Hội thảo Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại do Viện Lịch sử quân sự tổ chức ngày 9/12 với 650 đại biểu tham dự, đóng góp nhiều tư liệu, ký ức về chiến dịch 12 ngày đêm cách đây 50 năm.
Cuối năm 1972, Mỹ tổ chức chiến dịch không kích quân sự cuối cùng mang tên Linebacker II, kéo dài 12 ngày đêm (18-29/12) đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh miền Bắc, tìm lại ưu thế trên bàn đàm phán khi Hội nghị Paris đi vào bế tắc.
Song chiến dịch không kích không thể thay đổi lập trường của lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về nội dung Hiệp định Paris. Ngược lại, quân dân miền Bắc đã biến cuộc ném bom mùa Giáng sinh thành "Điện Biên Phủ trên không", buộc người Mỹ phải trở lại bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris và rút khỏi Việt Nam.
Chuẩn bị cho cuộc đọ sức cuối cùng
Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tên lửa 77, Sư đoàn phòng không 361, một trong những đơn vị trấn giữ Thủ đô, nói Điện Biên Phủ trên không là 12 ngày đêm chiến đấu không cân sức, khốc liệt nhất trong đời binh nghiệp của ông.
Khi Hội nghị Paris bế tắc, các đơn vị đều được đặt trong tình trạng báo động cao. Nhưng bộ đội tên lửa thời điểm ấy phân tán làm nhiều nhiệm vụ vừa chiến đấu bảo vệ Quảng Trị, tiến sâu vào chiến trường miền Nam, vừa trấn thủ yếu địa Hà Nội, Hải Phòng...
Luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó máy bay B52, nhưng từ tháng 4 đến 6/1972, lực lượng phòng không vẫn chưa bắn rơi được chiếc nào ngay tại chỗ bởi đội hình bay B52 liên tục thay đổi và trang bị máy phá nhiễu để đối phó với hệ thống rada của Việt Nam.
"Ức lắm, sốt ruột lắm nên phải tìm cho bằng được cách đánh", ông kể.
Trên thực tế, cách đánh B52 bắt đầu được nghiên cứu, bổ sung từ năm 1966-1967 bởi dự liệu sớm muộn gì Mỹ cũng đưa loại máy bay này ra đánh Hà Nội. Trải qua những trận giao chiến bảo vệ miền Bắc, bộ đội phòng không nhiều lần họp rút kinh nghiệm, liên tục sáng tạo cách đánh mới.
Tướng Phiệt nhớ trong hội nghị Quân chủng Phòng không Không quân tổ chức đầu tháng 11/1972, từ tư lệnh đến trắc thủ ngồi chụm đầu vào nhau bàn bạc, thống nhất cách đánh, bố trí đội hình, lập nhiều điểm đánh trên một đường bay của B52... để sẵn sàng nghênh chiến.
Trung tướng Phạm Tuân nói năm 1972 mới đối đầu trực diện với B52, nhưng từ năm 1967 phi đội bay đêm đã được thành lập. Suốt 5 năm, những phi công bay đêm không tham gia chiến đấu ban ngày để giữ gìn lực lượng. Việc huấn luyện cũng sát với yêu cầu thực tế, địch thế nào thì đối phó thế ấy. Nghĩa là Việt Nam đã đoán trước sau B52 cũng sẽ vào nên chuẩn bị dần để không bị bất ngờ.
Sau những ngày đầu chiến dịch, tổ chức cũng bố trí lại rada dẫn đường lẫn phi công chiến đấu. Thời điểm ấy, các sân bay miền Bắc bị đánh phá hàng chục lần. Không còn sân bay, phi công tập cất cánh trên những đoạn đường băng còn lành lặn, hạ cánh ở đường băng đất chứ không còn chỗ nào khác; dùng tên lửa bổ trợ hai bên cánh để lấy đà bay lên...
