Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Theo đánh giá của Vụ Giáo dục Mầm non (GDMN), năm học 2014 - 2015, công tác quy hoạch, dành quỹ đất cho GDMN được các địa phương thực hiện tích cực.
Quy mô, mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển nhanh; các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư đã chú trọng quy hoạch, xây dựng trường - lớp mầm non, banh hành các đề án, chính sách địa phương và huy động mọi nguồn lực phát triển GDMN, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, điển hình như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc...
Trong năm học vừa qua, cả nước tăng 197 trường, trong đó có 191 trường tư thục; tỉ lệ huy động nhà trẻ đạt 25,3%, trẻ mẫu giáo đạt 88,3%.
Số trường MN đạt chuẩn quốc gia của cả nước là 4.482 trường, đạt tỉ lệ 31,3%. Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công nhận 14 tỉnh, TP dạt chuẩn PCGDMN trẻ 5 tuổi, nâng số đơn vị được công nhận đạt chuẩn lên 32, đạt 50,8%.
Công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN được đảm bảo. Với chuyên đề Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non" đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đổi mới hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ. Sau 2 năm đã tăng thêm 3.533 điểm trường có sân chơi, tăng 4.492 sân chơi có thiết bị đồ chơi, tăng 800 phòng giáo dục phát triển thể chất...
Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao hiệu quả của dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non, nhất là những địa phương còn có nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội.
Đại diện Sở GD&ĐT Cao Bằng cho biết: "Nhờ hưởng thụ dự án mà việc huy động trẻ mầm non ra lớp ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng cao ở Cao Bằng rất thuận lợi, tỉ lệ huy động cao, tạo điều kiện cho trẻ hòa nhập và tập làm quen với tiếng Việt. Chúng tôi xem đây là một trong những cơ sở để làm chất lượng ở các bậc học cao hơn".
Tại Yên Bái, ngành GD&ĐT đã trích một phần ngân sách để đào tạo tiếng dân tộc cho GV mầm non cắm bản ở các vùng đồng bào dân tộc.
Theo nhận xét của đại diện Sở GD&ĐT Yên Bái, qua kiểm tra thực tế cho thấy, những lớp học nào mà GV biết tiếng của người dân bản địa thì nề nếp khác hẳn, học sinh cũng hòa nhập nhanh, tự tin hơn.
Bà Phạm Thị Hồng Nga - Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội - đề nghị sớm tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả của chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.
Bà Nga phát biểu: "Chúng ta không tổ chức giảng dạy trong nhà trường thì sau giờ học, phụ huynh cũng gửi các cháu theo học tại các trung tâm bên ngoài. Chúng tôi hiện đang tổ chức thí điểm tại 106 trường/967 trường MN của toàn thành phố, bước đầu cho thấy các cháu rất tự tin, GV của trường MN cũng thừa nhận là họ học được rất nhiều từ các GV người nước ngoài về cách giao tiếp, làm quen với trẻ, kể cả cách lôi cuốn trẻ".
Đại diện Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: "TP Hồ Chí Minh xác định phát triển GD mầm non là bước phát triển cơ bản, do đó đã xây dựng một hệ thống phát triển vững chắc và toàn diện, từ đa dạng hóa phương thức chăm sóc, giáo dục; quy hoạch mạng lưới trường lớp, chế độ chính sách cho GV, thu hút nguồn lực vào ngành GD mầm non. Phần đấu đến năm 2025, hầu hết trẻ em đều được chăm sóc, giáo dục bằng những hình thức thích hợp, giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng".
"Những chính sách, chế độ cũng như mức đầu tư cho bậc học mầm non ngày càng được chú trọng hơn, ngay cả ở những địa phương còn có nhiều khó khăn, các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ cũng đã được cải thiện rất nhiều, từ công trình nước sạch, nhà vệ sinh, nhà bán trú... Nếu so với yêu cầu là chưa đáp ứng nhưng so với điểm xuất phát thì đã có những thay đổi đáng kể.
Về PCGDMN cho trẻ 5 tuổi, thời gian về đích không còn dài, các địa phương nên chủ động triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo đạt chất lượng, tạo tiền đề tốt cho các bậc học trên.
Năm học 2015 - 2016 cũng đồng thời là năm học đầu tiên các địa phương triển khai NQ Đại hội đảng bộ, chính vì vậy, ngành GD&ĐT cần bám sát nghị quyết Đại hội Đảng của tỉnh, thành phố để có những tham mưu nhằm đưa giáo dục, trong đó có giáo dục mầm non phát triển hơn nữa". Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa