Để trẻ thực sự được sống hạnh phúc cần tạo một môi trường học tập thân thiện, tích cực. Ở đó, thầy cô, bạn bè phải là chỗ dựa tin cậy, thân thiết để các em thực sự được trao gửi yêu thương.
Trẻ nhút nhát dễ bị bắt nạt
Theo báo cáo của UNICEF, một nửa học sinh từ 13 đến 15 tuổi trên toàn thế giới – ước tính khoảng 150 triệu em từng bị bạo lực bởi các bạn đồng trang lứa ngay trong trường và các khu vực xung quanh. Bạo lực tại trường học là những xâm hại thể chất, hoặc lời nói của giáo viên và học sinh khác đối với trẻ.
Đây chính là lý do phổ biến nhất khiến trẻ em không thích đi học. Tại Hà Nội, gần đây khi điều tra 955 học sinh của 7 trường tiểu học và THCS, cho thấy có 334 HS (chiếm 36%) thường xuyên bị bắt nạt. Trong đó có 122 em (chiếm 12,8%) bị bắt nạt từ 2 loại hình trở nên (như bị đe dọa, cô lập, lăng nhục, đánh đập…).
Trường học lẽ ra là môi trường an toàn đối với trẻ, song, do không được giám sát và quản lý chặt chẽ, nên dẫn tới việc nhiều em bị bạo hành từ bạn bè, thậm chí từ chính các thầy cô giáo. Nguy hại hơn, những học sinh đó không dám lên tiếng, hoặc chia sẻ với những người xung quanh. Có những trẻ liên tục bị bạo hành mà gia đình không biết, dẫn tới những hậu quả xấu về thể chất và tinh thần.
Gần đây, một học sinh lớp 5 ở Bình Dương phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra 9 viên bi sắt trong bụng của em. Bệnh nhi này đã bị cắt bỏ 40 cm ruột do hoại tử. Em được cho là bị một nhóm bạn cùng lớp bắt ép nuốt 9 viên bi sắt, nhưng trong suốt 3 tuần, em không dám nói với ai.
Sự việc chỉ được phát hiện khi em bị nôn ói, đau bụng dữ dội. Câu chuyện đã dấy lên lo lắng về những rủi ro trong trường học. Vấn nạn bắt nạt học đường thêm một lần nữa được cảnh báo.
Một người mẹ trên Facebook phản ánh việc con gái mình trong một thời gian dài thường xuyên bị nhóm bạn cùng lớp ép phải mang kẹo bánh, hoặc đồ dùng học tập tới lớp.
Nếu con chị không nghe lời, lập tức bị nhóm bạn đó tẩy chay, đe dọa… Khoảng thời gian này, con gái chị có những biểu hiện lo lắng, không háo hức đi học như trước. Khi phát hiện ra điều này, cô giáo chủ nhiệm đã kỷ luật những học sinh trên. Tuy nhiên, người mẹ vì không muốn con ảnh hưởng về tinh thần đã xin chuyển cho con sang lớp khác.
Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Bích Lộc, giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường Xuyên huyện Thanh Trì (Hà Nội) chia sẻ: Những trẻ bị bắt nạt thường có tính khí nhút nhát, khó có khả năng hòa đồng với các bạn xung quanh. Trẻ thường e dè, không mạnh dạn, thiếu tự tin trong giao tiếp. Vì vậy, ngay từ nhỏ cha mẹ nên quan tâm, gần gũi và tạo cho trẻ có cơ hội tham gia các hoạt động trong xã hội.
Việc cho các em tham gia những lớp kỹ năng sống, cũng như giúp con kết bạn ở trường sẽ khiến trẻ mạnh mẽ biết tự bảo vệ mình.
Giáo viên chủ nhiệm phải gần gũi HS
“Để giảm thiểu và chấm dứt hiện tượng trẻ bị bắt nạt trong trường học, giáo viên chủ nhiệm lớp có vai trò hết sức quan trọng. Vì, ngoài việc truyền thụ kiến thức cho các em, các thầy cô còn phải sát sao với tình hình của lớp.
Bất cứ những biểu hiện khác thường của học sinh, giáo viên chủ nhiệm đều cần quan tâm giúp đỡ, uốn nắn và giáo dục các em. Thầy cô là chỗ dựa để trẻ có thể tin cậy, chia sẻ những khúc mắc trong mối quan hệ với bạn bè”.
Đó là chia sẻ của cô Phạm Thị Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan B, tỉnh Ninh Bình. Vì vậy từ nhiều năm qua, BGH nhà trường luôn đặt mục tiêu xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực góp phần đẩy lùi nạn bạo lực học đường. Mỗi thầy cô phấn đấu là tấm gương chuẩn mực về đạo đức trong cách hành xử để học sinh noi theo.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đề ra những nội quy, quy định về văn hóa ứng xử giữa các đồng nghiệp trong hội đồng sư phạm; giữa giáo viên với học sinh; giữa học sinh với nhau. Việc kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh chính là một trong những giải pháp tích cực để giáo dục đạo đức cho học trò.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, nhấn mạnh, bổ sung một số điều của Điều lệ Trường mầm non, tiểu học, THCS, và THPT. Điều này sẽ góp phần tạo môi trường học đường văn minh, lịch sự trong mỗi nhà trường.
Theo đó, trong ngôn ngữ đối với thầy, cô giáo, HS cần phải kính trọng, lễ phép; không dùng ngôn ngữ thiếu tôn trọng, xúc phạm thầy cô. Đối với bạn bè cần đúng mực, tôn trọng, thân thiện; không nói tục, chửi bậy, gây tổn thương, hiềm khích, mất đoàn kết. Bạn bè phải tôn trọng, thân thiện, hợp tác, giúp đỡ, bao dung và trách nhiệm, tôn trọng sự khác biệt; không bạo lực, bè phái, gây mất đoàn kết.
Ngôn ngữ của giáo viên đối với học sinh cần chuẩn mực, giản dị gần gũi, dễ hiểu và tôn trọng trẻ; không dùng lời nói xúc phạm, gây tổn thương các em…
Hành vi ứng xử của giáo viên với học sinh cũng phải chuẩn mực, yêu thương, bao dung và trách nhiệm; tôn trọng sự khác biệt; công bằng, lắng nghe và động viên cũng như khích lệ sự tham gia tích cực, sáng tạo của trẻ; không bạo hành, gây tổn thương trẻ.
Để giúp trẻ phòng chống bạo lực, những người thân hãy tạo cho trẻ có thói quen chia sẻ những câu chuyện ở trường, đặc biệt là những bất thường xảy ra với chúng. Các nhà trường cần thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội. Chính quyền địa phương phải quan tâm, chăm lo hơn đối với trẻ. Cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực. |