Rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ không có nghĩa là bắt con phải ngồi chờ đợi mà không làm gì hết.
Thay vào đó, bố mẹ hãy khuyến khích con tạo ra những hoạt động vui chơi thú vị.
Thiếu kiên nhẫn là thiếu sáng tạo
Kiên nhẫn là mức độ một người có thể chịu đựng trước khi chuyển biến tiêu cực. Khi rèn luyện được tính kiên nhẫn, trẻ sẽ trở nên ôn hoà và điềm đạm hơn. Bạn sẽ không còn hoặc ít khi nhìn thấy con la hét mỗi khi không chờ đợi được một điều gì đó.
ThS Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên cho rằng, sự kiên nhẫn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời. Nó giúp trẻ mở rộng các mối quan hệ và xây dựng hình ảnh đẹp trong mắt người khác.
Sự kiên nhẫn giúp trẻ vượt qua khó khăn trong bất cứ hoàn cảnh nào. Trẻ cũng trở nên độc lập và đưa ra những quyết định chính xác vào những thời điểm quan trọng…
Kiên nhẫn là trạng thái của sự chịu đựng trong những hoàn cảnh khó khăn. Điều đó có nghĩa là cố gắng vượt qua những thách thức, chấp nhận đối mặt với sự chậm trễ hoặc hành động khiêu khích mà không biểu hiện sự khó chịu hoặc giận giữ một cách tiêu cực.
Khi trẻ có lòng kiên nhẫn, trẻ sẽ kiên trì thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành nó cho dù khó khăn có thể ập đến. Lúc này, trẻ biết tìm cách để vượt qua và không nản chí trước thử thách. Như vậy, trẻ dễ trở thành người thành công hơn trong tương lai. Không có chướng ngại nào có thể làm chùn bước chân với sự cố gắng và kiên trì của trẻ.
Kiên nhẫn đồng nghĩa với không nóng vội. Với đức tính này, trẻ sẽ không vội vàng quyết định điều gì nếu chưa được suy nghĩ một cách thấu đáo. Như vậy, trẻ cũng không phải tiếc nuối về những việc mà mình đã làm.
Giống như việc đến cửa hàng đồ chơi, trẻ không vội vàng lựa chọn thứ mà chúng nhìn thấy đầu tiên. Thay vào đó, trẻ dành thời gian đi vòng quanh một lượt, cân nhắc lựa chọn món đồ chơi thực sự cần thiết và đáp ứng được sở thích của bản thân.
Ngược lại, theo cô Thuỷ, trẻ thiếu kiên trì, nhẫn nại sẽ không có ý chí vươn lên, tinh thần khắc phục khó khăn và năng lực làm việc kém. Trẻ không có sự sáng tạo, ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ sau này. Khả năng phản xạ kém, nhu nhược, thường cảm thấy bất ổn về tinh thần, ảnh hưởng đến sự hình thành tính cách, lớn dễ mắc bệnh về thần kinh. Trẻ thiếu kiên nhẫn sẽ luôn ỷ lại vào cha mẹ, làm việc gì cũng không đến cùng và thường bỏ dở.
Áp dụng trò chơi cho trẻ
Cô giáo Nguyễn Thị Liên, Trường Mầm non Ninh Khánh (Ninh Bình) cho rằng, đối với trẻ từ 1 đến 6 tuổi, cần có các trò chơi để rèn tính kiên nhẫn. “Người lớn có thể chuẩn bị cho con các bức tranh về phong cảnh, đồ vật,… rồi cắt bức tranh ra thành các mảnh ghép nhỏ rồi cho trẻ ghép.
Mức độ tăng dần từ dễ đến khó. Trò chơi này có thể áp dụng cho gia đình có 2 – 3 con nhỏ để tạo sự thi đua giữa các con. Gia đình có 1 bé, cha mẹ tạo cuộc thi giữa bé và cha mẹ để tạo sự hứng thú cho bé”, cô Liên hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng rèn luyện thói quen dùng thìa, đũa sẽ giúp trẻ học kỹ năng khéo léo và kiên nhẫn. Hãy đặt đồ vật nhỏ trong bát và một chiếc thìa để trẻ tự xúc ăn hoặc xúc cho búp bê, thú bông ăn.
Khi ăn cơm, cũng có thể cho trẻ xúc cơm đưa lên miệng bố mẹ, ông bà. Khi trẻ xúc thành công, người lớn nhớ cảm ơn và tạo động lực để khích lệ tinh thần trẻ. Như vậy ngoài việc rèn luyện kỹ năng khéo léo, trẻ cũng học được kỹ năng chia sẻ với những người khác và kỹ năng giao tiếp xã hội cần thiết.
“Luyện cho trẻ dùng đũa khó hơn so với dùng thìa, nhưng cũng thúc đẩy phát triển não bộ mạnh hơn. Ngoài luyện cho con dùng đũa trong lúc ăn, cha mẹ có thể cho con chơi trò dùng đũa gắp các loại hạt khô. Do lúc khô các hạt nhăn nheo, nhiều ma sát, giúp con gắp dễ dàng hơn. Trong lúc dùng đũa, tuyệt đối bảo đảm an toàn cho trẻ, không cho con chạy nhảy khi cầm hoặc ngậm đũa trong miệng”, cô Liên nói.
Thực tế, nhiều cha mẹ không cho phép con chơi kéo. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng nên cho trẻ 2 tuổi trở lên học cách dùng kéo. Mẹ có thể cho con dùng kéo thủ công không sắc nhọn và đảm bảo an toàn trong lúc chơi. Yêu cầu trẻ ngồi yên khi chơi, không đứng lên, không chạy nhảy. Đưa cho trẻ một vài tờ giấy để trẻ tập cắt, làm các đồ thủ công đơn giản hoặc cắt thành những dải giấy dài. Trò chơi này giúp con học được sự khéo léo và tính kiên nhẫn.
Cùng với đó, người lớn có thể cho trẻ chơi trò ghép hình. Trẻ tìm điểm đến của một bức hình, cha mẹ có thể chuẩn bị 1 tấm hình của các thành viên trong gia đình. Sau đó cho bé dán vào các vị trí để tạo thành bức tranh gia đình hoàn chỉnh.
Khi bé tự làm thứ gì đó một mình, con buộc phải suy nghĩ và tìm ra cách chơi tốt nhất, nếu không bé hoàn toàn phải chơi lại. Việc này giúp con phát huy óc sáng tạo, trí tưởng tượng, và đặc biệt là có thời gian suy nghĩ thấu đáo. Đây cũng là một trong những cách có thể rèn tính kiên nhẫn cho bé.
Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia giáo dục, các thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh đều không tốt cho sự phát triển óc sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ. Những thiết bị này thường cung cấp những chương trình giải trí nhanh chóng và dễ khiến trẻ bị lệ thuộc. Những trẻ có thói quen sử dụng các thiết bị điện tử thường nảy sinh tâm lý cáu gắt, chán nản, thiếu sự kiên nhẫn và tập trung.