Công tác nuôi dạy trẻ còn rất vất vả mà đồng lương lại ít ỏi, thế nhưng cô không hề nản lòng, ngược lại cô luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi đồng nghiệp để tích lũy kiến thức cho bản thân. Cô vào ngành từ năm 2014, đến nay, cô là một giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, hết lòng tận tụy với công việc, sống giản dị luôn hòa đồng với mọi người nên được đồng nghiệp kính trọng, các cháu yêu mến và phụ huynh tin tưởng. Cô được phân công nhiệm vụ chủ nhiệm lớp mẫu giáo nhỡ 4-5 tuổi. Cô Thảo luôn cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và kiến thức đã được học tập của mình, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Một mặt không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, mặt khác cô luôn ân cần, tận tình trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Nhờ đó mà lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì được sĩ số trẻ từ đầu năm học đến cuối năm học đạt 100%, không có trẻ bỏ học giữa chừng. Tất cả các cháu đến lớp đều thích tham gia các hoạt động, phát huy được tính tích cực, năng động và sáng tạo trong quá trình tham gia các hoạt động học tập và vui chơi, các cháu nhanh nhẹn, hồn nhiên, ngoan ngoãn và lễ phép, biết chào hỏi khi có khách đến lớp, biết cảm ơn khi được người khác giúp, biết xin lỗi khi mắc lỗi…Nhìn những đứa trẻ rất ngoan ngoãn, lễ phép khi tôi đến lớp của cô, tôi đã hiểu được rằng sự tận tụy, nhiệt tình của cô với trẻ cũng được đền đáp xứng đáng. Cô Thảo luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của một cô giáo mầm non. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì… bởi lẽ, trẻ ở lứa tuổi mầm non là lứa tuổi các cháu rất hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với trẻ… sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Cô Thảo đã chia sẻ: “ Làm cô giáo mầm non không chỉ dạy mà còn phải dỗ các cháu, phải yêu thương trẻ như người mẹ hiền thì trẻ mới yêu thích đến lớp và hứng thú tham gia các hoạt động do cô tổ chức ”. Cô còn luôn tâm niệm theo lời Bác Hồ chỉ bảo:
“Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”.
Có lẽ với nhiều người đi làm để kiếm tiền, nhưng với cô Thảo, cô lại có phương châm, mục đích sống và làm việc đáng được nể phục và tự hào. Cô nói: “ Cái khó nhất của nghề không phải là ở công việc áp lực ra sao, phụ huynh không thông cảm cho giáo viên như thế nào, hay trình độ chuyên môn không giỏi đi chăng nữa mà cái khó nhất đó là có lòng yêu trẻ hay không? Có lòng yêu trẻ thì dù khó khăn như thế nào đi chăng nữa thì trẻ luôn là nguồn động lực để cô mỉm cười vượt qua”. Có lần ngồi tâm sự, cô Thảo còn chia sẻ với tôi về cái khó ở nghề mầm non ở chỗ: “Trẻ con giống như hạt giống, nhiệm vụ của các cô mầm non chúng mình là phải làm sao gieo cái hạt đó nảy được mầm, có nảy được mầm thì hạt mới phát triển, ra lá, ra hoa, ra quả… Nhưng không ai biết được để hạt nảy được mầm, người giáo viên đã trải qua bao khó khăn, vất vả như những công việc của những người giáo viên tiểu học, trung học, phổ thông… Công việc uốn nắn và dạy dỗ là hai công việc song song. Uốn nắn là phải uốn từ nhỏ thì sau mới có nếp, dạy dỗ không thể qua loa mà đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên trì, và trên hết là giàu lòng yêu thương nhân ái”.
Là người đồng nghiệp, khi được cô chia sẻ và chứng kiến cô Thảo với nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến lúc nào cũng hiện trên khuôn mặt, nhất là từ sáng sớm đón trẻ tới lớp, đến khi chiều muộn đưa các cháu ra về với bố mẹ, gia đình, khiến phụ huynh đều rất yên tâm công tác. Cô chăm chút các cháu mới đến lớp còn nhút nhát hay những cháu hay quấy khóc như là một sở trường và năng khiếu của cô… Trên cương vị là một cô giáo, cô đã dành trọn tình yêu thương cho những tâm hồn ngây thơ và trong sáng. Hình như cô chưa bao giờ nói nặng lời với các cháu học sinh. Với cô, tất cả đều là sự cảm thông và yêu thương và chân thành. Có lần, tôi thắc mắc hỏi vì sao dù gặp chuyện gì chị cũng có thể bình tĩnh giải quyết mọi việc như vậy? Chị trả lời: “Cháu nghịch chỉ cần nghĩ trẻ con nghịch mới phát triển được, có vô tư như vậy mới là trẻ con. Chi cần vừa dạy vừa rèn cháu vừa đưa tình thương của cô vào trong lời dạy thì không một trẻ nào là không nghe lời cô cả. Vậy nên nghĩ tích cực thì sẽ có những cách dạy và rèn cháu theo hướng tích cực hiệu quả như thế”. Tôi ngẫm lời chị nói quả thật là đúng, nếu trẻ nghịch mà cứ áp đặt trẻ phải theo cô thì chắc chắn trẻ sẽ càng bướng bỉnh thêm. Một lần khác, khi ngồi làm đồ dùng lớp với cô Thảo, cô Thảo thì làm rất đẹp và sáng tạo, còn tôi thì nghĩ mãi không ra ý tưởng, tôi có thắc mắc hỏi chị, chị nói: “Làm nghề này, người giáo viên mầm non như mình đi làm phải nghĩ là mình đang được học, được vui chơi cùng các con, được trở về tuổi thơ của mình thì mới thấy yêu công việc, yêu cuộc sống này, là động lực để vượt qua khó khăn trong công việc. Đó cũng là niềm vui mà ít ai có được như chị em chúng mình. Và khi làm đồ dùng cho các con chơi, trang trí cho lớp thì em phải nghĩ là mình đang chơi với đồ dùng này, lúc đấy em mới thỏa sức sáng tạo cho trí tưởng tượng bay xa, sau đó mới nghĩ đến việc trẻ sẽ chơi như thế nào và dần hoàn thiện đồ chơi sao cho phù hợp với trẻ”. Nếu như công việc của những người giáo viên tiểu học, trung học, phổ thông…là dạy trẻ thì công việc của giáo viên mầm non có cả vừa dạy vừa chăm sóc trẻ em. Thật sự, nhiều lúc vừa việc trường vừa việc lớp lại chăm dạy cháu, một lúc bao nhiêu việc rất áp lực và vất vả nhưng tôi thấy trên môi chị lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Quan điểm của chị rõ ràng: “Làm để được khen”. Tôi nghĩ phải chăng, chị đang tự ảo tưởng về lời khen từ cấp trên và từ mọi người. Nhưng không phải, hóa ra khi nghe chị giải thích, tôi mới hiểu: “Khi gặp một việc mà bản thân cảm thấy khó khăn, thì hãy nghĩ rằng nếu như mình làm tốt thì sẽ được cấp trên và mọi người khen. Lời khen sẽ giúp cho mình có động lực làm việc hơn, năng suất và kết quả hoàn thành nhiệm vụ một cách bất ngờ hơn”.
Có lẽ với những ý nghĩ như vậy mà cô luôn nhiệt tình và đi đầu trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường phát động, tham gia vào các hội thi như: hội thi giáo viên dạy giỏi, hội thi làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo về chuyên đề Vận động; nhiều năm liền cô được nhà trường giao nhiệm vụ tập luyện cho các cháu tham gia các chương trình văn nghệ nhân các ngày lễ hội của trường, của địa phương.
Cô giáo Thảo nhiệt tình say sưa đàn ca hát múa cùng các con trong giờ âm nhạc
