Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà quản lý chưa nhìn nhận đúng tầm quan trọng của bậc học MN nên thiếu sự công bằng trong đầu tư đối với bậc học này. Có thể nói, những vụ bạo hành trẻ, những tai nạn thương tích để lại hậu quả đau lòng phần lớn đều xảy ra ở những nhóm lớp MN tư thục hoạt động manh mún, tự phát, thiếu sự quản lý giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, hệ thống trường công lập không có chỗ để nhận học sinh (HS) ở lứa tuổi nhà trẻ. Chính lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng phải thừa nhận, "vùng trũng" của giáo dục MN chính là lứa tuổi dưới 36 tháng. Hiện cả nước mới có khoảng hơn 27% trẻ trong độ tuổi này được chăm sóc ở các cơ sở giáo dục MN.
Giờ học cô và cháu trường Mầm non An Dương, quận Tây Hồ. Ảnh: Hải Linh
Ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc cho biết, toàn TP có hơn 2.100 nhóm trẻ, 292 trường tư thục. Địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cũng là những nơi mà nhóm lớp trẻ tư thục mọc lên nhanh nhất như quận Hoàng Mai có tới hơn 300 nhóm trẻ tư thục, trong đó riêng phường Định Công đã có tới 64 nhóm trẻ do các khu đô thị cao tầng ở đây phát triển quá nhiều. Sau đó có thể kể đến quận Hà Đông, quận Đống Đa... "Trách nhiệm cấp phép hoạt động cho các nhóm lớp MN tư thục là UBND phường, xã.
Nhưng lực lượng cấp phường, xã rất mỏng, chỉ có một chuyên viên phụ trách về hoạt động giáo dục MN, mà bản thân người này cũng không có chuyên môn nghiệp vụ" - ông Quang thẳng thắn chỉ ra những bất cập. Chênh lệch đầu tư Giáo dục MN là cấp học đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, những kỹ năng mà trẻ được tiếp thu qua chương trình chăm sóc giáo dục MN sẽ là nền tảng, là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực. Vậy nhưng, như nhiều người nhìn nhận, bậc học này chưa được quan tâm đúng mức. Theo báo cáo hàng năm của Bộ GD&ĐT, chi cho giáo dục MN khoảng 11 - 12% tổng chi cho giáo dục địa phương; định mức chi thường xuyên cho trẻ MN đạt bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/năm.
Đây là mức chi mà các chuyên gia giáo dục đã không ít lần lên tiếng rằng, không hề tương xứng với vị trí và nhu cầu của giáo dục MN, đặc biệt là khi các khoản chi đó chủ yếu là chi lương cho cán bộ, GV (khoảng 83%). GS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trừ trẻ 5 tuổi được hỗ trợ để phổ cập, nói chung bậc học MN cho đến nay chưa được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam xác định là một bậc học được ưu tiên đầu tư. Trong khi tiểu học và THCS đều xác định là cấp học phổ cập, Hiến pháp có nói tiến tới phổ cập giáo dục THPT nhưng giáo dục MN thì không được đề cập tới. "Đây là một điều rất thiệt thòi, là một khiếm khuyết, cần phải bổ sung ngay trong những văn bản pháp luật quan trọng nhất" - ông Thi khẳng định.
Cũng theo ông Thi, khác với giáo dục tiểu học và THCS, quy mô giáo dục MN, nhất là khối công lập thấp so với nhu cầu gửi trẻ của xã hội, quy mô lứa tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) lại càng thấp. Phương thức hỗ trợ của Nhà nước về tài chính còn thiếu, không công bằng, đã vậy chỉ dồn hết cho các cơ sở MN công lập, các cơ sở MN tư thục hầu như chưa được hưởng hỗ trợ của Nhà nước. Hơn nữa, hiện ở các cấp học khác có ưu tiên về đối tượng, về HS học giỏi nhưng giáo dục MN không có tiêu chí nào để lựa chọn. Phụ huynh phải quen biết, phải bốc thăm, xếp hàng để mong có một chỗ học trong cơ sở MN công lập. Trẻ nào được vào thì nhận được các hỗ trợ của Nhà nước, trẻ nào học ở ngoài lại không được hưởng chính sách hỗ trợ.
Như vậy là rất bất công. Điều này chỉ chấp nhận ở những cấp học cao hơn, còn riêng ở cấp MN lẽ ra phải quan tâm đặc biệt. Cũng nhận định bậc có sự chênh lệch giữa bậc MN với các bậc học khác, bà Hoàng Thanh Hương - Trưởng phòng Giáo dục MN, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, còn nhiều chênh lệch giữa bậc MN và phổ thông. Cụ thể, MN còn nhiều HS đang học ở những trường chưa đạt chuẩn. Nhà nước nên quan tâm, đầu tư cho bậc học này vì MN là cấp học tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Hiện nay, MN chỉ có một chương trình được đầu tư từ vốn vay ODA, trong khi tiểu học có rất nhiều chương trình. Đặc biệt, khu công nghiệp, chế xuất, khu cao tầng mọc lên rất nhiều, nhưng giáo dục MN không được quan tâm. Đa số con của công nhân ở khác khu công nghiệp lại gửi ở những nhóm trẻ tự phát... Đây là những nguy cơ tiềm ẩn rủi ro với trẻ mà các nhà quản lý không thể thờ ơ.