6 BỘ PHẬN TUYỆT ĐỐI PHẢI GIỮ ẤM CHO TRẺ KHI TRỜI LẠNH
Để tránh cho trẻ khỏi bị nhiễm lạnh, cha mẹ cần lưu ý một số nguyên tắc giữ ấm, vừa đảm bảo trẻ vẫn thoải mái hoạt động, đủ ấm và tránh bị cảm lạnh hoặc các bệnh về hô hấp khác.
Trẻ nhỏ không biết tự điều chỉnh trang phục cho phù hợp với nhiệt độ thay đổi thất thường của thời tiết, bởi vậy dễ bị quá lạnh hay quá nóng, bị đổ mồ hôi hay nhiễm lạnh. Theo trang Mom365, một trong những nguyên tắc quan để giữ ấm cho trẻ là mặc nhiều lớp mỏng hơn là ít lớp dày.
“Hai lớp đồ là vừa nếu trẻ ở trong nhà cả ngày: Một bộ áo liền quần bằng vải cotton, thêm một lớp áo quần bằng vải bông hay nỉ có kèm mũ và tất chân. Nếu mặc quần áo rời cho con nên đủ dài để che kín cơ thể bé và có tất chân. Khi ra ngoài, tùy thời tiết mà thêm cho bé các lớp đồ khác”, Mom365 lưu ý.
Theo các bác sĩ nhi khoa, các bộ phận cơ thể của trẻ cần phải tuyệt đối giữ ấm gồm: đầu, cổ, lưng, bụng, bàn tay, bàn chân.
– Giữ ấm đầu và cổ
Hai bộ phận này dễ tiếp xúc với không khí lạnh và cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của trẻ nhỏ.
Đầu là nơi tản nhiệt rất nhiều, nếu không được giữ ấm tốt sẽ khiến trẻ dễ bị cảm, lâu ngày còn dẫn đến các chứng đau đầu mãn tính và cũng dễ mắc nhiều bệnh khác.
Cổ của trẻ cũng là nơi nên tránh bị gió lạnh xâm nhập. Cổ có ít mỡ nên càng dễ bị nhiễm lạnh. Các chuyên gia sức khỏe hướng dẫn cách phán đoán nhiệt độ của trẻ bằng cách sờ vào phía sau cổ. Từ đó có thể thấy bộ phận càng nên tránh bị lạnh.
Cha mẹ nên chú ý cho trẻ đội mũ và choàng khăn khi ra ngoài. Có thể chọn một chiếc mũ có độ rộng vừa với đầu của trẻ và làm bằng chất liệu có khả năng giữ ấm nhưng phải thấm hút tốt.
Khăn choàng cổ tiếp xúc trực tiếp với da nên cần chọn chất liệu phù hợp, tránh kích thích làn da khiến trẻ bị dị ứng. Không nên dùng loại đan dệt bằng sợi có lông tơ vì trẻ dễ hít hoặc nuốt phải, dẫn đến bệnh đường hô hấp.
– Giữ ấm bàn tay: Lòng bàn tay của trẻ cần được giữ ấm nhưng phải đảm bảo không đổ mồ hôi.
– Giữ ấm lưng: Tương tự như bàn tay, lưng trẻ cũng nên được giữ ấm vừa phải, bởi nếu trẻ bị đổ mồ hôi ở lưng và không được lau, thấm ngay lập tức, mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh.
Giữ ấm lưng có thể giúp trẻ phòng ngừa được nhiều bệnh tật trong mùa lạnh, đặc biệt là chứng cảm mạo.
Bên cạnh chọn quần áo thích hợp thì khi trẻ nằm ngủ, mẹ cũng nên chú ý chất liệu chăn ga cho trẻ. Mặc dù phải đủ ấm nhưng đừng “lót ổ” quá dày khiến trẻ nằm lâu đổ nhiều mồ hôi, nếu mẹ không phát hiện và lau khô kịp thời thì hơi lạnh càng dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ qua lưng.
– Giữ ấm bụng: Bụng được giữ ấm giúp bảo vệ dạ dày non nớt của trẻ. Dạ dày bị lạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thụ thức ăn của trẻ.
Bụng là nơi “trú ngụ” của nhiều bộ phận quan trọng trong cơ thể trẻ, bao gồm dạ dày, đường ruột, gan, thận… Để đảm bảo các cơ quan này hoạt động bình thường và khỏe mạnh thì việc duy trì nhiệt độ ấm ở bụng vô cùng cần thiết. Khi bụng bị lạnh, trẻ dễ bị cảm mạo, tiêu chảy, đau bụng và cả hệ tiêu hóa đều kém đi.
Mùa lạnh, mẹ nên mặc thêm yếm bên trong cho trẻ và có thể để suốt 24/24 để đảm bảo độ ấm cần thiết cho vùng bụng. Bên cạnh đó, quần áo cho trẻ nên chọn chất liệu bông mềm mại nhưng thấm hút mồ hôi tốt.
Chú ý không mặc quần áo quá dày và bó sát vì sẽ khiến trẻ khó chịu, bất tiện trong các cử động cơ thể.
– Giữ ấm bàn chân: Bàn chân chứa rất nhiều mạch và huyệt, nên là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể trẻ. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, cúm…
Theo Đông y, “khí lạnh đi vào từ chân” vì đây là nơi tập trung và liên kết các kinh mạch âm dương trong toàn cơ thể, nhiều huyệt vị trọng yếu nên là bộ phận dễ bị khí lạnh xâm nhập nhất. Còn theo y học hiện đại, do chân có nhiều mạch máu, lại nằm cách xa tim, lớp mỡ mỏng nên khả năng tự giữ ấm rất kém.
Để giữ ấm chân cho trẻ đúng cách, mẹ nên chọn loại tất bằng bông đơn thuần và không cần quá dày, vừa tạo cảm giác thoải mái nhưng ấm áp, lại vừa thoáng khi mà không bị mồ hôi làm ẩm ướt.