Mùa đông sắp đến cũng là thời điểm trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, cảm cúm và cảm lạnh. Nhiệt độ xuống thấp, kết hợp với không khí hanh khô, độ ẩm thấp khiến sức đề kháng của trẻ bị giảm. Do đó vào mùa đông trẻ dễ bị mắc bệnh hơn so với các mùa khác. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – câu này luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy mẹ hãy chuẩn bị tâm lý, trang bị cho mình kiến thức vững vàng, để giữ bé luôn khỏe mạnh vào những ngày có thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm này.
Vệ sinh chân tay sạch sẽ
Vệ sinh sạch sẽ là điều kiện đầu tiên, đơn giản nhưng cũng quan trọng nhất nếu muốn con bạn không bị nhiễm các virus cúm. Không chỉ rửa tay cho bé sạch sẽ trước và sau khi ăn mà khi chăm bé, thay bỉm, cho bé ăn, tay mẹ cũng phải sạch. Tương tự, mẹ cũng rửa tay mình và tay bé sạch mỗi khi về nhà sau khi đi chơi ở ngoài. Mẹ cũng nên hạn chế cho người lạ tiếp xúc với bé, vì bé có thể bị lây nhiễm các virus gây bệnh.
Nếu bé đi nhà trẻ, mẹ nên hỏi về kỹ về quy định ở trường học của bé về việc trẻ bị ốm, sốt nhẹ có được đi học không, các nguyên tắc để tránh lây chéo giữa các bé.
Tiêm chủng đầy đủ cho bé
Tiêm vacxin phòng cúm mùa cho bé cũng là một cách bảo vệ sức khỏe bé trong mùa đông mẹ cần biết. Ngoài ra các vacxin phòng tiêu chảy cấp, rota tiêu chảy, thủy đậu, vacxin 5-1 cũng phải được tiêm đầy đủ và đúng lịch.
Tăng sức đề kháng cho bé
Nếu bé còn đang ở tuổi bú mẹ, cố gắng cho bé bú càng nhiều càng tốt trong thời điểm này. Những kháng thể và các chất chống nhiễm khuẩn duy nhất chỉ có trong sữa mẹ sẽ giúp hệ thống miễn dịch của bé hoạt động hiệu quả và vững vàng hơn. Nếu bé đã cai sữa, mẹ nên bổ sung nhiều hoa quả giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi. Đây là cách tự nhiên và an toàn để cải thiện sức đề kháng của trẻ. Cho bé uống đủ nước, tránh bị mất nước, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bé tránh được một số loại bệnh thường gặp vào mùa đông.
Mẹ cần làm gì khi bé bị cúm, cảm lạnh
Việc bé bị cúm, cảm lạnh dù mẹ đã chăm rất khéo và kỹ là điều hoàn toàn bình thường. Bé sẽ khỏi nhanh và không gặp biến chứng nguy hiểm nếu mẹ có hướng xử lý kịp thời.
Nhỏ mắt, mũi thường xuyên cho bé
Mẹ nào chăm con nhỏ cũng quá quen thuộc với dung dịch nước muối sinh lý (0.09%) có thể vừa nhỏ mắt, vừa nhỏ mũi cho bé. Dung dịch nước muối này khá lành tính, có tác dụng diệt khuẩn, hỗ trợ điều trị các bệnh viêm mắt, viêm mũi dị ứng, cảm cúm. Nếu nước mũi bé đặc, bị sổ mũi nặng, mẹ kiên trì hút mũi, rửa mũi cho bé thường xuyên và liên tục.
Đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi tuyệt đối
Khi bé khó chịu trong người, bé sẽ ít ngủ, ngủ không ngon giấc, thậm chí quấy khóc. Mẹ có thể bế ẵm bé, ru bé một lúc, hoặc mát xa cho bé dễ chịu hơn.
Dùng máy tạo ẩm trong nhà
Mùa đông, thời tiết khá lạnh và hanh khô, càng khiến bé bị khó thở, ngạt mũi, viêm mũi dị ứng . Việc dùng máy tạo ẩm trong nhà sẽ khiến ẩm độ tăng lên, giảm cơn ho của bé, thông mũi và giúp hệ hô hấp làm việc dễ dàng hơn.
Cho bé uống nhiều nước
Khi bé ốm, cơ thể dễ mất nước, đặc biệt trường hợp bị sốt và tiêu chảy. Trẻ bị mất nước cơ thể sẽ không có đủ lượng nước cần thiết, dẫn đến đi tiểu ít, nước tiểu vàng, thận phải làm việc nhiều, khô da, cáu gắt. Nếu để bị mất nước lâu, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, cho bé uống nhiều nước là điều mẹ cần ghi nhớ.
Làm cho bé vui
Nếu bé không bị sốt, mẹ nên ôm bé vào lòng, có thể hát hoặc kể chuyện cho bé nghe, để bé quên rằng mình đang bị mệt. Nếu bé bị sốt thì mẹ không nên ủ ấm bé quá dù đang là mùa đông. Chỉ nên đắp khăn ấm lên cổ, bẹn, trán để giúp bé hạ nhiệt và dễ chịu hơn. Mẹ có thể tạo hứng thú cho bé bằng một vài trò chơi đơn giản như làm mặt xấu, chơi ú òa, bắt chước tiếng kêu của các con vật, khi bé cười và tinh thần sảng khoái sẽ khỏi bệnh mau hơn.
Biết khi nào cần đưa đến bệnh viện
Thông thường bệnh cúm sẽ tự khỏi mà không gây nguy hiểm gì. Tuy nhiên một số trường hợp vẫn gây biến chứng mẹ cần đặc biệt lưu ý. Cần đưa bé đến bệnh viện nếu thấy bé kéo tai, ngứa tai (khả năng bé mắc các bệnh viêm tai), bé thở khò khè, thở khó khăn (khả năng bé bị các bệnh về đường hô hấp), bị tiêu chảy hoặc nôn trớ nhiều lần (khả năng bé bị mất nước). Nếu bé quấy khóc, khóc to không dứt cũng cần đưa bé đến bệnh viện ngay để các bác sỹ khám và điều trị kịp thời.
Bé cũng cần được đến bác sỹ khám nếu sốt trên 38°C (đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi) , 38.3°C (đối với trẻ từ 3-6 tháng tuổi), 39.4°C (đối với trẻ trên 6 tháng tuổi).