, bị bắt nạt…
“Đa phần người lớn dùng biện pháp hạn chế, cấm đoán trẻ em sử dụng Internet. Nhưng thực tế điều này rất khó bởi chúng ta chỉ có thể cấm ở nhà. Chúng ta cũng không thể trông đợi được ở nhà trường trong việc bảo vệ trẻ, bởi ở trường có môn nào dạy về an toàn trên Internet đâu?”, PGS. Nguyễn Hoàng Ánh băn khoăn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Thế nên, rủi ro với trẻ trên thế giới ảo nhiều hơn và đáng sợ hơn ở đời thực. Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, các bậc cha mẹ nên suy tính đến những nguy cơ như trẻ em có thể bị tiếp xúc với những thông tin độc hại hoặc bị người không quen biết lừa đảo, bị bắt nạt. “Tôi thấy người lớn còn dễ bị bắt nạt, huống hồ trẻ em. Vì thế, những nguy cơ rình rập đối với trẻ là có thật”, PGS. Nguyễn Hoàng Ánh nhấn mạnh.
Là người trong cuộc, cũng từng trải qua thời gian trầm cảm vì bị tấn công mà không hiểu vì sao, bà Ánh cho rằng, người lớn còn bị sang chấn tâm lý, nói gì đến trẻ em. Thực tế, có những đứa trẻ bị bắt nạt, bị đe dọa trên mạng, thậm chí đã tự tử.
Vì vậy, cha mẹ nên làm bạn cùng con. “Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh nên nhẹ nhàng, tôn trọng con, tạo niềm tin nơi con. Chúng ta hãy cho trẻ cơ hội trao đổi, mở lòng. Thay vì đưa ra mệnh lệnh, cha mẹ có thể cùng học với con. Phải cho con tin rằng, dù có chuyện gì thì mình vẫn đồng hành cùng con. Ngoài ra, cha mẹ không nên đưa thông tin cụ thể của con lên mạng, không tiết lộ học ở đâu, học trường nào”, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Ánh nói.
Bà Ánh cũng cho rằng, ở nước nào cũng có những vụ việc tương tự chứ không riêng gì Việt Nam. Trong giáo dục con dù đời thực hay trên mạng phải trông cậy từ chính gia đình, hãy “tự cứu mình trước khi trời cứu và “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Cùng con “vượt bão”
Nói về thực trạng trẻ sử dụng Internet ở nước ta hiện nay, bà Ninh Thị Hồng (Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) chia sẻ, trên mạng hiện nay có quá nhiều thông tin, hình ảnh với nội dung chưa được kiểm duyệt. Trẻ em là đối tượng còn non nớt, chưa có kinh nghiệm để biết cái gì giả, cái gì thật nên rất dễ bị mắc lừa kẻ xấu.
Hơn nữa, bản tính của trẻ vốn tò mò nên nguy cơ đối với trẻ em cao hơn người lớn nhiều. Có những em 13, 14 tuổi thông qua mạng xã hội bị lừa đảo vào hoạt động không lành mạnh. Có trường hợp các em bị lừa, bị rủ rê lôi kéo bỏ học theo người lạ hoặc bị kẻ xấu lợi dụng.
Nhấn mạnh vai trò của gia đình, bà Ninh Thị Hồng cho rằng, thay vì cấm, cha mẹ phải hướng dẫn con sử dụng mạng xã hội an toàn. Chẳng hạn, con có thể tham khảo kiến thức, tìm hiểu thiên nhiên cuộc sống trên mạng. Đặc biệt, cha mẹ nên “khoanh vùng”, “đánh dấu đỏ” những hình ảnh tiêu cực không hợp với lứa tuổi của con. Quan trọng hơn cả là nói cho con hiểu để làm theo chứ không nên cấm đoán để gây trí tò mò ở trẻ bởi thực tế càng cấm, trẻ càng sa đà.
Nói về “chân kiềng” gia đình, nhà trường và xã hội trong việc bảo vệ trẻ, đặc biệt là trong thế giới ảo, bà Hồng khẳng định trách nhiệm đầu tiên ở phía gia đình. “Đối với con, khi nhỏ việc nuôi là quan trọng nhưng khi con đã lớn, việc dạy còn quan trọng hơn. Phụ huynh không chỉ dạy kiến thức, mà còn dạy kỹ năng sống, cách ứng xử và bảo vệ con”, bà Ninh Thị Hồng nhắn nhủ.
Không còn cách nào khác, cha mẹ hãy dành thời gian nhất định để theo sát con, để biết con mình đang chơi với ai, có suy nghĩ như thế nào? Phụ huynh phải là người bạn của con, yêu thương và cùng con “vượt bão” chứ không phải đưa ra mệnh lệnh, bắt con phải làm theo mình. Từ đó, mới ngăn ngừa được những tác hại xấu của mạng xã hội đối với trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam (Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) chia sẻ:
“Môi trường mạng, bên cạnh mặt tích cực cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đối với trẻ em. Đó là những thông tin không phù hợp với lứa tuổi của trẻ như bạo lực, tình dục… Trẻ em cũng bị tiết lộ những bí mật đời sống riêng tư trên mạng, bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục từ môi trường mạng.
Bởi vậy, cần hướng dẫn để trẻ sử dụng mạng an toàn. Cha mẹ và nhà trường nên giúp trẻ nhận biết được những rủi ro, cạm bẫy trên mạng để hạn chế tối đa những rủi ro cho trẻ. Chúng ta vẫn cho rằng, thế giới mạng là ảo nhưng những tổn thương, sang chấn tâm lý với trẻ em là có thật.
Việc phụ huynh chụp ảnh con em mình và lưu giữ làm kỷ niệm thì không sao, nhưng khi đăng tải những hình ảnh đó công khai lên mạng xã hội, không có sự giới hạn người xem thì cần cân nhắc xem điều này đã vì lợi ích tốt nhất của trẻ em hay chưa?
Theo tôi, cần có những "liều vắc xin" để bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng. Cha mẹ cần trang bị cho chính mình và con em mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết khi sử dụng mạng, làm sao để trẻ trở thành công dân thông minh trong thế giới số”.
|