Sức đề kháng của trẻ là hàng rào bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân xâm nhập có hại, giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt và tránh tình trạng trẻ thường xuyên ốm vặt. Vì vậy tăng sức đề kháng cho bé sẽ giúp trẻ ăn ngon và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn, luôn khỏe mạnh và lớn nhanh mỗi ngày.
1. Sức đề kháng là gì?
Sức đề kháng là khả năng phòng vệ và chống đỡ lại các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể gây ra các bệnh tật. Tác nhân xâm nhập có thể là vi khuẩn, vi rút, vi nấm, ký sinh trùng, khói bụi hay hóa chất từ môi trường xung quanh, từ thực phẩm ăn uống hàng ngày.
Khi còn ở trong bụng mẹ, trẻ đã có một sức đề kháng nhất định giúp chống lại các tác nhân gây hại. Tuy nhiên, do sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa phát triển toàn diện nên khi mới sinh ra, trẻ phải tiếp xúc với môi trường sống mới nên rất dễ bị bệnh, nhất là các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
Trong 6 tháng đầu sau sinh, sức đề kháng của trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào kháng thể từ mẹ truyền sang qua nhau thai và sữa mẹ. Đây gọi là miễn dịch thụ động.
Trẻ bắt đầu ăn dặm từ sau 6 tháng tuổi, khi đó việc tiếp xúc với thức ăn, với các kháng nguyên đồng nghĩa với tăng nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh trong khi khả năng tự bảo vệ của trẻ còn non yếu.
Bên cạnh đó, bắt đầu từ 6 tháng trở đi, nguồn kháng thể từ mẹ truyền sang cạn kiệt dần, trẻ phải tăng sức đề kháng bằng cách tự tạo ra kháng thể cho mình. Trong năm đầu tiên, hệ miễn dịch của trẻ mới bắt đầu hình thành và phải đến 3 hay 4 tuổi thì hệ miễn dịch mới dần hoàn thiện.
2. Vai trò của tăng sức đề kháng cho bé
Sức đề kháng của trẻ tốt sẽ là hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt. Nếu sức đề kháng của trẻ yếu sẽ là điều kiện thuận lợi gây ra tình trạng trẻ thường xuyên ốm vặt do hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện, suy giảm hàng rào bảo vệ tự nhiên.
Trẻ thường hay mắc các bệnh lý đường hô hấp như: Dị ứng, cảm cúm, viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi, và các bệnh rối loạn đường tiêu hoá như táo bón, tiêu chảy, tiêu phân sống. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cho trẻ cũng có thể làm cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy do tình trạng loạn khuẩn đường ruột, dẫn đến hấp thu dinh dưỡng kém và làm nặng thêm tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
hững trẻ bị suy dinh dưỡng lại có hệ miễn dịch suy yếu, càng dễ mắc bệnh hơn, làm cho trẻ ngày càng biếng ăn hơn, tạo nên một vòng xoắn bệnh lý khó gỡ. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện cả về thể chất và trí não của trẻ, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, còi xương. Chính vì vậy, tăng sức đề kháng cho bé là một việc làm thiết yếu để có hệ miễn dịch tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho bé có thể phát triển một cách tốt nhất, hạn chế tối đa mắc bệnh.
Tăng sức đề kháng cho bé là một việc làm thiết yếu để bé có hệ miễn dịch tốt chống lại bệnh tật
3. Cách tăng cường sức đề kháng cho bé
Tăng sức đề kháng cho bé là quá trình phối hợp của nhiều biện pháp. Các bậc cha mẹ nên áp dụng lồng ghép các cách sau để giúp sức đề kháng của trẻ ngày càng tốt hơn, giảm được tình trạng trẻ thường xuyên ốm vặt.
3.1 Giữ môi trường sống sạch sẽ
Môi trường sống sạch sẽ có thể loại trừ được mầm bệnh. Cách tạo môi trường sống sạch sẽ để tăng sức đề kháng cho bé là:
- Nơi ở phải thông thoáng và sạch sẽ, nên mở cửa sổ vào ban ngày để đón nắng ấm gió và trong lành. Các tác nhân gây bệnh cũng thoát ra khỏi nơi ở.
- Trong nhà tuyệt đối không hút thuốc lá để tránh nguy cơ trẻ bị nhiễm khói thuốc lá sẽ gây hại đến sức đề kháng của trẻ.
- Tạo cho trẻ thói quen giữ vệ sinh thân thể, đánh răng sạch sẽ, tắm gội thường xuyên, để loại bỏ các tác nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh, phòng chống các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn, vi rút gây ra.
3.2 Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối
Đối với các trẻ sơ sinh
- Sữa non là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất cho trẻ sơ sinh. Sữa non được mẹ tiết ra từ những giờ đầu tiên, đặc biệt là trong 3 ngày đầu sau sinh. Sữa non có màu vàng sánh với hàm lượng protein rất cao, có chứa nguồn kháng thể dồi dào như IgA, IgE, IgM, sắc tố lysozym và Lactoferrin... Tất cả các yếu tố kháng thể này giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giúp trẻ có thể tránh được nhiều loại bệnh. Đồng thời, trong sữa non có chứa tới 26 loại acid amin và rất nhiều khoáng chất, vì vậy có tác dụng rất tốt để tăng sức đề kháng cho bé.
- Nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng trẻ uống sữa mẹ có thể ngăn ngừa được dị ứng và bệnh tật, bảo vệ trẻ khỏi virus, vi khuẩn gây hại, hỗ trợ hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh... Những dưỡng chất có trong sữa mẹ có thể bảo vệ trẻ chống lại tình trạng nhiễm trùng và nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh và nếu có thể thì kéo dài thời gian đến 24 tháng để giúp tăng sức đề kháng cho bé một cách tốt nhất.