"Bấy giờ cất cánh được đã là mừng lắm chứ đừng nói đến không chiến. Nhưng ta không những cất cánh được và còn vượt nhiễu, vượt vòng bảo vệ của các loại máy bay chiến đấu để hạ gục B52", tướng Tuân nói.
Từ những sáng tạo mà đêm 27/12/1972, biên đội đánh theo phương án mới, phi công Phạm Tuân hạ một chiếc B52. Theo ông, nếu so kè kỹ thuật với phi công Mỹ có thể còn nhiều vấn đề, nhưng điều vượt lên là sáng tạo cùng bản lĩnh đánh thắng, không quân đã góp phần bắn rơi 2 máy bay và đây là sự cố gắng lớn.
Kể về kỷ niệm đối mặt với tù binh phi công Mỹ sau chiến dịch, ông hỏi "Trước khi bay vào Việt Nam, ông suy nghĩ gì?" và nhận được câu trả lời: "Chúng tôi biết hết khí tài của các ông, từ tên lửa, máy bay, các loại pháo và tự tin có cách chế áp Việt Nam. Chúng tôi có thể bay vào thả bom rồi bay ra. Nhưng cuối cùng rất khó hiểu, làm sao các ông có thể đánh được B52?".
Cuộc tập kích cường độ cao nhất lịch sử
Tham luận tại hội nghị, thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, cho biết phía Mỹ huy động vào chiến dịch gần 50% số máy bay chiến lược B52 cùng hàng nghìn lượt máy bay chiến thuật.
"Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh", tướng Vịnh nói, dẫn chứng trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả hơn 36.000 tấn bom, vượt khối lượng bom ném xuống miền Bắc thời kỳ 1969-1971.
Song không quân Mỹ đã thất bại nặng nhất lịch sử và 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội, Hải Phòng cũng là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều B52.
Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhấn mạnh đối đầu với cuộc tập kích quy mô lẫn cường độ, quân dân Hà Nội, Hải Phòng đã tạo dựng được thế trận phòng không vững chắc với quyết tâm bắn rơi B52 ngay tại chỗ.
Cụ thể, lực lượng tên lửa bố trí đội hình vòng trong và ngoài, tập trung hỏa lực tiêu diệt B52. Các đơn vị pháo phòng không đánh máy bay cường kích. Không quân dùng lực lượng nhỏ bất ngờ đánh từ phía sau, bên sườn chặn đánh B52 ngoài vùng hỏa lực. Rada phát hiện mục tiêu sớm, dẫn đường cho không quân cất cánh. Dân quân tự vệ đánh máy bay tầm thấp, bắt sống phi công nhảy dù. Tổng cộng 81 máy bay các loại bị bắn rơi, trong đó có 34 B52 và nhiều phi công bị bắt sống.
"Chiến thắng góp phần mở ra bước ngoặt với cuộc kháng chiến, cổ vũ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới", Tướng Quyết khẳng định, thêm rằng qua nửa thế kỷ, thành quả xây dựng đất nước đã thay thế cho dấu tích đạn bom tàn phá, song tầm vóc, bài học lịch sử từ chiến thắng còn nguyên giá trị.
Từ bài học đánh B52 nửa thế kỷ trước, trung tướng Phạm Tuân cho rằng ngày nay cần hiện đại hóa quân đội, nhất là lực lượng phòng không không quân. Chiến tranh hiện đại với phương pháp đánh biến đổi liên tục, sử dụng vũ khí công nghệ cao, do đó cần chuẩn bị cho bộ đội nắm vững khoa học công nghệ để không bị bất ngờ. Vũ khí nhập từ nước ngoài, sử dụng theo phương pháp của họ, nhưng người Việt sẽ luôn sáng tạo phù hợp với thực tiễn.
"Then chốt vẫn là xây dựng con người với ý chí, bản lĩnh người lính cùng với sức mạnh dân tộc để tạo thành sức mạnh tổng hợp", ông Tuân nhấn mạnh.