Đối với trẻ 5 tuổi, ở mẫu giáo phụ huynh, nhà trường cần chuẩn bị mọi tâm thế, điều kiện để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1.
Cô giáo Trường Mầm non Tân Mai đang hướng dẫn học sinh gọt rau quả. Ảnh NTCC.
Rèn thói quen tự phục vụ cho trẻ
Để trẻ 5 tuổi sẵn sàng bước vào lớp 1 tự tin, nhiều trường mầm non đã tập trung trang bị, hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng, thói quen đặc biệt là tập tính tự lập cho các em.
Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Bích Ngọc – Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, TP. Hà Nội): “Trẻ đang học tại trường mầm non quen với các hoạt động học tập được tổ chức dưới dạng các trò chơi. Trẻ chủ động lựa chọn các nội dung tham gia theo định hướng của cô giáo. Tuy nhiên khi lên lớp 1, trẻ sẽ thay đổi môi trường học tập khác biệt, do vậy nhiều trẻ sẽ bỡ ngỡ và cần có nhiều thời gian để làm quen, thích nghi với môi trường học tập mới.
Chính vì vậy, trẻ ở lớp 5 tuổi cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để trẻ sẵn sàng bước vào lớp 1, giúp cho trẻ tự tin, chủ động hơn trong việc học”.
Theo đó, nhà trường, các cô giáo chuẩn bị tốt cho trẻ các nhóm kỹ năng: tính toán, thông tin, giải quyết vấn đề, tự đánh giá, kiểm soát bản thân và hợp tác khi làm việc nhóm và học tập.
“Các kỹ năng này sẽ giúp trẻ thích nghi nhanh với môi trường học tập ở trường Tiểu học”, cô Ngọc nói.
Đối với các kỹ năng sống, nhà trường, phụ huynh cần để trẻ hiểu những thay đổi môi trường mới đòi hỏi sự độc lập, chủ động trong mọi công việc, trẻ không còn có sự giúp đỡ nhiều từ thầy cô trong các hoạt động.
“Do vậy, ngay khi còn học ở trường mầm non nhà trường đã trang bị cho trẻ các kỹ năng như: giao tiếp, chào hỏi, làm quen, kết bạn. Dạy trẻ biết cảm thông và chia sẻ, nói lời cảm ơn, xin lỗi. Đặc biệt, trang bị cẩn thận cho trẻ các tự chăm sóc, tự phục vụ, biết bảo vệ bản thân khi đi lạc, phòng chống xâm hại; giữ trật tự trong lớp học”, cô Ngọc cho biết.
Phụ huynh và nhà trường đồng hành
Theo cô Ngọc, việc phụ huynh, nhà trường đồng hành sẽ giúp cho trẻ có một hành trang vững chắc bước vào lớp 1.
Cụ thể, đối với nhà trường: Ngay từ đầu năm học nhà trường đã có kế hoạch giáo dục cụ thể để dạy kỹ năng cho trẻ. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn trao đổi về các nội dung, phương pháp dạy trẻ và kết quả mong đợi đạt được cho trẻ tại lớp theo từng tháng. Qua đó có sự điều chỉnh phù nội dung, phương pháp phù hợp trong quá trình dạy trẻ.
Phụ huynh, nhà trường cần chuẩn bị tâm lý cũng như chia sẻ với trẻ về các kỹ năng cần có khi lên lớp 1.
Nhà trường có kế hoạch tổ chức các chuyên đề tìm hiểu về trường Tiểu học và tổ chức cho trẻ tham quan trường Tiểu học, giới thiệu với trẻ về những không gian học tập, các môn học tại trường, những hoạt động ở trường để trẻ không bị bỡ ngỡ khi đến trường.
Đối với cô giáo và phụ huynh, cần lưu ý đến khả năng tiếp thu và tập trung của trẻ để khi rèn các kỹ năng đó bố mẹ cũng như giáo viên phải kiên trì, có tình yêu thương trẻ; phải hiểu về tâm lý lứa tuổi, có nhiều biện pháp giáo dục tinh tế.
Bên cạnh đó, người giáo viên cần am hiểu và biết cách tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ phù hợp, khuyến khích được trẻ tham gia.
Đối với những trẻ còn yếu, chậm thì cần được quan tâm, chia sẻ và động viên thường xuyên của bố mẹ và cô giáo thường xuyên. Với trẻ nhỏ, tuyệt đối không được mắng, chê trách trẻ mà cần phải nhẹ nhàng giải thích, hướng dẫn cho trẻ.
“Quan trọng là ở lứa tuổi này, bố mẹ và cô giáo lưu ý phải là người đồng hành, là người bạn, người cộng sự bên cạnh trẻ. Luôn lắng nghe mọi câu chuyện của con và cùng con trao đổi, thảo luận nếu đó là điều làm con thắc mắc. Cần khơi gợi sự yêu thích đối với việc học trong con”, cô Ngọc nhấn mạnh.
Theo cô Ngọc, khi chuyển sang học tại trường Tiểu học, đa số trẻ có tâm lý lo lắng, bỡ ngỡ và e ngại do đó việc chuẩn bị tâm lý thoải mái và sẵn sàng cho trẻ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi trẻ có một tâm lý vững vàng sẽ giúp trẻ vui vẻ, sẵn sàng hòa nhập với môi trường mới, háo hức khi bắt đầu được học với thầy cô giáo tiểu học.
Vì vậy, trong quá trình học cô giáo thường xuyên trò chuyện với trẻ về những thay đổi cũng như những niềm vui mà trường tiểu học mang đến như: có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè mới, thầy cô giáo mới; được học hỏi nhiều điều thú vị, có những trải nghiệm đáng nhớ…
Tổ chức chuyên đề và các hoạt động tìm hiểu về trường Tiểu học để tạo sự háo hức, chờ đón vào trường Tiểu học