Đối với các trẻ lớn hơn
- Cho trẻ uống đủ nước
- Ăn đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm là đạm, đường bột, chất béo và chất xơ. Trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển cần tăng cường bổ sung chất đạm cho trẻ vì chất đạm cung cấp các axit amin cần thiết là nguyên liệu cho cơ thể sản xuất các thành phần của hệ thống miễn dịch như bạch cầu, lympho. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa. Trẻ dưới 1 tuổi cần 100 đến 150g thịt, cá mỗi ngày, trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần 150 đến 200g thịt, cá mỗi ngày. Đường bột chủ yếu trong gạo, ngô, mì, khoai sắn. Chất béo có từ dầu thực vật và mỡ động vật. Chất xơ có trong các loại trái cây và rau củ. Thực phẩm cần được chế biến ở dạng mềm, nhừ cho dễ tiêu hoá, ít gia vị.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu kẽm tốt cho hệ tiêu hoá, giúp trẻ ăn ngon miệng và hấp thu tốt hơn như các loại ngũ cốc, thịt bò, tôm, cua, gan động vật.
- Bổ sung vitamin C, E có chứa nhiều trong các loại hoa quả, rau củ, trái cây như bưởi, cam, chanh giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, nhuận tràng, tránh táo bón. Nếu trẻ không ăn được miếng, múi thì có thể xay thành nước ép trái cây cho trẻ uống. Sữa chua, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám cũng giúp tăng sức đề kháng cho bé.
- Bổ sung immune alpha: Immune alpha chiết xuất từ vách tế bào nấm men đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể qua nhiều cơ chế. Immune alpha làm tăng kháng thể IgA trong tuyến nước bọt, tăng tế bào bạch cầu đa nhân diệt khuẩn và tăng hoạt động của thành phần cytokine từ đó tăng cường miễn dịch. Immune alpha có thể giúp giảm triệu chứng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở người lớn, người già, phụ nữ mang thai và đặc biệt là trẻ em.
- Bổ sung men vi sinh: Trẻ nhỏ thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, táo bón, tiêu chảy, tiêu phân sống. Điều này dẫn đến không hấp thu được chất dinh dưỡng dù trẻ có ăn được. Tế bào miễn dịch nằm trên đường tiêu hóa chiếm tới 80% trong tổng số tế bào miễn dịch của cơ thể. Các hạch mạc treo ở đường tiêu hóa chính là nơi sản xuất các tế bào miễn dịch, tạo ra kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Vì vậy, điều quan trọng là phải bổ sung men vi sinh giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh, tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng đặc biệt là canxi giúp phòng bệnh còi xương, phát triển thể lực và cân nặng tốt hơn. Vì men vi sinh có chứa các vi khuẩn sống nên chỉ phát huy tác dụng nếu còn đủ số lượng khi trẻ uống vào đến ruột. Vì vậy, nên chọn lựa men vi sinh đạt được các tiêu chuẩn sau: có chứa đủ cả hai thành phần là probiotic (hệ vi khuẩn có lợi) kết hợp với prebiotic (chất xơ hòa tan); điều chế bằng công nghệ bao kép Duolac TM giúp bảo vệ lợi khuẩn khỏi sự phá hủy của dịch dạ dày, dịch mật và có nguồn gốc từ thiên nhiên an toàn cho sử dụng lâu dài.
Bú sữa mẹ hoàn toàn sau sinh giúp tăng sức đề kháng cho bé một cách tốt nhất.
3.3 Tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc
Thường xuyên cho trẻ vận động, tập thể dục thể thao để giúp tăng sức đề kháng cho bé. Các môn thể thao như đạp xe, bơi lội, đá bóng không chỉ hiệu quả trong việc tăng cường kháng thể tự nhiên, hấp thụ vitamin D mà còn giúp bé ăn được nhiều hơn, ngon miệng hơn, giúp trẻ hòa động năng động và sáng tạo.Cần tập cho trẻ một lối sống lành mạnh, tập cho trẻ đi ngủ sớm, đảm bảo cho ngủ đủ giấc. Vì giấc ngủ có tầm quan trọng rất lớn trong việc cải thiện và củng cố sức đề kháng của trẻ. Việc thiếu ngủ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn do giảm các tế bào miễn dịch tự nhiên và khiến cho trẻ khó chịu, tinh thần không tỉnh táo, giảm khả năng tiếp thu.
3.4 Tiêm ngừa đầy đủ
Vắc – xin có thể cung cấp kháng thể hoặc kích thích cơ thể tạo kháng thể, từ đó có được miễn dịch với tác nhân gây bệnh. Tiêm vắc - xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp khoa học và hữu hiệu giúp tăng sức đề kháng cho bé.Tóm lại, trẻ thường xuyên ốm vặt, dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp và đường tiêu hoá là biểu hiện cho tình trạng sức đề kháng của trẻ yếu. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần tăng sức đề kháng cho bé, thông qua chế độ dinh dưỡng hằng ngày hợp lý, lối sống lành mạnh và tiêm ngừa đầy đủ.
Những năm tháng đầu đời là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Thời kỳ này, nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hiện tại mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài. Nhất là đối với những trẻ có vấn đề về dinh dưỡng (còi xương, suy dinh dưỡng) hay trẻ có hệ miễn dịch (dễ mắc bệnh, chậm lớn).
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.