Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020).
Trẻ em và thiếu niên bị béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lý như tim mạch, tăng huyết áp; bất thường chức năng hô hấp, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, hen phế quản.
Trẻ béo phì tăng gần gấp đôi
Vừa qua, tại Hội thảo giải pháp mới trong chẩn đoán và điều trị béo phì, BS.CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM), cho biết, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ độ tuổi học đường (5 - 19 tuổi) tăng gần gấp đôi trong vòng 10 năm (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020).
Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Mỹ công nhận là bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài. Theo BS.CKII Võ Đức Chiến, tỷ lệ béo phì đang tăng mạnh ở Việt Nam.
Nghiên cứu được công bố vào năm 2018 về bệnh không lây nhiễm, ăn uống và dinh dưỡng ở Việt Nam cho thấy, tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 đã tăng lên là 15% vào năm 2015. Trong đó, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn (22,1% so với 11,2%).
Nghiên cứu cũng ghi nhận, lối sống của người Việt Nam thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây. Người Việt ít vận động hơn, chế độ ăn có nhiều muối, tinh bột, dầu mỡ, uống nhiều nước ngọt, ăn ít rau.
Thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tương tự. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TPHCM chiếm 18% tổng số lượng người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Trước thực trạng này, BS.CKII Thái Văn Hùng - Phòng khám Tư vấn và Điều trị Giảm cân, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết, béo phì và đái tháo đường có liên quan với nhau như “hình với bóng”.
Hiện nay, đái tháo đường đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới với tỷ lệ mới mắc và tần suất lưu hành ngày càng tăng. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng cao.
Béo phì vẫn thiếu chất
Chia sẻ về vấn đề này, BSCKII Hoàng Quốc Tưởng, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ bất thường và quá mức tại mô mỡ và các tổ chức khác gây hậu quả xấu cho sức khỏe.
Trẻ em và thiếu niên bị béo phì tăng nguy cơ các bệnh lý như: Tim mạch, tăng huyết áp; bất thường chức năng hô hấp, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, hen phế quản.
Ngoài ra, trẻ béo phì còn có nguy cơ bị sỏi mật, gan nhiễm mỡ viêm gan, có vấn đề về hành vi, suy giảm miễn dịch dễ bị nhiễm khuẩn. Thậm chí, trẻ có thể bị viêm khớp và ảnh hưởng đến vận động, ảnh hưởng đến nội tiết như tuyến giáp, tuyến tụy, tuyến sinh dục. Trẻ béo phì cũng có nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, đại tràng, buồng trứng, tử cung, tuyến tiền liệt.
Theo các chuyên gia y tế, đa số chúng ta vẫn lầm tưởng, béo phì ở trẻ đồng nghĩa với mọi chỉ số đánh giá sự phát triển đều bị thừa, vượt quá tiêu chuẩn. Tuy nhiên, có những trẻ béo phì vẫn bị thiếu máu, kẽm, sắt, canxi, magie do chế độ ăn uống không đầy đủ những nhóm chất này.
TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, béo phì là tình trạng viêm mạn tính làm giảm hấp thu sắt đồng thời không bổ sung các vi chất đặc biệt như vitamin D và canxi.
Trẻ bị thừa cân, béo phì sẽ gặp nhiều hệ lụy như gia tăng nguy cơ ngừng thở khi ngủ, cao huyết áp, suy tim, thiếu canxi dẫn tới loãng xương và dư thừa chất béo. Từ đó, có thể dẫn tới đái tháo đường type 1.
Theo chuyên gia này, với những bé không bú mẹ trong 6 tháng đầu đời, trẻ không được cung cấp dinh dưỡng tốt nhất từ sữa mẹ. Những trẻ này sẽ dễ bị béo phì do thiếu canxi.
Bên cạnh đó, những trẻ bước vào thời kỳ ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi) cũng có nguy cơ cao bị rối loạn chuyển hóa, dễ béo phì. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do cha mẹ không cân đối được khẩu phần ăn của trẻ.
Cha mẹ cho trẻ ăn quá nhiều chất béo, chất bột đường có trong nước ngọt, bánh kẹo, cơm trắng... mà quên bổ sung các thực phẩm chứa vitamin D và canxi. Thiếu các vi chất này khiến trẻ sẽ chậm phát triển chiều cao, còi xương, chậm mọc răng, khung hàm nhỏ...
Để trẻ phát triển cân đối, cha mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cho bé. Khẩu phần ăn của trẻ phải cân đối theo tỷ lệ chuẩn. Cha mẹ cần chú ý 3 nguyên tắc. Trước hết đó là thực đơn của trẻ phải cân bằng, đầy đủ giữa 5 nhóm dinh dưỡng bao gồm: Tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống đúng giờ, đủ bữa. Cân đối khẩu phần ăn giữa các bữa. Nên cho trẻ ăn khoảng 5 bữa mỗi ngày bao gồm cả bữa chính và phụ. Đồng thời, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen tự giác, tự cầm muỗng/thìa ăn và ăn chậm, nhai kỹ.
“Điều trị vấn đề thiếu chất ở trẻ béo phì phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các trẻ suy dinh dưỡng khác. Do đó, cha mẹ cần hết sức chú ý về vấn đề dinh dưỡng của con.
Cha mẹ cần cho trẻ đi khám dinh dưỡng vào các cột mốc quan trọng 6 - 9 - 12 - 15 - 18 - 24 tháng tuổi để kiểm tra sớm những vấn đề dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Từ 2 tuổi trở đi, bé nên được khám định kỳ từ 1 đến 2 lần”, TS Thanh khuyến cáo.