Cho trẻ sử dụng lại đơn thuốc cũ
Nhiều mẹ có thói quen, sử dụng lại đơn thuốc cũ mà bác sĩ kê cho lần trước để tái sử dụng cho lần sau. Nhưng điều này thực sự không tốt tí nào cho bệnh tình của trẻ nhỏ bởi mỗi một giai đoạn bệnh của trẻ có thể tiến triển tốt hơn hoặc xấu đi, chính vì thế sau khi sử dụng hết toa thuốc thứ nhất bạn nên đưa trẻ đi tái khám và sử dụng đơn thuốc dành riêng mà bác sĩ kê cho. Như vậy mới là cách cho trẻ sử dụng thuốc đúng cách.
Trẻ nhai thuốc để dễ nuốt
Có không ít bà mẹ tập cho trẻ thói quen nhai thuốc trước khi uống nhằm làm thuốc nhỏ vụn dễ uống hơn. Tuy nhiên đây lại là một trong những sai lầm khi cho trẻ uống thuốc không tốt cho sức khỏe, bởi khi trẻ nhai thuốc, các thành phần quan trọng giúp đặc trị bệnh sẽ bị phân hủy nhanh, khi thuốc trôi xuống dạ dày sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa chút nào. Bên cạnh đó, khi nhai thuốc, các chất trong thuốc sẽ mất đi tính ổn định, đồng thời tác động nhanh, gấp gáp tới cơ thể, gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Cho trẻ sử dụng dạng thuốc không thích hợp
Theo các chuyên gia, đối với trẻ còn quá nhỏ thường sử dụng các loại thuốc dạng lỏng dễ uống như Siro. Nhưng có một số ông bố, bà mẹ lại có quan niệm sai lầm, cho trẻ uống thuốc dạng viên nén của người lớn cho mau khỏi bệnh. Trên thực tế cho thấy, đây lại là quan niệm sai lầm khi cho trẻ uống thuốc các mẹ nên từ bỏ. Bởi các loại thuốc của người lớn khá nặng, khi dung nạp vào cơ thể trẻ khó thích nghi, đồng thời các chất có trong thuốc sẽ bị phá vỡ cấu trúc và sự ổn định hơn. Việc này sẽ khiến không những không giúp bé khỏi bệnh, mà đôi khi nó gây ra những tác dụng phụ không mong muốn hoặc cũng có thể khiến bé bị bệnh nặng hơn. Vì thế bạn hãy cân nhắc việc cho bé uống thuốc và hỏi ý kiến trực tiếp của bác sĩ.
Sai liều lượng
Luôn luôn làm theo chỉ định về liều lượng của bác sĩ, dược sĩ hoặc thông tin về liều dùng ghi trên bao bì. Hầu hết mức liều lượng sẽ được điều chỉnh theo cân nặng của trẻ. Nếu bạn đo bằng thìa, nhiều khả năng là bạn sẽ đo không đúng vì có rất nhiều kích cỡ thìa khác nhau trong bếp nhà bạn, có thể nó không đúng chuẩn “thìa cà phê” như được ghi trên bao bì vậy nên bạn nên chọn đo bằng đơn vị ml theo thang chia trên các loại cốc hay nắp hộp có sẵn trong hộp thuốc.
Các lần dùng quá gần nhau
Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ. Tuyệt đối không đẩy các lần dùng sát với nhau vì mong có hiệu quả nhanh chóng, đồng thời các bác sĩ cũng khuyến cáo phụ huynh không được tự ý thay đổi thứ tự sử dụng thuốc.
Không biết dùng đơn vị đo liều lượng nào
Có lúc bạn sẽ thấy đơn vị được khuyên dùng để đo liều lượng trên đơn thuốc và trên bao bì không khớp nhau, bạn không nên hoang mang. Đơn thuốc là cách bác sĩ và dược sĩ trao đổi thông tin với nhau và người dược sĩ sẽ có trách nhiệm thống nhất thông tin trên đơn thuốc và bao bì. Các loại thuốc có thể được đo bằng rất nhiều đơn vị khác nhau như mg, ml, mcg… Bạn không cần phải khăng khăng bám vào những gì được viết trên đơn mà hãy nghe theo hướng dẫn của dược sĩ.
Véo mũi, ấn lưỡi ép con uống thuốc
Trẻ nhỏ không chịu uống thuốc là chuyện thường gặp và trong hầu hết mọi trường hợp, khi nịnh nọt, dỗ dành, đe doạ không còn công hiệu, nhiều chị em đã phải đi đến cách cuối cùng là bóp mũi hoặc dùng thìa ấn lưỡi cho con mở họng để đút thuốc vào.
Các bác sĩ cho biết, đây là một phương pháp sai lầm, thậm chí có nguy cơ gây nghẹt thở, sặc đường hô hấp dẫn đến tử vong, cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này đó là cha mẹ nên kiên nhẫn giải thích cho con về lợi ích của thuốc, cũng có thể chuẩn bị một phần thưởng nho nhỏ cho bé để con hợp tác tốt hơn với mẹ khi uống thuốc.
Nói với con "Thuốc này ngọt như kẹo!"
Để con chịu uống thuốc nhiều chị em khác lại hay dỗ dành bé bằng câu nói dối quen thuộc "Thuốc này ngọt như kẹo". Trong trường hợp thuốc đắng, khó uống, trẻ sẽ dần cảm thấy mất lòng tin với cha mẹ, lần tiếp theo bạn định cho con uống thuốc sẽ trở nên khó khăn gấp bội lần.
Cách giải quyết tốt nhất trong trường hợp này đó là mẹ hãy thẳng thắn nói với con, thuốc này có vị hơi khó uống, hơi đắng nhưng con sẽ uống rất nhanh thôi và sau đó là hết ngay.
Không hiểu các thành phần chính của thuốc
Hầu hết các bà mẹ khi đi siêu thị để mua thức ăn đều sẽ chú ý đến danh sách thành phần có trong thực phẩm, nhưng đối với những đứa trẻ trước khi điều trị, nhiều bậc cha mẹ lại không chú ý đến thành phần của thuốc. Hầu hết thuốc cảm lạnh và thuốc hạ sốt là hai loại thuốc mà thành phần của nó dễ dàng bị bỏ qua nhất.
Các thành phần chính của thuốc hạ sốt chủ yếu là ibuprofen, acetaminophen và các thuốc kháng viêm không steroid khác, nhiều loại thuốc cảm lạnh cũng có chứa những thành phần này. Nếu trẻ bị sốt, mẹ không cần thiết phải dùng cùng lúc cả 2 loại thuốc cùng lúc bởi gan và thận có thể bị rối loạn chức năng do quá tải. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.