Thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều bệnh phát triển, đặc biệt là những bệnh ở trẻ nhỏ đang độ tuổi đi học.
Thời gian gần đây, khoa nhi của hầu hết các bệnh viện lớn thường quá tải bệnh nhân. Điều này cho thấy số lượng trẻ em bị bệnh đang gia tăng nhanh chóng.
Bác sĩ nội trú Vũ Thị Ánh Hồng - Giảng viên Bộ môn Nhi trường Đại học Y Dược Hải Phòng cho biết, thời gian bắt đầu năm học mới trùng với khoảng thời gian giao mùa, vì thế số lượng trẻ bị bệnh cũng tăng đáng kể, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Nguyên nhân của tình trạng này là do việc thay đổi môi trường sống, học tập khiến cho trẻ chưa kịp thích nghi. Ở trường học, trẻ tiếp xúc với nhiều bạn bè, mọi hoạt động đều tập trung đông người, mầm bệnh có thể đến từ chính những người xung quanh.
Bên cạnh đó, trẻ nhỏ cũng chưa thể tự chăm sóc bản thân, vì vậy khi đi học trẻ rất dễ bị bệnh.
Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Các virus, vi khuẩn này có trong giọt bắn của người bệnh khi hắt hơi hoặc ho. Nếu giọt bắn vô tình dính vào mắt, mũi hoặc miệng của trẻ sẽ khiến trẻ bị lây bệnh.
Dưới đây là những bệnh lúc giao mùa trẻ dễ mắc phải khi đi học, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ cần lưu ý để có biện pháp phòng tránh:
Cúm
Cúm có thể coi là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi. Cúm do virus cúm gây ra, phát triển mạnh mẽ vào mùa mưa và thường tấn công vào hệ hô hấp của con người.
Một số triệu chứng điển hình của cúm là hắt hơi, chảy nước mũi, sốt, ớn lạnh người, đau nhức đầu... Bệnh cúm lây lan rất nhanh thông qua các giọt bắn vào không khí sau đó xâm nhập vào đường mũi họng.
Hầu hết các triệu chứng của cúm có thể tự hết sau vài ngày ở những người có sức đề kháng khỏe. Tuy nhiên, với những người sức đề kháng yếu và trẻ em thì các triệu chứng có thể trở nên nặng hơn.
Nếu quan sát thấy trẻ có biểu hiện sốt cao, khó thở... nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị.
Tay chân miệng
Là một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong tương đối cao tại Việt Nam, bệnh tay chân miệng đã trở thành nỗi sợ của không ít các bậc cha mẹ.
Tay chân miệng thường được nhận biết thông qua các phỏng nước ở bàn tay, bàn chân. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch của trẻ còn yếu dễ bị virus, vi khuẩn tấn công.
Bệnh có tốc độ lây lan nhanh chóng và hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thuốc điều trị triệu chứng như sốt, đau...
Viêm phổi
Thời tiết giao mùa kết hợp với việc thay đổi môi trường sống, học tập đã tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus có cơ hội sinh sôi, phát triển gây ra nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có bệnh viêm phổi.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do các tác nhân như virus cúm, phế cầu khuẩn, vi khuẩn Hib... khiến cho phổi bị tổn thương. Bệnh được đánh giá là có khả năng gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt bệnh tiến triển tương đối nhanh nên việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh tránh khỏi những di chứng.
Bệnh về tiêu hóa
Khi đi học, trẻ không chỉ dễ bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp mà còn có thể mắc một số bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Bệnh có thể xảy ra với mọi lứa tuổi nhưng trẻ em mầm non là đối tượng dễ bị bệnh do hệ tiêu hóa còn non yếu, dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài. Khi mắc các bệnh về tiêu hóa, sức khỏe của trẻ có thể suy giảm nhanh do khó hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Vì thế, nếu trẻ mắc phải, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự ý dùng thuốc.
Nâng cao hệ miễn dịch
Trước bối cảnh năm học mới vừa bắt đầu và dịch bệnh đang bùng phát ở trẻ nhỏ, bác sĩ Vũ Thị Ánh Hồng cho biết, cha mẹ cần quan tâm, chăm sóc sức khỏe của trẻ một cách đặc biệt. Về dinh dưỡng, chế độ ăn của trẻ cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất bao gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Bữa ăn của trẻ nên có đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường chất xơ từ rau và trái cây.
Bên cạnh dinh dưỡng thì vấn đề vệ sinh cá nhân cũng cần được quan tâm. Cha mẹ cần dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi vui chơi, đeo khẩu trang khi ra ngoài,...
Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với virut, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.
Để phòng tránh bệnh tật, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi vận động giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Vận động thường xuyên sẽ kích thích trẻ ăn ngon, ngủ sâu giấc từ đó hàng rào miễn dịch sẽ được tăng cường để chống lại bệnh tật.
Đặc biệt, trẻ phải được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin như cúm, bạch hầu-ho gà- uốn ván, HIB, phế cầu, rota,.. Tiêm vắc xin đầy đủ giúp phòng ngừa bệnh, tránh nguy cơ biến chứng cao.
Theo bác sĩ Vũ Thị Ánh Hồng, nếu trẻ bị bệnh, cha mẹ cần theo dõi sát các triệu chứng bệnh để có thể đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị kịp thời. Tùy theo từng bệnh mà bác sĩ sẽ có phác đồ, lời khuyên cụ thể trong việc chăm sóc trẻ.
Cha mẹ không nên tự ý mua thuốc khi chưa rõ bệnh hoặc sử dụng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ.