Viêm họng thông thường dễ nhận biết bằng tình trạng đau rát trong cổ họng, đặc biệt là khi ăn, uống nước hoặc thậm chí là nuốt nước bọt. Viêm họng kéo dài trên 3 tháng không khỏi hoặc tái phát nhiều lần sẽ gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Viêm họng thông thường dễ nhận biết bằng tình trạng đau rát trong cổ họng, đặc biệt là khi ăn, uống nước hoặc thậm chí là nuốt nước bọt. Tình trạng khó chịu này thường kéo dài khoảng 1 tuần và sẽ tự biến mất khi tổn thương niêm mạc họng được phục hồi.
Tuy nhiên 1 số trường hợp, viêm họng kéo dài trên 3 tháng không khỏi hoặc tái phát nhiều lần sẽ gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Nguyên nhân gây viêm họng kéo dài
Viêm họng kéo dài chủ yếu do các nguyên nhân:
- Do các triệu chứng viêm đường hô hấp rất thường gặp và không ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ: ho, sưng họng, đau họng,… Tuy nhiên, vì tâm lý chủ quan nên bệnh không được chăm sóc và điều trị tốt khiến tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng, không phục hồi tốt và dẫn đến viêm họng kéo dài.
- Do bệnh trào ngược acid dạ dày: Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến viêm họng kéo dài và gây tổn thương niêm mạc họng. Nếu không kiểm soát được trào ngược dạ dày, tổn thương họng sẽ không thể loại bỏ dứt điểm và dẫn đến viêm họng kéo dài.
- Do thói quen ho, khạc đờm: Bệnh thường kèm theo tăng tiết dịch niêm mạc họng gây cảm giác khó chịu nên nhiều người hay ho, khạc nhổ thường xuyên gây tổn thương mao mạch trong họng.
- Do bệnh lý viêm xoang: Những người bị viêm xoang dễ bị viêm họng kéo dài hơn, vì thế cần điều trị kết hợp cả hai bệnh.
- Do sức đề kháng của cơ thể kém: Hệ miễn dịch giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe khỏi các tác nhân gây bệnh, trong đó có virus, vi khuẩn... Do đó, nếu bị viêm họng kéo dài cùng nhiều triệu chứng hô hấp khác dai dẳng khó chữa thì khả năng cao do sức đề kháng kém. Vì thế cần tăng cường dinh dưỡng, thể thao để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể đi đôi với điều trị viêm họng kéo dài.
Khi nào cần đi khám?
Cần đi khám ngay nếu:
- Khi bệnh nhân bị tình trạng viêm họng, đau rát cổ họng gây cảm giác vô cùng khó chịu, làm cản trở giao tiếp và ăn uống hàng ngày. Viêm họng đi kèm với triệu chứng: sốt, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, phát ban da, sưng hạch bạch huyết cổ…
- Nếu viêm họng kéo dài do trào ngược, bệnh nhân còn có biểu hiện kèm theo: ợ hơi, ợ chua, tức ngực.
- Đặc biệt, nếu viêm họng kéo dài đi kèm với các dấu hiệu sau thì cần sớm tới cơ sở y tế để khám kịp thời: Bệnh nhân sốt cao trên 38 độ C; xuất hiện những cơn đau dữ dội ở cổ họng, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ hay nói chuyện hàng ngày; bị đau dữ dội ở 1 bên cổ họng, đi kèm với triệu chứng sưng các tuyến xung quanh đau họng kèm nuốt vướng, nuốt nghẹn…
Dù viêm họng kéo dài không nguy hiểm đến tính mạng song ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Vì thế không nên chủ quan trong khám và điều trị bệnh. Tốt nhất nên điều trị dứt điểm từ sớm bởi viêm họng kéo dài thì tổn thương cổ họng càng nghiêm trọng.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh nhân cần đi khám tại cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và chỉ định thuốc điều trị hiệu quả. Tùy theo nguyên nhân gây viêm họng kéo dài mà bệnh nhân sẽ được điều trị phù hợp. Tuân thủ chỉ định của bác sĩ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa:
- Hạn chế ăn thực phẩm cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ.
- Uống nhiều nước.
- Ưu tiên ăn thức ăn mềm, nhất là trong thời gian bị viêm họng kéo dài hoặc đã hồi phục.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cần bổ sung Vitamin và khoáng chất để tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế các thực phẩm, thức uống dễ gây tổn thương niêm mạc họng: rượu bia, nước đá lạnh, khói bụi, hút thuốc,…
- Vệ sinh mũi họng, miệng sạch sẽ hàng ngày bằng việc đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ, súc miệng bằng nước muối sinh lý vừa có tác dụng kháng khuẩn vừa làm dịu tổn thương.
- Không lạm dụng thuốc kháng sinh điều trị mỗi khi bị viêm họng. Vì nếu tác nhân gây bệnh là virus, thuốc kháng sinh không có hiệu quả điều trị mà còn dẫn đến nguy cơ tái phát.
- Điều trị triệt để bệnh lý đường hô hấp như: viêm xoang, viêm miệng, viêm tai….
- Không nên nằm điều hòa với nhiệt độ quá thấp, giữ ấm tốt cho cơ thể khi thời tiết lạnh. Khi có việc ra ngoài đường, nên hạn chế tiếp xúc không khí lạnh bằng việc đeo khẩu trang, vừa có tác dụng ngăn bụi bẩn vừa có tác dụng giữ ấm cho đường hô hấp trên.
- Tránh dùng chung thức ăn, đồ uống, tiếp xúc với những người bị bệnh.
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi ho hoặc hắt hơi.