Tuy nhiên, tại các khu vực miền núi, vùng khó khăn… việc tăng cường điều kiện cơ sở vật chất cho GDMN vẫn còn tồn tại những thách thức. Để đảm bảo tất cả trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất đối với bậc học này.
Nhiều chính sách ưu tiên cho GDMN
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, năm 2011 ban hành Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển GDMN. Mục tiêu là nhằm tăng số lượng trẻ em đi học, thực hiện chăm sóc và giáo dục bán trú có chất lượng, bảo đảm hầu hết trẻ em ở mọi vùng miền được chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt, chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1.
Chính sách phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi ban hành đã được các cấp chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ triển khai, các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ. Đặc biệt, WB đã hỗ trợ dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non giai đoạn 2013 - 2017” giải ngân hòa vào ngân sách để thực hiện các mục tiêu của Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Tính đến tháng 6/2017, tất cả các mục tiêu của dự án nêu trên đã thực hiện hoàn thành đúng hạn.
Gần đây nhất, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trong lĩnh vực GD-ĐT (SDG4), mục tiêu 4.2 nêu rõ: “Đến năm 2030, đảm bảo tất cả các trẻ em gái và trẻ em trai tiếp cận được các dịch vụ phát triển trẻ thơ, chăm sóc và GDMN có chất lượng để mọi trẻ em sẵn sàng đến trường”.
Việc thực hiện chính sách GDMN những năm qua đã mang lại những kết quả rất tích cực. Trong 5 năm, 63/63 tỉnh, thành phố của cả nước đã đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đi học là 92,16%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học là 98,75%; cơ sở vật chất GDMN được cải thiện; trình độ chuyên môn của giáo viên được nâng cao, thực sự thay đổi hình ảnh, vị thế của GDMN.
Duy trì và nâng cao chất lượng GDMN
Thực tế cho thấy, để đảm bảo cho tất cả trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1 vẫn còn tồn tại những khó khăn. Hiện nay, còn 76/11.159 xã (0,7%) chưa đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNTNT), kết quả PCGDMNTNT chưa đồng đều giữa các vùng miền; mạng lưới trường lớp còn tồn tại những bất cập; Vùng miền núi cao, vùng sông nước vẫn còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ. Tình trạng thiếu phòng học chậm được khắc phục; tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp (66,2%), vẫn còn phòng học tạm, học nhờ, công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn nhiều nơi còn thiếu thốn...
ThS Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em còn tồn tại những thách thức như: Kiến thức kỹ năng của cha mẹ, của người chăm sóc trẻ tại gia đình, cộng đồng còn có những hạn chế. Việc tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em có sự chênh lệch lớn giữa các vùng đồng bằng, thành thị, miền núi và vùng khó khăn. Bên cạnh đó, mạng lưới kết nối các dịch vụ chăm sóc toàn diện của trẻ em tại gia đình còn thiếu, các can thiệp mang tính phòng ngừa và phát hiện sớm một số vấn đề liên quan đến trẻ em còn nhiều bất cập.
Còn theo TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT): Những năm vừa qua, GDMN đã đạt được những kết quả đáng mừng. Song để duy trì và phát triển nâng cao chất lượng GD của bậc học này, cần có những giải pháp cụ thể. Trong thời gian tới, ngành GD sẽ tiếp tục triển khai rà soát quy hoạch, và thực hiện mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương đáp ứng nhu cầu chăm sóc GD trẻ.
“Chúng ta cần phải đầu tư có trọng điểm, đối với những khu vực yếu thế, còn khó khăn Chính phủ cần đầu tư huy động các dự án làm thế nào để hỗ trợ về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất cho các vùng đó. Còn ở thành phố cần có cơ chế huy động các nguồn lực trong xã hội một cách tốt hơn để nâng cao chất lượng GDMN cho xứng với tiềm năng. Vì vậy trong thời gian tới cùng với việc hỗ trợ đầu tư có trọng điểm ở những vùng khó khăn thì cần có cơ chế để phát triển khối các trường ngoài công lập đồng thời huy động sự tham gia của các nguồn lực ngoài xã hội vào sự nghiệp chăm sóc GD trẻ” – TS Nguyễn Bá Minh nêu rõ.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Bá Minh cũng cho rằng cần chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và những người tham gia làm công tác PCGDMNTNT cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời thúc đẩy thực hiện các giải pháp về tài chính, tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển GDMN bền vững và chất lượng.