Sau 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm” tập thể cán bộ giáo viên nhân viên trường mầm non Đô Thị Việt Hưng đã chung tay cùng xây dựng môi trường giáo dục phù hợp góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.
Bên cạnh đó, nhà trường đã triển khai có chất lượng chương trình GDMN và chương trình bổ sung nâng cao, chú trọng GD hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp lứa tuổi. Đảm bảo 1 tuần có 1 tiết giáo dục kỹ năng sống và dạy kỹ năng tự phục vụ thông qua các hoạt động học tập, vui chơi... Thực hành “Bé tập làm nội trợ”, tăng cường tiếp xúc thiên nhiên, làm thí nghiệm đơn giản, vẽ tranh ngoài trời... Nhà trường đã tận dụng các không gian để tạo thành các khu vực cho trẻ hoạt động: vườn hoa, vườn rau, thảm cỏ, bể cát... cho trẻ được vui chơi, khám phá, trải nghiệm. Tổng diện tích toàn trường: 8896m2, trong đó diện tích sân vườn là 6879m2 được sử dụng để trồng vườn cây ăn quả, vườn rau và vườn hoa. Thay thế thảm cỏ nhân tạo khu vui chơi trên sân trường, khu hiên chơi trên tầng 2. Hoa tươi được thay thường xuyên theo mùa. Xây dựng kế hoạch đầu tư, khai thác và sử dụng triệt để, hiệu quả CSVC: Nhà trường chủ động đầu tư CSVC, lát sàn gỗ 19 lớp học, lắp bồn tiểu nam, thay thế vòi cơ, bổ sung đồ dùng bán trú, đồ dùng học tập, giáo cụ Montessori, giá góc cho các phòng, hệ thống biểu bảng. Mở rộng khu vui chơi đồi cỏ, cải tạo vườn rau. Đầu tư hệ thống vòi rửa tay chân, dàn treo đồ dùng chăm sóc vườn rau của trẻ, cải tạo sân vườn trồng thêm các bồn hoa tươi theo mùa, khu vực chơi với cát – sỏi… Khu vui chơi ngoài trời đa dạng về đồ chơi được sắp xếp, bố trí khoa học thẩm mỹ đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng. Có hệ thống bảng biểu quy định nội quy khu vui chơi
Ngoài ra, nhà trường đã đầu tư, bổ sung thêm các đồ dùng đồ chơi, tạo khu vui chơi trải nghiệm, hướng nghiệp cho trẻ trong các lớp học, các phòng chức năng và các góc hướng nghiệp tại hành lang tầng 1: các trang thiết bị hiện đại, đồ dùng đồ chơi tự tạo bền, đẹp, phù hợp và các đồ dùng giáo cụ thuộc lĩnh vực thực hành cuộc sống, khám phá khoa học, ngôn ngữ... tăng cường cho trẻ được thao tác, trải nghiệm, rèn khả năng độc lập, tập trung, trật tự và phối hợp tốt. 05 phòng chức năng được tận dụng, thiết kế thành các phòng, khu vực hoạt động chung cho trẻ trải nghiệm ngoài lớp học, tạo thói quen chủ động, năng động cho trẻ: Phòng sáng tạo, phòng âm nhạc, phòng thể chất, phòng Kidsmart, phòng Tiếng Anh, phòng Montessorri với đầy đủ các trang thiết bị và nội quy hướng dẫn và lịch hoạt động tại từng phòng.
Không những thế các cô giáo còn xây dựng môi trường vật chất trong nhóm lớp, các góc hoạt động trong lớp và ngoài lớp mang tính mở, tạo được điều kiện cho tất cả các trẻ có thể chơi mà học, học bằng chơi giúp cho trẻ được hoạt động trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức khác nhau giúp trẻ hứng thú chơi nhằm phát triển toàn diện cho trẻ. Các góc chơi trong lớp học được sắp xếp bố trí ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, khoa học và hợp lý thuận tiện cho trẻ và giáo viên khi sử dụng. Nhà trường đầu tư nhiều đồ dùng đồ chơi và các nguyên liệu phục vụ cho trẻ hoạt động nhằm kích thích sự phát triển khả năng tư duy và sáng tạo của trẻ. Nhà trường còn trang bị các tài liệu phục vụ cho chuyên đề: Trang bị cho mỗi lớp 1 bộ “Tiêu chí thực hành, áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong trường mầm non”.
Ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, tất cả đội ngũ giáo viên đã tham dự các lớp tập huấn do Phòng tổ chức và đã triển khai tập huấn bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục. Qua đó giáo viên có kĩ năng xây dựng kế hoạch tổ chức hướng đến mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, đảm bảo phù hợp với điều kiện của nhóm, lớp và khả năng nhận thức của trẻ của lớp mình phụ trách. Các lớp học đã tạo được môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô với trẻ, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ, giãi bày tâm sự, nguyện vọng, mong ước của trẻ với cô, với bạn bè, nhờ vậy mà cô hiểu trẻ hơn, trẻ hiểu nhau hơn, hoạt động phối hợp nhịp nhàng hơn nên hiệu quả hoạt động cũng cao hơn, trẻ yêu trường, yêu lớp, yêu cô giáo và bạn bè hơn. Thông qua các bài học trẻ có nhiều cơ hội để bộc lộ năng lực và khả năng của bản thân, mạnh dạn tự tin tham gia vào các hoạt động, tích cực khám phá trải nghiệm trên tinh thần hợp tác, thân thiện, chia sẻ. Giáo viên tích cực đưa ra những hoạt động phong phú, đa dạng nhằm giúp trẻ phát huy tính tích cực của mình
Nhà trường đã xây dựng tiết mẫu để giáo viên được tham dự và học tập. Ngoài ra Ban giám hiệu và tổ chuyên môn thường xuyên dự giờ kiểm tra để đưa ra nhận xét đánh giá tiết dạy xem có thực sự lấy trẻ làm trung tâm hay chưa để kịp thời bổ sung, chỉnh sửa. Nhà trường lồng ghép các nội dung tuyên truyền đến phụ huynh trong các buổi họp (Đầu năm, giữa năm và cuối năm) và trong giờ đón trả trẻ, thông qua bảng tuyên truyền, trang Website của nhà trường. Luôn tạo mối gắn kết, hợp tác chia sẻ giữa giáo viên, nhà trường, cha mẹ và cộng đồng trong chăm sóc giáo dục trẻ. Tạo điều kiện để các bậc cha mẹ tham gia vào các hoạt động của nhà trường, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ như: Tổ chức các buổi văn nghệ chào mừng ngày Hội Bé đến trường, Ngày nhà giáo Việt Nam, Hoạt động Vui tết cổ truyền, Quốc tế thiếu nhi 1 – 6, các bữa tiệc Buffet mừng sinh nhật các bé trong tháng, các chương trình giao lưu văn nghệ như: Gia đình chung sức, thi bày mâm cỗ Trung thu, ... Các chương trình đã giúp phụ huynh thay đổi quan niệm, hiểu đúng đắn hơn việc vui chơi học tập của trẻ ở trường mầm non nên đa số phụ huynh đã hiểu và nhiệt tình phối kết hợp chặc chẽ với giáo viên trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ.