Đây là một trong những phương pháp giáo dục sớm cho trẻ mầm non được phát triển dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori.
Ưu điểm của phương pháp giáo dục Montessori
Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp giáo dục Montessori đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tính chủ động, tự lập, khơi gợi tiềm năng, và định hình nhân cách trẻ. Trẻ được tự do tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh theo mong muốn, giáo viên lúc này đóng vai trò là người hướng dẫn. Trẻ được tự học cách chăm sóc bản thân từ việc nhỏ nhất như: rửa tay, thay quần áo, sắp xếp đồ dùng - giáo cụ ngăn nắp, gọn gàng… thay vì nhờ bố mẹ hay người lớn làm giúp.
Với phương pháp giáo dục Montessori, trẻ được tìm hiểu về các lĩnh vực: Toán học, Ngôn ngữ, Thực hành cuộc sống, Giác quan, Địa lý, Khoa học, Lịch sử, Nghệ thuật, Âm nhạc, Vận động bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất.
Trẻ lĩnh hội kiến thức thông qua các giáo cụ quy chuẩn được thiết kế riêng biệt dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây là tiền đề tốt để phát huy trí thông minh và tiếp nhận kiến thức trong các giai đoạn phát triển sau này.
Với phương châm lấy từng cá nhân trẻ làm trọng tâm; tôn trọng đặc điểm, tích cách riêng biệt của từng trẻ, tạo điều kiện tối đa cho trẻ phát triển theo khả năng riêng của mình; khuyến khích, động viên trẻ chủ động hòa nhập với môi trường xung quanh... các chuyên gia giáo dục mầm non đã đưa ra các tiêu chí về: xây dựng môi trường phục vụ các nhu cầu cụ thể của từng giai đoạn phát triển của trẻ; hướng dẫn để giúp trẻ em tìm ra con đường tự nhiên của chính mình; tự do cho trẻ em tham gia vào sự phát triển của chính mình theo đúng thời điểm phát triển cụ thể của chúng.
Sau khi tiến hành áp dụng triển khai theo phương pháp giáo dục Montessori cho trẻ Mầm non tại một số trường, kết quả cho thấy: Trẻ ham mê khám phá và giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng các dụng cụ học tập thiết thực nhằm phát triển sự kết hợp, tập trung, yêu cầu và cách tiếp cận học tập một cách độc lập; trẻ biết cách tự hợp tác và thỏa hiệp; trẻ phát triển toàn diện về: Thính giác, thị giác, vận động từ các dụng cụ học tập thiết kế riêng biệt theo phương pháp giáo dục Montessori.
Trẻ có cảm nhận về giác quan một cách tinh tế nhất; trẻ hiểu biết tất cả các khía cạnh của môi trường học tập và văn hóa của mình trên góc độ riêng của bản thân; trẻ tự có mục tiêu để hướng tới và hoàn toàn có thể phát triển các kỹ năng tự đánh giá sự tiến bộ và khả năng của mình.
Điều này cho thấy phương pháp này có cơ sở để đánh giá tiến độ phát triển của từng giai đoạn của trẻ. Kết quả mà phương pháp này mang lại cho trẻ chính là khả năng tự lập, ham học hỏi, yêu quý môi trường sống và giàu kiến thức. Trẻ trở nên hoạt bát, biết quan tâm, chia sẻ với mọi người, có thể tự chăm sóc bản thân. Đặc biệt, trẻ sẽ luôn muốn tìm tòi, học hỏi điều mới với khả năng nhớ và tiếp thu kiến thức cực nhanh.
Triển khai mô hình tại Việt Nam
Tại Việt Nam, phương pháp giáo dục Montessori đã được một số trường mầm non đưa vào áp dụng. Tuy nhiên, không phải trường mầm non nào cũng đạt đúng chuẩn phương pháp Montessori theo AIM (Hiệp hội Montessori quốc tế - do bà Maria Montessori sáng lập và điều hành).
Trao đổi về vấn đề này, bà Nghiêm Phương Mai - nhà giáo Montessori, đồng thời là Chủ tịch Vietnam Montessori Education Foundation, Thành viên của AMI và Montessori Society of Canada - Điều phối viên chương trình Giáo Dục Montessori của AMI tại ĐH KHXH&NV TPHCM, dịch giả và người hiệu đính của Montessori Pierson Publishing Co. (AMI) cho các bản Việt ngữ từ các tác phẩm của BS Maria Montessori tại Viêt Nam cho biết:
Dạy trẻ mầm non theo phương pháp Montessori đã được cả thế giới công nhận bởi tính giáo dục mang nhiều ý nghĩa thực tiễn, giúp trẻ phát triển toàn diện. Nhưng việc áp dụng phương pháp này tại Việt Nam thì còn có nhiều hạn chế do nhiều yếu tố khách quan: điều kiện, giáo viên chưa được đào tạo theo phương pháp này hay hoàn cảnh kinh tế còn thiếu thốn nên chưa có nhiều trường áp dụng dạy học theo phương pháp này.
Tại một số trường đã áp dụng dạy học theo phương pháp Montessori như: Trường Mầm non Montessori Quốc tế (MON), đây là trường đi tiên phong trong việc giảng dạy theo phương pháp Montessori chuẩn mực, do chị Nguyễn Thùy Hương – chuyên gia Montessori điều hành cho biết:
Trường có diện tích mặt sàn trên 500m2, gồm 4 phòng học được trang bị hiện đại để phục vụ cho việc vui chơi, học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Tất cả đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phục vụ dạy học đều được nhập khẩu và áp dụng theo đúng chuẩn quốc tế. Ngoài ra trường còn có thư viện với hàng trăm đầu sách phục vụ việc học tập, khám phá, vui chơi bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh.
Để phục vụ việc vận động thể chất, và các hoạt động vui chơi của trẻ, nhà trường còn đầu tư xây dựng một khu vui chơi liên hoàn gần 200m2 và trang bị: bể cát, khu tập thể chất, bể bóng, cầu trượt, xích đu, các dụng cụ tập Gym; Các loại xe đạp, xe lắc, ô tô đạp chân…
Một khu bếp khang trang, sạch sẽ với các trang thiết bị hiện đại đảm bảo vệ sinh, an toàn và đội ngũ nhân viên chăm sóc dinh dưỡng có trình độ, tâm huyết, hàng ngày chăm sóc, phục vụ trẻ với các món ăn theo thực đơn vô cùng phong phú và đa dạng đảm bảo đủ chất và lượng cho trẻ từ 6 tháng đến 6 tuổi mỗi ngày.
Hiện tại mô hình này tại Việt Nam đã được áp dụng vào dạy học tại trường mầm non bởi tính ưu việt của nó nhưng chưa nhiều do điều kiện, kinh tế còn hạn hẹp. Để áp dụng hoàn toàn theo phương pháp Montessori nhưTrường Mầm non Montessori Quốc tế MON thì rất hiếm, mới chỉ có một số trường ở các thành phố lớn. Hầu hết các trường mới chỉ áp dụng được phương pháp dạy còn áp dụng đúng theo chuẩn mà Montessori thì còn rất hiếm.
Phương pháp giáo dục Montessori là một phương pháp giáo dục trẻ em duy nhất trên thế giới học tập thông qua các giáo cụ trực quan, với trẻ là trung tâm và giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn.
Được sáng lập bởi nhà giáo, bác sĩ người Ý Maria Montessori (1870-1952), hiện nay khắp nơi trên thế giới đã áp dụng rộng rãi phương pháp Montessori vào chương trình giảng dạy tại các trường học của Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Canada, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand….
Phương pháp này đặc biệt xây dựng nền tảng cơ bản cho một đứa trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Đây là giai đoạn trẻ có sự phát triển về mặt não bộ, khả năng tiếp thu và học hỏi kiến thức mạnh nhất, nhanh nhất so với các giai đoạn về sau của con người. Nếu giai đoạn này bị bỏ lỡ sẽ không có cơ hội lần hai để kích hoạt tối đa tiềm năng não bộ mà trẻ có. Đồng thời, những ưu điểm trong trẻ cũng không thể phát huy trong những giai đoạn về sau.
|