Ngày 2/6, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp Ban soạn thảo, tổ biên tập Đề án Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022-2030. Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của tổ biên tập đã vượt qua khó khăn sớm hoàn thành đề tài, để Ban biên soạn góp ý kiến.
Theo bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non: Đến hết năm học 2020-2021, tại vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn của cả nước có 3.605/15.480 (tỷ lệ 23,3%) nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, 9.356/21.236 điểm trường lẻ (tỷ lệ xấp xỉ 1/2). Trường mầm non vùng khó khăn tập trung chủ yếu tại vùng trung du và miền núi phía bắc (nhiều nhất 65,7%), Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung, vùng Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy mô GD Mầm non (MN) vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn tăng lên hằng năm. Tính đến thời điểm tháng 5/2021, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn cả nước đã có 1.055.889/5.357.346 trẻ đến cơ sở GDMN (chiếm tỷ lệ 20% tổng số trẻ em tới trường), tỷ lệ huy động trẻ đạt 56,1. Trong tổng số trẻ em được đến trường tại vùng khó khăn có 528.710 trẻ em người DTTS (tỷ lệ huy động trẻ em người dân tộc thiểu số đạt 57,4%, trong đó: nhà trẻ: 22,6%, Mẫu giáo: 80,6%).
Quang cảnh cuộc họp.
Số cơ sở GDMN vùng khó khăn chiếm tỷ lệ 23% so với quy mô chung toàn quốc; trẻ em MN tại vùng khó khăn chiếm 20%; 100% trẻ em MN tại cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN do Bộ GD&ĐT ban hành. Các chính sách cho trẻ em và giáo viên được ban hành giai đoạn vừa qua cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao tỷ lệ huy động trẻ em ra lớp, đời sống của đội ngũ nhà giáo vùng khó khăn đã được quan tâm để giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm công tác và gắn bó với nghề.
Tuy nhiên, việc phát triển giáo dục mầm vùng khó khăn còn gặp rất nhiều khó khăn như:
Mạng lưới trường mầm non: dù đã được đầu tư nhưng mới chỉ thu hút được 54% trẻ em tới trường, còn 46% trẻ em chưa được tiếp cận giáo dục; do đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, hầu hết các địa bàn vùng khó khăn còn nhiều điểm trường lẻ (9.356 điểm trường) cách xa điểm chính và khó để dồn dịch do khoảng cách xa, điều kiện về giao thông không thuận lợi, dân cư sống rải rác, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Phiên chợ vùng cao của trẻ mầm non Trường MN Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
Cơ sở vật chất đã được quan tâm, tuy nhiên mới có 54,6% phòng học kiên cố, tỷ lệ phòng học tạm, nhờ mượn còn cao (6,6%); nhiều cơ sở GDMN còn thiếu diện tích, đặc biệt tại các điểm trường lẻ, khu vực vùng núi cao không thể mở rộng diện tích do không có đất, trường/điểm trường cạnh vực sâu, núi cao; nhiều địa bàn không thể xây dựng kiên cố do không thể chuyển được vật liệu... Đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học còn thiếu nhiều so với nhu cầu, hằng năm chưa bổ sung kịp để cho trẻ sử dụng; tại vùng sông nước, vùng miền núi, hải đảo các công trình xuống cấp nhanh do môi trường.
Điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị tối thiểu, tài liệu, học liệu đồ dùng, đồ chơi tại các cơ sở GDMN vùng khó khăn còn thiếu thốn, môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học hạn chế, chưa đảm bảo các điều kiện để phát triển các lĩnh vực giáo dục cho trẻ, nhất là lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và tăng cường khả năng tiếng Việt. Tình trạng thiếu phòng học, phòng học tạm, học nhờ còn nhiều.