Năm 2017, cô Thảo đạt giải nhất giáo viên giỏi cấp Quận Long biên. Bản thân cô luôn cố gắng thực hiện tốt các hoạt động của nhà trường, cô tự bồi dưỡng chuyên môn cá nhân bằng cách học hỏi kinh nghiệm của những người xung quanh. Cô nói: “Ai cũng đều có ưu điểm và nhược điểm. Nhưng mình phải biết chọn lựa ưu điểm của người này để mình học hỏi và thấy được nhược điểm của người kia để mình tránh”. Đó cũng là cách để cô hoàn thiện bản thân mình hơn. Ngoài ra, cô còn học thêm lớp múa nâng cao và tự học ở nhà qua các video có trên mạng, cô luyện đánh đàn thường xuyên. Cô cho biết chỉ khi cô đánh đàn thì cô mới tập trung cao độ và giảm stress hiệu quả. Cô còn cho hay cô còn tự học tin học qua sách vở và qua mạng. Trên trường, cô lên nhiều tiết dạy hay và sáng tạo. Cô có những tiết kiến tập giờ dạy hay cho các cô giáo trong trường đến dự như tiết văn học, âm nhạc, kĩ năng sống, khám phá… Những tiết dạy của cô luôn lôi cuốn và thu hút trẻ trong các hoạt động. Là người được dự tiết, tôi cũng bị lôi cuốn vào trong giờ dạy lúc nào không hay. Cảm giác như mình cũng là đứa trẻ được cô giáo dạy nhiều điều hay và bổ ích. Chắc hẳn, giáo viên khác cũng bị lôi cuốn như tôi. Nghệ thuật lên lớp của cô Thảo phải nói là rất duyên dáng. Cô tài năng là đúng nhưng cô còn có những sự hài hước đem lại tiếng cười giòn tan cho trẻ, xua tan đi áp lực, không khí nặng nề trong giờ học. Nếu nói giáo viên mầm non là một chú hề thì đó không phải là sai, nhưng đó là một chú hề có tâm. Trẻ mầm non không giống như đàn anh đàn chị tiểu học, trung học, phổ thông…,không thể tập trung chú ý nghe cô giáo dạy khi không có hứng thú, vì trẻ không ý thức được là phải học. Chính vì vậy, để lên những tiết dạy hay, các cô giáo phải chuẩn bị bài dạy và còn phải chuẩn bị hành động, lời nói, cử chỉ, nét mặt biểu cảm thú vị, hài hước sao cho đem lại tiếng cười cho trẻ. Trẻ cười chứng tỏ trẻ thích thú, trẻ thích thú thì trẻ mới tập trung, chú ý hướng lên cô giáo nghe cô dạy. Nên ngoài dạy, các cô còn kết hợp ngôn ngữ cơ thể để lôi cuốn trẻ. Nói chú hề gây tiếng cười cho trẻ thì cũng đúng và đáng tự hào phải không nào! Tôi cũng đã tìm được lí do vì sao trẻ lớp cô luôn cảm thấy thích thú, thoải mái khi nghe cô giáo dạy. Và điều mà ai cũng phải công nhận đó là trẻ lớp cô rất năng động và mạnh dạn, tự tin. Điều mà rất khó để thay đổi 1 đứa trẻ đó là làm sao để trẻ bớt nhút nhát và rụt rè. Khi trẻ nhút nhát, trẻ sẽ không thể hiện được bản thân, trẻ không tự tin khi giao tiếp, không dám làm điều gì vì lo sợ sẽ không làm được. Thấy được điều đó, cô giáo Thảo đã phải tìm tòi, nghiên cứu về tâm lí trẻ rất kĩ. Cô nói: “ Giáo viên cần có những cái nhìn của một trẻ thơ để hỏi “tại sao”. Khi đặt mình vào địa vị của trẻ mình sẽ cảm thấy như thế nào, cảm giác ra sao..luôn luôn đặt câu hỏi tại sao trong đầu. Vì có đặt câu hỏi thì mình mới đi tìm câu trả lời chính xác mình cần biết được”. Nghe chị nói, tôi hình dung ra một tiết dạy khám phá. Một tiết khám phá theo đúng nghĩa là trẻ sẽ được tìm tòi sau đó là trải nghiệm và cuối cùng là trẻ tìm ra được kết quả hay câu hỏi tại sao trong nội dung bài khám phá đó. Hoặc tiết dạy kĩ năng sống về cách gập quần áo hay biết nói lời cảm ơn xin lỗi…giáo viên bắt buộc phải đặt mình vào trẻ để đặt câu hỏi “Tại sao phải học cái này, học cái này để làm gì” và từ đấy giáo viên mới phải biết dạy trẻ như thế nào cho dễ hiểu. Qua đó, giáo viên sẽ có những ý tưởng hay, phù hợp và đặc biệt lôi cuốn trẻ trong tiết dạy.
Bên cạnh những thành tích dạy của cô, cô Thảo cũng có đôi lần mâu thuẫn với giáo viên cùng lớp về bất đồng quan điểm trong phương pháp giáo dục cháu. Cô có kể lại đồng thời cũng chỉ dẫn cách giải quyết hay, đúng đắn mà không mất lòng ai cả. Đó là các cô trong lớp sẽ thử cả hai phương pháp hoặc biện pháp hay ý kiến của hai người đưa ra. Phương pháp nào áp dụng hiệu quả trên trẻ nhất thì sẽ áp dụng phương pháp đó. Ngoài ra, cô luôn nhắc nhở, động viên các giáo viên trong tổ Mẫu giáo nhỡ thực hiện tốt quy chế chuyên môn, chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ.
Với sự cần mẫn, chăm chỉ chịu khó học hỏi của cô đã đạt được ghi nhận bằng những kết quả đáng khích lệ, nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và hàng năm đều đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường.