Không phải hành vi nào ở trẻ cũng là dấu hiệu của sự phát triển bất thường hoặc có vấn đề tâm lý. Chuyên gia của trang
Parents nêu một số hành vi bạn không nên lo lắng và khi nào thì mới cần đến sự giúp đỡ.
Đập đầu
Lourdes Quintana, chuyên gia phát triển trẻ sơ sinh tại Trung tâm Gia đình và Trẻ em Howard Phillips, Bệnh viện Orlando Health Arnold Palmer, Mỹ, cho biết đa số phụ huynh hoảng hốt khi trẻ đập đầu vào tường, hoặc đồ vật. Nếu tình trạng này xảy ra không thương xuyên, bạn không đáng lo. Đôi khi, trẻ đập đầu chỉ vì thấy ngứa.
Tuy nhiên, khi trẻ lặp lại việc này hàng ngày với lực mạnh, gây thương tích, bạn cần tìm hiểu về các vấn đề tâm lý trẻ đang gặp phải. Trường hợp mỗi khi gặp khó khăn hoặc bức xúc, trẻ lại đập đầu, bạn nên đưa trẻ gặp chuyên gia tâm lý.
Cắn
Quintana đã chứng kiến những đứa trẻ mới biết đi cảm thấy thất vọng vì không có khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ với bố mẹ, người thân và bạn bè. Khi đó, trẻ có thể cắn người xung quanh. Ngoài ra, chúng ta thường có thuật ngữ "ngứa răng" để chỉ việc trẻ hay cắn khi mới mọc răng, điều này bình thường và bạn không nên lo lắng.
Bạn chỉ nên tìm đến sự giúp đỡ của những người có chuyên môn khi hành vi cắn không kết thúc khi trẻ đi học. Ngoài ra, nếu đã nhắc nhở nhưng trẻ vẫn tiếp diễn và gây thương tích nặng cho người khác, bạn cũng cần can thiệp sớm.
Ảnh:
First Five Years
Sử dụng các từ khó chịu
Đã bao giờ trẻ nói rằng chúng ghét bạn hay chưa? Tiến sĩ Ari Goldstein, nhà tâm lý học giáo dục tại Illinois, Mỹ, cho biết: "Trước 7 tuổi, khả năng lọc ngôn ngữ của trẻ không phát triển mạnh. Do đó, việc dùng từ lệch lạc xảy ra nhiều và cũng dễ hiểu". Ông giải thích, do kỹ năng xã hội chưa tốt, trẻ không thể hiểu lời nói có tác động như nào đến người khác. Vì vậy, khi trẻ nói những lời gây tổn thương, điều này thường không có gì đáng lo ngại.
Bạn có thể nói với trẻ rằng những từ ngữ này không phù hợp và khiến người khác không vui khi tiếp nhận. Nếu trẻ không thay đổi và tình trạng này kéo dài đến năm 10 tuổi, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia.
Đẩy ngã bạn bè
Trước 3-4 tuổi, trẻ thường không thể hiểu hết các khái niệm "chia sẻ", "nhường nhịn". Theo tiến sĩ Goldstein, trẻ ở độ tuổi này chưa học được các kỹ năng để giữ và chia sẻ đồ chơi. Trẻ có thể xô ngã bạn bè chỉ để giằng lại món đồ yêu thích.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể la hét, thậm chí gây hấn với bạn bè tại sân chơi nếu không đạt được thứ mình muốn. Tuy nhiên, việc này thường xảy ra khi trẻ chưa đi học. Nếu những nỗ lực của bạn trong việc yêu cầu trẻ nhường nhịn, cư xử lịch sự với bạn bè vẫn vô dụng khi trẻ đi học, bạn cần nói chuyện với bác sĩ.
Khi nào cần tìm sự giúp đỡ của chuyên gia?
Với tất cả hành vi này, tiến sĩ Goldstein nhấn mạnh, tuổi tác là căn cứ rõ ràng nhất để xác định trẻ có phát triển bình thường hay không. Đôi khi, nhiều điều trẻ hành động có thể rất kỳ quặc đối với bạn nhưng lại bình thường với độ tuổi của trẻ. Để nhận biết những bất thường, không còn cách nào khác là bạn phải tìm hiểu và quan tâm đến trẻ ở từng giai đoạn. Đồng thời, bạn cũng nên chú ý tới tần suất trẻ lặp lại hành vi đó.