1. Liều lượng vitamin D cho cơ thể con người
Với trẻ em:
- Trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc trẻ bú mẹ một phần (uống kèm sữa công thức) cần được bổ sung vitamin D liều 400 IU/ ngày, bắt đầu vài ngày sau khi sinh.
- Ngừng dùng vitamin D khi bé đã cai sữa và uống mỗi ngày 1 lít sữa và bổ sung thêm vitamin D (sữa công thức với trẻ < 12 tháng hoặc sữa bò với trẻ >12 tháng). Nếu bé uống ít hơn 1 lít sữa mỗi ngày thì vẫn cần bổ sung 400 IU vitamin D/ngày. Tiếp tục cho trẻ uống vitamin D tới khi bé uống đủ 1 lít sữa giàu Vitamin D mỗi ngày.
- Trẻ lớn không nhận đủ 400 IU vitamin D mỗi ngày thông qua thực phẩm cũng cần được bổ sung vitamin D hàm lượng 400 IU/ngày.
- Trẻ có nguy cơ cao thiếu hụt vitamin D trong trường hợp trẻ dùng một số thuốc điều trị đặc biệt hoặc bị một số bệnh mạn tính có thể cần bổ sung vitamin D liều cao hơn.
Các dạng thuốc bổ sung vitamin D thường dùng cho trẻ em:
- Sterogyl (Vitamin D2 tan trong cồn, 1 giọt = 400 IU), dùng 1 giọt mỗi ngày.
- Infadin (Vitamin D2 tan trong dầu, 1 giọt = 800 IU), dùng 1 giọt mỗi ngày hoặc cách ngày.
- Vitamin D3 B.O.N (Vitamin D3 dạng dầu, 200.000 IU/1ml/ống), cho trẻ dùng 1 ống mỗi 6 tháng (có thể tăng 2 ống mỗi 6 tháng nếu trẻ ít tiếp xúc với ánh sáng hoặc da sẫm màu).
Với người lớn:
Cần bổ sung 600 IU vitamin D mỗi ngày cho người 19-70 tuổi và bổ sung 800 IU mỗi ngày cho người trên 70 tuổi.
Bổ sung liều lượng vitamin D phù hợp cho cả trẻ em và người lớn.
2. Ngộ độc vitamin D nguy hiểm như thế nào?
Ngộ độc vitamin D là tình trạng rất hiếm gặp nhưng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, ngộ độc xuất hiện khi hàm lượng vitamin D trong cơ thể quá cao (hàm lượng 25-hydroxy vitamin D trong máu liên tục > 200 ng/ml được coi là có tiềm năng gây độc vitamin D). Nguyên nhân thường là do cơ thể được bổ sung vitamin D liều quá lớn, hoàn toàn không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng. Cơ thể có khả năng điều hòa lượng vitamin D được tổng hợp nhờ tia cực tím và các loại thực phẩm thường không chứa quá nhiều vitamin D.
Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là làm cho bệnh nhân tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên. Canxi máu cao có thể gây vôi hóa mạch máu và mô, làm tổn thương tim, các mạch máu và thận. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung cả canxi (1.000 mg/ngày) và vitamin D (400 IU) ở phụ nữ tiền mãn kinh làm tăng 17% nguy cơ sỏi thận trong vòng 7 năm.
Điều trị chứng ngộ độc vitamin D bao gồm ngừng ngay việc sử dụng vitamin D liều cao, ngừng bổ sung canxi, duy trì khẩu phần ăn ít canxi, uống nhiều nước hoặc truyền dịch. Bác sĩ có thể chỉ định dùng corticosteroid hoặc thuốc lợi tiểu tăng thải canxi để làm giảm nồng độ canxi huyết thanh.
Trường hợp ngộ độc vitamin D cấp, được phát hiện kịp thời sau khi bệnh nhân vừa uống vitamin D liều cao, bác sĩ có thể tiến hành gây nôn, rửa dạ dày cho bệnh nhân để ngăn chặn vitamin D tiếp tục hấp thu vào cơ thể.
3. Cách bổ sung vitamin D cho trẻ
Tắm nắng là biện pháp quan trọng để bổ sung vitamin D cho trẻ
Nhu cầu hàng ngày về vitamin D là từ 400 - 600UI/ngày, nhu cầu này không có sự khác biệt lắm giữa trẻ em và người lớn. ở người cao tuổi do hấp thu kém nên nhu cầu cao hơn một chút nhưng cũng không quá 1.000 UI/ngày, có nghĩa là khi xét nghiệm máu không bị thiếu vitamin D nhưng không có điều kiện tắm nắng vẫn có thể bổ sung liều nhu cầu hàng ngày, còn khi đã bị thiếu vitamin D thì phải dùng liều điều trị cao hơn có thể lên tới 4.000UI/ngày, thời gian điều trị khoảng 3 tháng. Khi vitamin D trở về bình thường thì lại giảm xuống liều hàng ngày.
Để phòng bệnh còi xương cho trẻ nên cho trẻ tắm nắng hàng ngày, mỗi ngày 20 – 30 phút vào buổi sáng là tốt nhất (trước 9 giờ), trường hợp không có điều kiện để tắm nắng như sinh vào mùa đông hoặc nhà ở chật chội... thì phải cho trẻ bổ sung vitamin D từ khi sinh ra sau 1 tuần, thời gian uống đến 2 tuổi, còn khi trẻ đã lớn, chơi được ngoài trời nhiều hơn hoặc không có biểu hiện của bệnh còi xương thì cũng không cần phải uống nữa.
Có thể bổ sung vitamin D cho trẻ như sau:
- Đối với bé từ 2 tuần tuổi đến 18 tháng tuổi dùng liên tục mỗi ngày từ 800-1.000 IU (nếu bé khỏe mạnh): 1.500 IU (nếu bé ít được ra nắng) và 2.000 IU (nếu thấy bé có màu da thẫm).
- Bé từ 18 tháng tới 5 tuổi chỉ sử dụng liều trên trong mùa đông, ít ánh nắng. Đối với bé còi xương, cần uống 1.200 -5.000 IU/ngày trong 4 tuần, sau đó tiếp tục dùng liều dự phòng.
- Tuy nhiên, tất cả đều phải được chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám, các mẹ không nên bổ sung vitamin D tùy tiện cho con vì có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn của trẻ để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng. Vitamin D có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, vì vậy cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ cho bé.
Nếu bà mẹ lo lắng về sự thiếu hụt vitamin D ở trẻ hãy hỏi bác sĩ để làm xét nghiệm máu cho bé. Với những bé bú mẹ hoàn toàn, sinh trong mùa đông, vì điều kiện nào đó mà không được tắm nắng... thì cũng cần hỏi bác sĩ để bổ sung vitamin D cho trẻ. Ngay cả trẻ lớn và người lớn nếu không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vẫn cần phải bổ sung vitamin D. Những trẻ bị béo phì nguy cơ thiếu vitamin D càng hay gặp.
Việc bổ sung vitamin D cho trẻ bằng đường uống vào sáng hay chiều, lúc đói hay no đều không ảnh hưởng gì đến việc hấp thu vitamin D, nhưng nếu uống cùng với canxi thì nên uống vào buổi sáng, vì canxi uống buổi tối dễ có nguy cơ bị sỏi thận.
Vitamin D thuộc nhóm tan trong chất béo nên khi uống vào sẽ được tích lũy ở gan để cơ thể sử dụng dần, nên ngoài việc bổ sung duy trì liều theo nhu cầu hàng ngày cũng có thể dùng liều cao theo định kỳ (theo chỉ định của bác sĩ).