Xã hội hiện đại nảy sinh những vấn đề phức tạp và bất định đối với con người. Nếu bản thân mỗi người không có năng lực ứng phó vượt qua những thách thức đó thì rất dễ gặp rủi ro. Giáo dục tình cảm – Kĩ năng xã hội cho người học đang trở thành một nhiệm vụ quan trọng đối với ngành giáo dục. Kĩ năng xã hội như những nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, giá trị, hành vi và thói quen lành mạnh. Vì vậy cần giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ ngay từ khi còn thơ bé, sẽ giúp trẻ tự biết chăm sóc và bảo vệ bản thân tránh khỏi những nguy hiểm. Trẻ có thể hoà nhập nhanh với cuộc sống xung quanh, biết cách phát triển các mối quan hệ với mọi người, với thiên nhiên từ đó học hỏi và làm giàu có thêm vốn kiến thức, kinh nghiệm cũng như các kĩ năng của bản thân. Nếu thiếu các kĩ năng xã hội cần thiết, trẻ sẽ khó tránh khỏi những lúng túng, sai phạm thậm chí gặp nguy hiểm khi phải giải quyết các tình huống xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Việc trang bị những kĩ năng xã hội phù hợp giúp trẻ có cơ hội phát triển nhân cách đầy đủ và đúng hướng.
Nhận thức được tầm quan trong của việc giáo dục tình cảm – kĩ năng xã hội, trường mầm non Đô thị Việt Hưng đã lựa chọn nội dung này để đưa vào chương trình bổ sung nâng cao đã được Sở giáo dục Hà Nội phê duyệt. Căn cứ vào các mục tiêu của từng độ tuổi từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể để lồng ghép, đưa vào trong các hoạt động hằng ngày cho phù hợp
Một tiết hoạt động giáo dục giới tính tại lớp mẫu giáo bé C1.
Một trong những nội dung giáo dục kỹ năng xã hội mà nhà trường coi trọng để đưa vào dạy trẻ đó là: Giáo dục giới tính, kỹ năng tự bảo vệ bản thân và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại. Những vấn đề này đã được tổ chuyên môn nghiên cứu và đưa ra nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi để dạy trên 100% trẻ. Qua tiết học, trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân như: không nhận quà của người lạ, không tự ý đi chơi một mình, không để người lạ chụp ảnh…Hay một số kiến thức về phòng chống xâm hại cho trẻ mẫu giáo như: cơ thể của trẻ có những vùng riêng tư mà không ai được phép chạm vào hay không ai được phép bắt cháu chạm vào những chỗ đó trên cơ thể của họ. Trẻ mẫu giáo còn được tìm hiểu về nguyên tắc 5 ngón tay và biết cách xử lý khi gặp tình huống xấu xảy ra như: hét to, nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh và kể cho những người trẻ tin tưởng…
Trẻ được học những kỹ năng nhận biết để phòng tránh nguy cơ bị xâm hại.
Ngoài ra trẻ còn được học một số kỹ năng tự bảo vệ bản thân.
Thông qua các hoạt động ý nghĩa này cùng với sự phối hợp của các bậc phụ huynh, những kỹ năng xã hội mà trẻ được học sẽ tiếp tục hoàn thiện trong một quá trình lâu dài và theo trẻ đến suốt cuộc đời. Do vậy, việc rèn luyện cho con kỹ năng này sẽ là hành trang quan trọng giúp con tự tin, mạnh mẽ vững bước hơn trong cuộc sống hiện đại.