Đa phần các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có thể tự phục hồi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, có 5% bệnh nhân chuyển nặng do không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết và tỷ lệ bệnh trở nặng ở trẻ em cao hơn rất nhiều so với người lớn. Vậy nên phụ huynh cần đặc biệt chú ý tới các triệu chứng bệnh và biết cách xử trí khi trẻ bị sốt xuất huyết sao cho nhanh khỏi.
Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên của sốt xuất huyết
Việc phát hiện sốt xuất huyết sớm ở người bệnh là yếu tố tiên quyết quyết định quá trình điều trị dễ hay khó. Nếu như bệnh nhân được phát hiện sớm thì quá trình điều trị bệnh sẽ diễn ra rất dễ dàng, bệnh nhân ít gặp phải các biến chứng nặng.
Phụ huynh cần đặc biệt quan tâm, theo dõi trẻ để phát hiện được các triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu hiệu xuất huyết như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, phát ban trên da, xuất huyết âm đạo (đối với bé gái dậy thì), kèm theo triệu chứng mệt mỏi, nôn ói, đau bụng và ít tiểu, phân đen...
Sốt xuất huyết không có triệu chứng nguy hiểm có thể tiến hành điều trị tại nhà
Các bác sĩ khuyên rằng ngay khi trẻ xuất hiện triệu chứng sốt thì phụ huynh cần nghĩ ngay tới nguy cơ trẻ mắc sốt xuất huyết đầu tiên trước khi nghĩ tới những bệnh khác. Vì sốt xuất huyết là bệnh rất phổ biến, rất dễ mắc phải hiện nay.
Cần làm gì để sốt xuất huyết nhanh khỏi
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyên rằng, "trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, các phụ huynh cần cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu; cần cho trẻ uống nhiều nước; Không nên cho trẻ ăn các thức ăn, nước uống có màu đen, đỏ, nâu vì có thể làm nhầm lẫn và bỏ qua dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa."
Sốt xuất huyết không kị nước cho nên phụ huynh cần tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ như bình thường. Nên cho trẻ mặc quần áo mềm, mỏng, thấm hút mồ hôi để da luôn được khô thoáng.
Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ. Nếu trẻ sốt quá cao, có thể cho trẻ dùng Paracetamol 10-15mg/kg/lần x 3-4 lần/ngày khi sốt trên 39 độ, kết hợp với lau mát người. Tránh dùng Paracetamol trong trường hợp trẻ sốt dưới 38,5 độ để tránh ảnh hưởng tới chức năng gan.
Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt có chứa Aspirin, Ibuprofen cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì có thể khiến cho tình trạng xuất huyết nặng hơn. Không tự ý truyền dịch khi không có chỉ định và không có sự hướng dẫn, theo dõi của bác sĩ và nhân viên y tế.
Trong quá trình điều trị tại nhà, phụ huynh cũng cần cho trẻ thăm khám định kỳ theo lời hẹn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ. Cho trẻ khám lại ngay khi ói nhiều, hết sốt nhưng vẫn lừ đừ, chân tay lạnh và xuất huyết. Trẻ cũng cần khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt liên tục >48 giờ (>N7)
Khi nào cần nhập viện điều trị sốt xuất huyết
Như đã nói, sốt xuất huyết nếu như được phát hiện sớm có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ gặp phải những triệu chứng cảnh báo sốt xuất huyết nặng cần cho trẻ nhập viện gấp để được hỗ trợ, tránh trường hợp gặp phải các biến chứng nặng về sau.
TS.BS Nguyễn Minh Tuấn cho biết thêm "trẻ cần tiến hành nhập viện khi mắc sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo với các biểu hiện như: khó chịu mặc dù đã hết hoặc giảm sốt; không ăn, không uống; đau bụng, nôn ói nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt mỏi, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng và xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; bệnh nhân không tỉnh táo, lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì thì... Trường hợp chưa đủ điều kiện nhập viện có thể khám lại trong cùng 1 ngày (chiều, tối)."
Tính tới giữa tháng 4 cả nước có 4.491 ca mắc Sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Hầu hết các ca nặng đều nhập viện trong tình trạng nguy kịch, sốc sốt xuất huyết, kèm theo nhiều dấu hiệu, biến chứng nặng do không được phát hiện và điều trị kịp thời.