Hiểu rõ về muỗi vằn – Thủ phạm chính gây bệnh
Muỗi vằn cái (Aedes aegypti, chiếm 90% trường hợp lây truyền và Aedes albopictus) là thủ phạm chính lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Giống muỗi Aedes là giống muỗi lớn nhất với 931 loài thuộc 78 giống phụ (theo báo cáo của Wilkerson và cộng sự năm 2015) (1). Giống muỗi Aedes lần đầu tiên được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới và cho đến nay chúng xuất hiện ở hầu hết các châu lục.
1. Đặc điểm của muỗi vằn
Đặc điểm của muỗi vằn có thể dễ dàng nhận thấy nhất là phần vằn trắng ở các đốt bàn chân sau. Riêng đốt bàn chân thứ 5 trắng hoàn toàn. Khác với suy nghĩ của nhiều người, muỗi vằn sinh sản và lây truyền bệnh ở môi trường ao tù, nước đọng. Thực tế, muỗi vằn đẻ trứng thường chỉ chọn nơi nước sạch như nước trong lọ hoa, các chậu hoa cây cảnh chứa nước, bể chứa nước, các dụng cụ phế thải quanh nhà chứa nước mưa…
Trứng muỗi vằn thường bám vào thành chum vại và tồn tại đến 6 tháng để khô, chỉ cần có nước sẽ phát triển thành loăng quăng (bọ gậy) và tiến triển thành muỗi. Nhờ tập tính đẻ trứng như vậy nên muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có khả năng sinh sản mạnh và phát triển vào mùa mưa. Do không hiểu đặc tính trên, nhiều gia đình không chủ động dọn dẹp và dọn vệ sinh các dụng cụ chứa nước lâu ngày. Việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chưa bao phủ được mọi hộ gia đình, tất cả các tầng, phòng, gây nguy cơ mắc sốt xuất huyết và lây lan bệnh trong cộng đồng.
Muỗi vằn cái là thủ phạm chính lây truyền bệnh sốt xuất huyết
2. Vòng đời của muỗi vằn
Vòng đời của muỗi vằn thông thường trải qua 4 giai đoạn:
Đầu tiên là giai đoạn hình thành trứng từ 2 đến 5 ngày;
Giai đoạn từ trứng thành lăng quăng từ 1 đến 2 ngày;
Giai đoạn từ lăng quăng thành nhộng (hay quăng) thường từ 3 đến 4 ngày;
Và cuối cùng là từ nhộng thành muỗi trưởng thành thường diễn ra từ 1 đến 2 ngày.
Trung bình muỗi vằn có thể sống 1 đến 2 tháng trong một vòng đời và cứ sau mỗi lần hút no máu khoảng 3 ngày lại đẻ trứng 1 lần. Vậy, trung bình một con muỗi vằn cái có thể đẻ từ 8 đến 10 lần trong vòng đời. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, muỗi cái có thể sống đến 3 tháng. Đó cũng là lý do muỗi sinh sôi và phát triển mật độ cao.
3. Cách muỗi vằn lây bệnh
Muỗi vằn lây bệnh theo cơ chế đốt người mang virus Dengue, sau đó truyền virus sang cho người lành thông qua vết đốt. Có đến 80% trường hợp nhiễm sốt xuất huyết không triệu chứng nhưng vẫn có khả năng truyền bệnh qua người khác qua véc tơ trung gian muỗi vằn cái. Bên cạnh lây qua đường muỗi đốt, sốt xuất huyết còn 2 con đường lây bệnh hiếm gặp hơn là từ mẹ sang con và đường máu (hiến máu, hiến tạng, phơi nhiễm kim tiêm có máu người bệnh sốt xuất huyết).
Hướng dẫn cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân nên áp dụng đồng loạt các biện pháp sau.
1. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi
Nơi sinh sản của muỗi thường là các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Để phòng bệnh sốt xuất huyết, đầu tiên người dân cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, bằng cách đổ nước bình hoa, úp các chum lọ không dùng đến, dọn sạch các dụng cụ có khả năng chứa nước đọng trong vườn và quanh nhà.