Nhiều điểm lẻ chưa có đủ phòng học, còn phải mượn nhà sinh hoạt văn hóa của thôn buôn, của cộng đồng, nhà của dân để làm phòng học cho trẻ. Do đó, chưa đảm bảo các điều kiện về diện tích, nhà vệ sinh, chưa xây dựng được môi trường giáo dục, môi trường sư phạm theo quy định, môi trường tiếng Việt cho trẻ chưa được chú ý, đặc biệt các lớp lẻ cắm bản nhiều thuộc địa bàn các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ thuộc vùng khó khăn còn có sự chênh lệch so với vùng thuận lợi; tỷ lệ trẻ em được tổ chức học 2 buổi/ngày đạt 97% (thấp hơn 0,9 %); tỷ lệ trẻ em được tổ chức ăn bán trú đạt 82,1% (thấp hơn 9,9%), tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 6,7% (cao hơn 4,7% so với bình quân chung toàn quốc), thể thấp còi còn 5,8% (cao hơn 3,1% so với bình quân chung toàn quốc).
Trẻ cần được chăm sóc đầy đủ dù ở vùng miền nào, không phân biệt công tư.
Đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu về số lượng, một số giáo viên còn hạn chế về năng lực, đặc biệt là đối với các giáo viên công tác tại vùng có nhiều trẻ em người DTTS chưa được chuẩn bị sẵn sàng về vốn ngôn ngữ tiếng dân tộc thiểu số. Dù Chính phủ đã quan tâm bổ sung biên chế hằng năm tuy nhiên vùng khó khăn còn thiếu gần 10.000 giáo viên gây khó khăn trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non.
Nhiều nơi, tại các điểm lẻ, chỉ có 1 giáo viên/lớp, giáo viên phải kiêm cả việc đón và trả trẻ tại nhà vì một số phụ huynh không đưa đón con em của họ. Chính vì vậy, giáo viên thiếu thời gian để xây môi trường trong lớp học, tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ. Các vùng dân tộc thiểu số, miền núi do điều kiện địa lý, kinh tế xã hội không thuận lợi nên đội ngũ giáo viên thường không ổn định, thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển dụng.
Bện cạnh đó, chính sách tiền lương hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc và chưa công bằng so với cấp học phổ thông. Ở rất nhiều điểm bản, cũng không có nhà công vụ hay phòng cho giáo viên ở, trong khi đó nhà lại xa, giáo viên phải dùng phòng học của trẻ để sinh hoạt vào buổi tối. Những vấn đề này tạo nên khó khăn chung, áp lực, tạo nên tâm lí lo lắng, không yên tâm công tác đối với đội ngũ giáo viên mầm non công tác tại khu vực miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số.
Giờ chơi của trẻ mầm non miền núi tỉnh Yên Bái.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: Để đảm bảo tính bền vững của Đề án, cần phải tính toán đến nhóm trẻ dưới 36 tháng tuổi. Điều kiện thế nào, đảm bảo tính bền vững phải quan tâm nhóm trẻ này ra sao. Cùng với đó, việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số, dạy song ngữ đã bài bản và hiệu quả chưa. "Dạy song ngữ ở vùng khó, trẻ học tiếng Việt rất khó khăn nếu không dựa trên tiếng mẹ đẻ của các em. Phải có cấu trúc chi tiết, đầy đủ và cụ thể, thuận lợi cho việc dạy trẻ”. - Thứ trường Ngô Thị Minh nhấn mạnh,
Thứ trưởng cũng lưu ý, cần đặc biệt chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức cho người lớn phải được đề cao. Giai đoạn đầu đời cực kỳ quan trọng đối với trẻ, cần được chăm sóc để phát triển toàn diện. Ở vùng sâu vùng xa, trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng cần được chú ý nhiều; Chính sách đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực, tiếng dân tộc, bổ sung kiến thức kỹ năng qua tập huấn, đào tạo bồi dưỡng là hết sức cần thiết. Chính sách đầu tư CSVC huy động nguồn lực phát triển GDMN, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn thân thiện cần phải tính kỹ.
Triển khai Chương trình GDMN phải phù hợp với vùng khó khăn, đặc biệt là việc tăng cường tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Chương trình rất quan trọng, phải tính đến yếu tố vùng miền; Lồng ghép chính sách hiện hành để chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới phải lồng ghép tích hợp. Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc trẻ dưới 36 tháng, giai đoạn đầu đời của trẻ phải đảm bảo công bằng trong thụ hướng, quyền được đến trường như mọi vùng miền khác trên cả nước...