Bắt đầu từ sớm
Theo một nghiên cứu được công bố bởi dịch vụ MoneyHelper của chính phủ Anh, những trải nghiệm từ sớm của trẻ em với tiền có thể hình thành hành vi tài chính của chúng khi trưởng thành. Nghiên cứu của Đại học Cambridge cũng cho thấy, hầu hết học sinh ở tuổi lên 7 có khả năng nắm bắt các bài giảng về giá trị của tiền bạc và nhận thức được rằng một số lựa chọn tài chính là không thể thay đổi hoặc sẽ mang đến rắc rối trong tương lai.
Những đứa trẻ được tạo cơ hội đưa ra các quyết định tài chính từ sớm, phù hợp với lứa tuổi, và trải qua những tình huống khó xử trong chi tiêu có thể hình thành "thói quen tích cực trong tâm trí" khi nói đến tiền. Điều này tác động tới khả năng lập kế hoạch chi tiêu, thúc đẩy hành vi tích cực trong cuộc sống sau này.
Juliette Collier, giám đốc quốc gia của Tổ chức từ thiện Campaign for Learning, nói rằng cho trẻ 3-4 đồng tiền để chúng xoay xở, chi tiêu và tiết kiệm là điều nên làm, mang lại nhiều giá trị. "Chỉ cần trẻ đủ lớn để không cho tiền vào miệng, hãy cho chúng một ít tiền. Ví dụ, nếu trẻ muốn chi số tiền đó cho đồ ngọt, bạn hãy nói rằng chúng không thể tiêu tiền vào việc khác nữa. Hãy để trẻ đưa ra lựa chọn và trải qua hậu quả", Collier nói.
Các bài giảng phải vui vẻ
Hiện, nhiều tài nguyên miễn phí có thể hỗ trợ dạy trẻ về tiền bạc. Valuesmoneyandme là một trang web cung cấp sách trực tuyến miễn phí và các câu đố tương tác cho trẻ em độ tuổi tiểu học, giúp trẻ khám phá những điều thú vị về đồng tiền và các tình huống khó xử về tài chính trong thế giới thực.
FunKidsLive và một số trang khác như Monet Match Café, Pop to the Shops cũng có nhiều trò chơi miễn phí trực tuyến, còn Cheeky Monkeys cung cấp những bài học tài chính, kèm hậu quả và rủi ro có thể xảy ra.
Thảo luận về mục đích của tiền
Collier gợi ý, nên chụp ảnh các vật dụng khác nhau, rồi phân loại chúng thành nhu yếu phẩm và xa xỉ phẩm. Từ đó, giáo viên có thể cùng trẻ thảo luận xem tiền dùng để làm gì.
Cô cũng khuyến nghị nói về các chi phí không nhìn thấy bằng mắt như tiền điện, nước, và lôi kéo trẻ nỗ lực tiết kiệm. Chẳng hạn, có thể đề nghị trẻ thực hiện một ngày "không chi tiêu", hoặc chỉ sử dụng nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh để nấu bữa tối.
Những hoạt động này như một bàn đạp để thảo luận về chủ đề: Người lớn cần ưu tiên điều gì, và sẽ khó khăn như nào nếu chúng ta muốn mua một thứ mà không đủ khả năng chi trả.
Tổ chức từ thiện Child Poverty Action Group gợi ý, nên đề nghị trẻ tưởng tượng về một người bạn bằng tuổi và những điều người bạn đó phải trả qua nếu gia đình không có tiền. "Nói về sự nghèo đói có thể giúp trẻ nâng cao nhận thức, hiểu biết về nghèo đói và bất bình đẳng. Đây có vẻ là một chủ đề khó thảo luận, nhưng khi đề cập đến, trẻ thực sự xử lý thông tin rất tốt", Kate Anstey, người phát ngôn của Child Poverty Action Group, nói.
Ảnh: Cultura Creative (RF)/Alamy
Đi đến cửa hàng
Một trong những nơi tốt nhất để dạy trẻ về tiền bạc là các cửa hàng. Tiến sĩ Ems Lord, Giám đốc Dự án toán học NRICH tại Đại học Cambridge, cho biết: "Có thể tự mình xử lý tiền và mua một món là điều rất đặc biệt, giúp trẻ tự tin hơn với tiền bạc".
Nếu thanh toán bằng thẻ, hãy giải thích cách hoạt động của thẻ thảo luận về các mặt hàng đã mua thông qua một số câu hỏi như "Tại sao sản phẩm đắt tiền hơn thường có chất lượng tốt hơn?", "Tại sao khách hàng sẵn sàng chi nhiều hơn cho chocolate và trứng?"...
Một điều quan trọng mà các chuyên gia lưu ý, là phải dạy trẻ về cơ chế "mua một và nhận ưu đãi hoặc miễn phí cho món hàng tiếp theo". Điều này khá phức tạp, ngay cả với người lớn. Bởi tùy vào bối cảnh và nhu cầu sử dụng món hàng đó, các ưu đãi này có thực sự hữu dụng với người mua hay không. "Khuyến khích trẻ tính toán chi phí mua sắm và so sánh các ưu đãi để chúng hiểu về giá trị của hàng hóa là kỹ năng sống cần thiết", Ems Lord nói.
Ngoài ra, kỹ năng ước lượng cũng đáng trang bị cho trẻ từ sớm, bởi nó giúp trẻ phát triển cảm giác thực sự với các con số, tránh mắc phải những sai lầm tốn kém.
Làm cho các khoản đầu tư của trẻ có ý nghĩa
John Lee, tác giả của Yummi Yoghurt, một cuốn sách về đầu tư dành cho thanh thiếu niên, gợi ý rằng hãy cho trẻ mua thử một vài cổ phiếu. Bằng cách đó, bạn có thể giải thích cho trẻ rằng cả hai đang cùng có lợi, và một ngày nào đó trẻ sẽ nhận được phần thưởng (dưới dạng cổ tức) nếu công ty đó hoạt động tốt.
Đưa trẻ đến một cửa hàng từ thiện
Đây là địa điểm tuyệt vời để trẻ sử dụng tiền tiêu vặt hàng tuần. Hoạt động này nên được thực hiện trong các gia đình. Trẻ có thể tìm thấy một món đồ giá hời, còn phụ huynh "tranh thủ" thảo luận về việc: "Đồng tiền khiến con cảm thấy thế nào?", "Liệu con có biết mình đang ủng hộ một mô hình tốt, giúp đỡ người khó khăn, đồng thời cũng mua được món đồ yêu thích?"...
Hãy chỉ ra tác động tích cực của việc mua đồ cũ. Khi về đến nhà, hãy tìm xem món đồ mới có giá bao nhiêu và nói với trẻ về việc cần tiết kiệm bao lâu nữa mới có thể mua được đồ mới.