Ngoài ra, người dân còn có thể thả cá vào bình chứa nước, bể cảnh. Thường xuyên vệ sinh và đậy kín khay nước thải điều hòa, chum, vại, giếng, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, dọn hũ chai, lọ phế thải… dọn sạch sân thượng, khu vực lan can và quanh nhà.
loại bỏ nơi sinh sản của muỗi vằn
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà
2. Phòng chống muỗi đốt
Sau khi loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, người dân cần áp dụng thêm các phương pháp phòng muỗi đốt như mặc quần áo dài tay, ngủ màn/ mùng kể cả ban ngày, dùng thuốc xịt muỗi, đốt nhang muỗi, thoa kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi. Các cửa sổ cần dùng rèm che. Cho người bệnh sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để hạn chế nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.
3. Phun hóa chất, vệ sinh môi trường
Phun thuốc diệt muỗi là phun một lượng hóa chất hợp lý theo hướng dẫn của cơ quan y tế và nhà sản xuất, nên thường người dân không lo ngại về việc thuốc ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, trong quá trình phun thuốc nếu không chú ý đến liều lượng hoặc phun không đúng quy trình có thể không diệt được muỗi hay thậm chí gây dị ứng cho người tiếp xúc.
Để đảm bảo an toàn khi phun thuốc diệt muỗi, người dân đầu tiên cần tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và khuyến cáo Bộ Y tế. Người phun thuốc cần xác định đối tượng phun thuốc là ai. Nếu phun thuốc tại nơi nhiều trẻ nhỏ chỉ nên phun lên tường, hộc tủ, góc nhà không phun lên các bề mặt như bàn ghế, đồ chơi mà trẻ có thể dễ dàng tiếp xúc.
Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc phun diệt muỗi, nhà trường, người dân cần lựa chọn các cơ sở uy tín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và được cấp phép sử dụng theo quy định, có chỉ số an toàn cao.
phun thuốc diệt muỗi
Người dân cần lưu ý phun thuốc diệt muỗi đúng cách và lựa chọn thương hiệu uy tín trên thị trường
4. Tăng cường đề kháng phòng bệnh sốt xuất huyết
Hệ miễn dịch và sức đề kháng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh. Một khi hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể dễ mắc bệnh khiến người dân có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và khó phục hồi. Để tăng cường đề kháng cho cơ thể, người dân có thể chủ động áp dụng thực hiện một số biện pháp sau:
4.1. Tập thể dục đều đặn
Tập thể dục có tác dụng tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch. Theo nhiều nghiên cứu, tập thể dục thường xuyên có tác dụng giúp cơ thể sản sinh một lượng lớn tế bào của hệ miễn dịch, từ đó thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Nếu công việc bận rộn, người dân có thể tập thể dục từ 30-60 phút mỗi ngày bằng nhiều cách như đi bộ, yoga, gym, leo cầu thang…
4.2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Dinh dưỡng hợp lý là phương pháp nâng cao sức đề kháng hiệu quả. Người dân cần xây dựng và duy trì thói quen ăn uống hợp lý bằng việc cân đối dinh dưỡng từ động vật (thịt, cá, trứng, tôm, cua) kết hợp cùng rau xanh, ngũ cốc, trái cây. Đặc biệt cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất.
Theo các tổ chức y tế, vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng giúp hệ miễn dịch chống lại các mầm bệnh. Ngoài ra, cần uống đủ nước để cải thiện sức khỏe, giúp tăng cường trao đổi chất, thúc đẩy quá trình tim bơm máu và vận chuyển oxy trong máu hiệu quả hơn từ đó vận chuyển dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động của tế bào miễn dịch.
Bên cạnh đó cần hạn chế thức ăn nhanh, đồ chiên, đồ ăn chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp, muối chua, thức uống có nhiều đường, chất kích thích và bia rượu.
4.3. Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
Theo nhiều nghiên cứu, người không ngủ đủ giấc thường bị suy giảm sức đề kháng, khả năng hoạt động của hệ miễn dịch bị suy giảm, khiến họ dễ mắc bệnh. Thiếu ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến thời gian phục hồi của cơ thể khi bị ốm. Do đó, để đảm bảo sức khỏe tốt phòng bệnh sốt xuất huyết, trung bình mỗi người cần ngủ ít nhất 7-8 giờ mỗi đêm. Để ngủ ngon cần tránh sử dụng cà phê, ngủ trong không gian yên tĩnh, thoải mái và tập thói quen ngủ đúng giờ.
5. Tiêm phòng vắc xin
Tiêm phòng vắc xin là phương pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả cho cả trẻ em và người lớn bên cạnh những phương pháp tiêu diệt vector truyền bệnh là muỗi vằn kể trên.