|
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946. (Bản chụp lại) |
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi lần trước họa ngoại xâm, toàn thể quốc dân đồng bào đã nhất tề đứng dậy chống giặc cứu nước, bảo vệ bờ cõi sơn hà trước lời hiệu triệu sục sôi hào khí “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”,… khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.
Kế thừa hào khí chống giặc, giữ nước trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh “ngàn cân treo sợi tóc” bằng một quyết định quan trọng, một quyết định thể hiện sự lựa chọn của lịch sử vào ngày 19/12/1946 - ngày toàn quốc kháng chiến.
Đã 70 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, nhưng âm hưởng hào hùng của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam, mãi là lời hịch của non sông, một văn kiện mang tính cương lĩnh quân sự có giá trị lịch sử trong mọi thời đại, thể hiện ý thức sâu sắc giá trị của độc lập dân tộc và niềm tin vững bền về con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
|
Ngôi nhà tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) nơi Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa- nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lần đầu tiên, chính quyền thuộc về nhân dân; gần 80 năm chịu sự gông xiềng của ngoại bang phương Tây, người dân Việt Nam đã trở thành người chủ vận mệnh dân tộc mình.
Song, kẻ thù nào chịu để yên và chính quyền cách mạng non trẻ của nhân dân đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế cách mạng lúc này mong manh như “trứng để đầu gậy” phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng lúc: Giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm.
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh vào giải giáp quân Nhật đầu hàng, đã nổ súng đánh ta ở Sài Gòn rồi cả Nam Bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh, một mặt kêu gọi nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ đứng lên kháng chiến, mặt khác ra sức đàm phán với Chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình.
Người đã ký với đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội “Hiệp định Sơ bộ” ngày 6/3/1946. Tiếp đó, Người đích thân qua Pháp chỉ đạo phái đoàn Chính phủ ta đàm phán với Chính phủ Pháp ở Fontainebleau. Cuộc đàm phán thất bại do lập trường phía Pháp vẫn theo đuổi chính sách thống trị Việt Nam.
“Còn nước còn tát”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng làm việc cả ngày lẫn đêm, để kéo dài thời gian Người ký với Chính phủ Pháp Tạm ước ngày 14/9/1946. Ngày 16/9/1946, Người rời cảng Toulon (Pháp) trở về nước.
Ngày 16/10, Người tiếp tục gặp tướng Pháp Đắc-giăng-li-ơ ở vịnh Cam Ranh. Thỏa thuận ngừng bắn theo Tạm ước 14/9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Cuối tháng 11/1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, TX Lạng Sơn và đổ bộ lên Đà Nẵng.
Tại Hà Nội, quân Pháp liên tiếp nổ súng, ném lựu đạn vào nhiều nơi trong các ngày 15, 16/12/1946 như: đốt nhà thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Ngày 17/12/1946, quân Pháp cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đặc biệt, chúng đã gây ra vụ tàn sát nhiều đồng bào ta ở phố Hàng Bún và Yên Ninh, gây xung đột đổ máu ở cầu Long Biên, khu Cửa Đông.
Bội ước Hiệp định Sơ bộ 6/3 và Thỏa ước 19/4/1945, thực dân Pháp ráo riết tăng cường lực lượng và đến tháng 11/1946, số quân của chúng tại nước ta đã lên tới 10 vạn.
Ngày 18/12/1946, tướng Moóc-li-e gửi cho ta hai tối hậu thư đòi chiếm đóng Sở Tài chính, đòi ta phải phá bỏ mọi công sự chướng ngại trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu và giao quyền kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô Hà Nội cho chúng. Pháp tuyên bố nếu các yêu cầu trên không được Chính phủ Việt Nam chấp nhận thì chậm nhất vào sáng 20/12/1946 quân Pháp sẽ hành động.
Trước tình hình đó, vào 2 ngày 18 và 19/12/1946, tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi toàn quốc.
Giờ hành động cứu quốc đã điểm, đúng 20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
|
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào,
Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc, ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm! Kháng chiến thắng lợi muôn năm.
Hà Nội ngày 19/12/1946
Hồ Chí Minh”
|
Toàn văn “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy ngắn gọn nhưng súc tích, giản dị, đanh thép, có sức cổ vũ, động viên và tổ chức lực lượng kháng chiến vô cùng mạnh mẽ.
Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, tình thế hết sức hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”, từng câu từng chữ trong lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác nhanh chóng thấm nhuần sâu sắc vào tâm khảm nhân dân ta, khơi dậy mạnh mẽ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống yêu nước, anh hùng bất khuất, kiên cường của nhân dân Việt Nam; là hiệu lệnh làm sục sôi khí thế đấu tranh bằng sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của người Việt Nam với mọi thứ vũ khí có sẵn, với một ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, một thái độ dứt khoát và kiên định: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, không còn con đường nào khác ngoài việc dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Khi đã buộc phải kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết động viên toàn dân đứng lên chiến đấu:
“Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Kết thúc lời kêu gọi, Hồ Chí Minh khẳng định niềm tin tất thắng:
“Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta.
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!”
Có thể nói, Lời kêu gọi và ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đã thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện cầm chân quân địch mạnh đông để cả nước chuyển vào căn cứ kháng chiến trường kỳ.
Việc nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm và sáng tạo.
70 năm đã trôi qua nhưng khí thế hào hùng của những ngày đầu toàn quốc kháng chiến đã trở thành ngày lịch sử, là dấu son chói lọi trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của thời gian, nhưng giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn thể nhân dân Việt Nam, cổ vũ, hiệu triệu quốc dân đồng bào kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng, đoàn kết nhất trí đánh giặc, giữ nước, giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc.
Ngày nay, Lời kêu gọi thiêng liêng của Bác vẫn mãi giữ nguyên tính thời sự, đó là giá trị của niềm tin vào chân lý, là ý thức sâu sắc giá trị độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhất định chúng ta sẽ thành công, nước Việt Nam ngày càng hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
|
Các chiến sĩ vệ quốc quân và nhân dân thủ đô chiến đấu giữ từng căn nhà, góc phố trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Tư liệu |
70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chủ tịch viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến nhưng những câu nói đó vẫn vang vọng trong tiềm thức của bao người dân Việt Nam.
Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đồng sức chung lòng tạo nguồn động lực to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhanh chóng đưa đất nước vượt ra khỏi chậm tiến, lạc hậu, phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu căn dặn trong Di chúc.