Phương pháp 'học bằng chơi, chơi mà học' đang được các trường mầm non áp dụng linh hoạt giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.
Cụ thể hóa kiến thức qua trò chơi
Là đại diện duy nhất của huyện Hoài Đức (Hà Nội) đạt giải Nhất cuộc thi "Giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố năm học 2022-2023", cô Lê Thị Chinh đến từ Trường Mầm non An Khánh B cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục thì cô phải hiểu tâm lý của trẻ và tạo được hứng thú cho trẻ khi tới lớp. Ở lứa tuổi nhà trẻ, các bé chưa thể tập trung cao độ vào các kỹ năng mà cô hướng dẫn. Thay vào đó, cô sẽ chủ động tạo ra những tình huống hay trò chơi để trẻ yêu thích các hoạt động hơn.
Cô Chinh lấy ví dụ, khi dạy đến nội dung về cách nhận biết các đồ vật to nhỏ, cô sẽ tổ chức cho trẻ chơi trò giữ những quả bóng với các kích cỡ khác nhau trên một chiếc dù có đục lỗ ở giữa. Lúc các bé lắc chiếc dù, những quả bóng có kích thước nhỏ sẽ bị rơi xuống dưới đất, những quả bóng còn lại trên dù không thể lọt xuống vì đó là quả bóng to. Như vậy trẻ vừa được chơi và trải nghiệm, sau đó mới rút ra sự so sánh rồi phân biệt những quả bóng to hay nhỏ.
Với trẻ các độ tuổi, trên lớp cô giáo dạy cách nhận biết màu sắc cơ bản của đồ vật. Nếu thời tiết tốt, cô cũng có thể tổ chức cho trẻ xếp hàng đi ra khu vườn trường để nhìn ngắm các loại cây rau, cây hoa, cây ăn quả và yêu cầu trẻ chỉ ra màu sắc, hình dáng và chủng loại của từng loại cây đó. Thậm chí, trẻ còn biết được cách tưới cây, nhổ cỏ, chăm sóc cho cây... Nhờ quan sát thực tế và trả lời câu đố vui của cô, trẻ đã dễ dàng tiếp thu bài học về màu sắc, hình dạng của đồ vật, cây cối và lĩnh hội kiến thức một cách tự nhiên nhất.
Cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, khi chơi, đứa trẻ hoàn toàn thư giãn. Trong trạng thái hoàn toàn thư giãn và thả lỏng, trẻ có thể tiếp nhận tất cả những kiến thức ngoài cuộc sống. Chính vì vậy, giáo dục thông qua trò chơi trở thành một trong các phương pháp hữu ích vì đa số trẻ em đều thích chơi đùa. Mọi nội dung kiến thức đều được cụ thể hóa qua các trò chơi cho bé.
"Vui chơi là hoạt động chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo. Các đặc điểm tâm lý mới, các nét tính cách mới của trẻ được hình thành chủ yếu do hoạt động chủ đạo này. Do đó, khi muốn chuyển tải kiến thức cho trẻ, trò chơi là một phương tiện giáo dục mạnh mẽ nhất. Ngoài ra, việc vui chơi cho phép trẻ hiểu được tương tác xã hội là thế nào, để tìm ra cách giải quyết vấn đề, tưởng tượng, khám phá và tìm ra những gì là an toàn và những gì thì không", cô Vân cho hay.
Hiểu được tâm lý của trẻ
Cũng theo cô Bùi Thị Vân, để trẻ học được qua các hoạt động vui chơi, hay để việc vui chơi có ý nghĩa, giáo viên đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và giúp đỡ trẻ. Việc này cần rất nhiều kiên nhẫn, tình yêu và kinh nghiệm từ giáo viên để giúp hoàn thiện kiến thức và kỹ năng cho trẻ. Tất cả đều là những trải nghiệm có ích, giúp trẻ hứng thú và các kỹ năng sẽ hình thành một cách nhẹ nhàng, tự nhiên nhất.
Vừa tham gia và đạt giải Nhì cuộc thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp thành phố năm học 2022-2023, cô Nguyễn Thị Thùy đến từ Trường Mầm non Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ, lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm và chỉ đạo các giáo viên áp dụng phương pháp dạy học linh hoạt để trẻ có thể tiếp thu kiến thức, kỹ năng hiệu quả nhất.
Hàng ngày, cô trò thường tổ chức rất nhiều hoạt động trò chơi đa dạng như: Ghép hình, lặt rau muống, tô màu, chơi với bóng, khám phá về hạt gạo nếp - gạo tẻ, làm thí nghiệm vui về sự hòa tan của muối trong nước... Khi chơi đùa, trẻ có thể hiểu được công việc và trang phục của bác sĩ là gì, ca sĩ sẽ cầm micro hát thế nào, bác thợ xây thì dùng dụng cụ gì để xây nhà,...
Khi chơi với các đồ vật khác nhau trẻ em sẽ khám phá ra những gì chúng quan tâm nhất. Đối với trẻ này có thể rất thích thú khi được chơi trong một hố cát ngoài trời, nhưng trẻ khác lại thích chơi với các miếng ghép hình. Mỗi trẻ đều có niềm vui riêng của mình; giáo viên có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng hoặc sở thích của chúng cũng như với việc học đếm hoặc nhận biết về âm thanh.