Khi trẻ thiếu hụt các kỹ năng
Các kĩ năng xã hội là những kĩ năng về giao tiếp trong việc giải quyết các vấn đề hoặc đưa ra những quyết định của bản thân ở mỗi một tình huống cụ thể. Nếu ngay từ nhỏ trẻ không được trang bị những kỹ năng xã hội mềm dẻo thì thường sẽ hạn chế nhiều trong cuộc sống cũng như môi trường làm việc sau này.
Chị Thu Nga nhà ở khu tập thể Thành Công (Hà Nội) chia sẻ tâm sự của mình: Con trai 4 tuổi của tôi dường như hoàn toàn quên đi mọi thứ chúng tôi đã dạy nó khi nó ở cùng với những người bạn cùng lứa khác.
Nó quá kích động khi ở cùng các bạn, thậm chí giành giật đồ chơi, chọc phá các bạn. Nhiều lần cô giáo và những phụ huynh cùng lớp đã phản hồi với tôi về điều này. Ở nhà chỉ lúc nào tôi quát mắng thì cháu mới dừng những hành động khiến người lớn bực mình.
Chia sẻ về điều này, cô giáo Ngọc Linh, Trường Mầm non Kiss Home (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Ngoại trừ những trẻ có khí chất mang nhiều yếu tố nổi loạn, còn lại đa số trẻ thường có chiều hướng làm theo sự quan sát cách làm của người lớn để thực hiện giống như thế.
Trẻ bắt chước lại những gì mà người khác làm và những điều mà họ nói khi họ giao tiếp với nhau. Ngay cả khi trẻ vui chơi với bạn bè cũng trang lứa những người lớn nên khuyến khích trẻ thích nghi với những ứng xử đó.
Khi chơi, trẻ học cách thực hiện theo hướng dẫn, hợp tác, thực hiện sự lần lượt luân phiên và chia sẻ. Điều này giúp trẻ nhỏ hiểu những tình cảm của chính mình, cảm thấy tự hào về những việc mình làm và phát triển nhận thức về bản thân để hiểu mình là ai.
Đối với những trẻ có xu hướng hay nổi loạn, cha mẹ và cô giáo cần có những phương pháp giáo dục đặc biệt hơn. Người lớn nên dạy bé cách thể hiện cảm xúc bằng lời nói. Nếu bé có thể nói cho bạn, hoặc những người xung quanh biết bé cảm thấy thế nào, bé sẽ ít động tay động chân khi gặp căng thẳng...
Giúp trẻ biết tiết chế cảm xúc
Để giúp trẻ có những kỹ năng xã hội trong cuộc sống, những người thân trong gia đình và thầy cô giáo cần nuôi dưỡng lòng cảm thông và phát triển những chuẩn mực đạo đức cơ bản cho bé. Vì vậy trước tiên, các phụ huynh nên dạy con về ý thức cộng đồng, về những ảnh hưởng mà bé có thể tác động đến những người xung quanh.
Đặc biệt người lớn phải làm gương cho con trẻ. Nếu nhận thấy trẻ có cách cư xử không tốt, việc đầu tiên chúng ta cần làm là xem xét lại hành vi của những người lớn trong gia đình. Trẻ em rất dễ bắt chước những cử chỉ, lời nói của bố mẹ và người thân.
Vì vậy, muốn con cư xử tốt, bạn phải là người làm gương trong cuộc sống. Cha mẹ cũng nên khuyến khích bé làm việc nhà mỗi ngày, và tất nhiên, đừng quên nhận lời khi bé cần sự trợ giúp từ mẹ. Giúp bé phát triển những suy nghĩ tích cực về bản thân và khả năng của mình. Lòng tự trọng có ảnh hưởng rất lớn đối với khả năng phát triển về mặt xã hội của trẻ.
Tại buổi chia sẻ với phụ huynh về phương pháp nuôi dạy con cái, chuyên gia Lê Thị Phương Nga, tác giả cuốn sách "Đưa con trở lại thiên đường" cho biết: Trẻ biết tự lập về cảm xúc là trẻ biết cách ứng xử như thế nào khi mình buồn, mình tức giận.
Có 3 nguyên tắc, cha mẹ có thể dạy con cách thể hiện cảm xúc của mình: Không để những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến con; Không để cảm xúc của con ảnh hưởng đến người khác; Sau cùng, dù buồn, tức giận, con cũng không được hủy hoại đồ vật.
"Cha mẹ nên áp dụng những hình phạt khi trẻ làm sai, và tất nhiên, không thể thiếu những lời khen ngợi, hay những món quà mỗi khi bé cư xử đúng. Bên cạnh đó nên khuyến khích trẻ tham gia các hội nhóm với các bạn cùng trang lứa. Điều này giúp trẻ nhanh chóng biết hòa đồng" - Chuyên gia Lê Thị Phương Nga đưa ra lời khuyên.