Giáo dục thẩm mỹ là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục toàn diện con người, đặc biệt là đối với trẻ mầm non- bước khởi đầu trong quá trình hình thành nhân cách. Giáo dục thẩm mỹ cho trẻ góp phần tạo ra những con người biết nhận thức, cảm thụ cái đẹp, biết yêu cái đẹp và tạo ra cái đẹp cho cuộc sống, làm cơ sở cho việc hình thành các giá trị văn hóa của bản thân trẻ sau này. Với tâm hồn nhạy cảm, giàu sáng tạo, trẻ luôn có nhu cầu tìm tòi, khám phá cái đẹp, mong muốn tạo ra cái đẹp ở xung quanh. Đây chính là đặc điểm quan trọng mà nhà giáo dục, người lớn có thể sử dụng như là một trong những phương tiện để giáo dục thẩm mỹ cho trẻ mầm non.
Đối với hoạt động giáo dục âm nhạc – đây là một hoạt động nghệ thuật gần gũi với trẻ được trẻ yêu thích và là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để trẻ cảm thụ được cái hay cái đẹp của nghệ thuật. Âm nhạc được coi là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để đưa vào ý thức của trẻ mối quan hệ thẩm mỹ với nghệ thuật một cách sâu sắc. Sự hình thành mối quan hệ giữa trẻ với âm nhạc nhằm phát triển ở trẻ khả năng lĩnh hội, cảm thụ, hiểu cái đẹp, phân biệt được cái hay, cái dở, biết hoạt động độc lập và sáng tạo khi tiếp xúc với các dạng hoạt động âm nhạc khác nhau. Có thể khẳng định rằng, giáo dục âm nhạc đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong trường, lớp mầm non. Bởi tất cả trẻ mầm non đều yêu thích âm nhạc chúng muốn được hòa mình vào những bài hát nhí nhảnh hồn nhiên, với những điệu múa mềm mại, với những trò chơi âm nhạc ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các hoạt động âm nhạc đó đã giúp những tâm hồn thơ ấu, trong sáng ấy phát triển một cách toàn diện các mặt nhân cách.
Do đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi mầm non nên khi tổ chức các hoạt động nhận thức cho trẻ, giáo viên cần tiến hành theo phương châm “Học mà chơi - chơi mà học”, đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Một giờ học âm nhạc giáo viên phải xây dựng và thiết kế theo nhiều cách thức tổ chức khác nhau, mỗi giờ học nên xác định một nội dung trọng tâm để tổ chức hoạt động và đặc biệt phải chú ý đến yếu tố động, tĩnh giữa các nội dung để tránh sự nhàm chán cho trẻ.
Việc cảm thụ âm nhạc luôn gắn bó chặt chẽ với sự phát triển nhận thức, nên giáo viên phải định hướng cho trẻ tập trung chú ý lắng nghe, quan sát và gợi ý để trẻ bộc lộ cảm xúc, biểu cảm của mình khi nghe các giai điệu âm nhạc.
Hiểu được tầm quan trọng của việc đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động âm nhạc, trường mầm non Đô thị Việt Hưng đã tổ chức cho 100% giáo viên kiến tập chuyên đề tại 4 lớp :
- Lớp Nhà trẻ với đề tài: “Cảm thụ âm nhạc qua giai điệu” – Cô giáo: Bùi Quỳnh Anh & Trần Như Quỳnh.
- Lớp MGB với đề tài: “Làm quen với nốt đen” – Cô giáo: Vương Ánh Tuyết & Trần Thị Thùy Dương & Đỗ Thanh Nhàn.
- Lớp MGN với đề tài: “Làm quen với hình thức hát hợp xướng qua bài hát I love the mountain” – Cô giáo: Trần Thị Thanh Thảo & Đỗ Cẩm Nhung
- Lớp MGL với đề tài: “ Sáng tạo tiết tấu dạo cho bài hát Hành khúc tới trường” – Cô giáo: Nguyễn Thị Hương Trang & Lệ Chi
Đây cũng chính là 4 hoạt động mà nhà trường đã xây dựng và tổ chức cho Cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán cấp học Mầm non trong quận Long Biên về dự
Các tiết chuyên đề đan xen các nội dung ca hát, nghe hát, nghe nhạc, vận động theo nhạc hoặc trò chơi âm nhạc để trẻ được trải nghiệm trong một môi trường âm nhạc hết sức sinh động, đầy tính sáng tạo và cũng là để tạo nên sự hứng khởi trong các hoạt động của trẻ. Để có được một giờ hoạt động âm nhạc đạt kết quả cao, giúp trẻ làm quen với âm nhạc tốt hơn, giáo viên cần phải đầu tư, nghiên cứu kỹ nội dung bài dạy, chuẩn bị các đồ dùng, phương tiện dạy học phù hợp (đàn, các nhạc cụ gõ cho trẻ, các phương tiện nghe nhìn, tranh ảnh minh họa…), giáo viên phải hát chuẩn xác giai điệu, lời ca và hát có truyền cảm bài hát, phải biết sử dụng nhạc cụ…Từ những nền tảng kiến thức đó kết hợp với tính sáng tạo và linh hoạt trong phương pháp tổ chức, giảng dạy để dẫn dắt trẻ vào môi trường hoạt động âm nhạc một cách nhẹ nhàng, tự tin không gò bó.
Sau buổi kiến tập các đồng chí giáo viên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm để từ đó phát huy những ưu điểm, sự sáng tạo trong từng tiết dạy và định hướng trong việc lựa chọn đề tài xây dựng nội dung hoạt động cho phù hợp với khả năng của trẻ ở từng độ tuổi nhằm mang lại sự hứng thú cho trẻ. Chúc các cô giáo trường Mầm non Đô thị Việt Hưng ngày càng gắn bó nhiệt huyết với nghề, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ để tiếp tục ươm trồng những mầm non của đất nước.
Một số hình ảnh của buổi kiến tập: