Còn nhiều những bất cập
Chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm, cả nước đã xảy ra nhiều vụ trẻ mầm non bị cô giáo ngược đãi. Tại TP Hồ Chí Minh, cô hiệu trưởng của một trường mầm non tư thục ở quận Bình Thạnh đã dốc ngược đầu và hù dọa vứt một học sinh ra ngoài cửa sổ vì bé này khóc nhiều và lười ăn. Tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, một cô giáo cầm đũa đánh thâm đùi một học sinh 3 tuổi. Thu hút dư luận hơn là sự kiện một trường mầm non tại Hà Nội xin tự giải thể với nguyên nhân hai cô giáo dùng dép đánh vào đầu, dùng đầu gối thúc vào bụng, quát mắng, chửi rủa trẻ. Đáng nói là những vụ việc đau buồn này đa phần xảy ra ở các cơ sở GDMN, các nhóm trẻ ngoài công lập (NCL).
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2015-2016, toàn quốc có 2.053 trường mầm non NCL chiếm tỷ lệ 14,1% và tăng 213 trường so với cùng thời điểm năm học trước. Có 13.255 nhóm trẻ tư thục và 13.038 lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Trả lời phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tiêu cực trong GDMN, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Mầm non, Bộ GD&ĐT, cho biết: Thời gian qua, quy mô, mạng lưới trường lớp mầm non, trong đó có hệ thống các trường mầm non NCL phát triển nhanh trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh những ưu điểm tích cực, hệ thống mầm non NCL vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, nhất là trong công tác quản lý nhóm, lớp tư thục ở một số địa phương. Ông Nguyễn Bá Minh phân tích: Ở các khu vực khu đô thị, đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, số lượng nhóm, lớp tư thục nhiều và thường xuyên biến động, trong khi đó, biên chế phụ trách GDMN của các phòng giáo dục quận, huyện chỉ từ 1-2 người. Vì vậy, cán bộ phụ trách văn hóa, giáo dục của xã, phường phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc nên rất khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non tư thục Ngôi nhà của bé, quận Đống Đa (TP Hà Nội).
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc trẻ mầm non bị ngược đãi, theo ông Nguyễn Bá Minh, đó là chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên và người lao động tại các nhóm, lớp chưa được các chủ lớp quan tâm. Nhất là mức lương còn thấp, không có chế độ nghỉ hè, nghỉ lễ,... như các trường công lập. Thậm chí, có một số trường hợp chủ trường, chủ lớp chỉ hợp đồng làm việc tạm thời từ 2-3 tháng với người trông trẻ, nếu số trẻ giảm sẽ cho nghỉ việc. Do vậy, giáo viên, nhân viên không yên tâm để gắn bó lâu dài với nhóm, lớp, lại càng không có động lực thúc đẩy học tập, bồi dưỡng chuyên môn nâng cao trình độ. Từ đó dẫn đến tình trạng số lượng giáo viên, nhân viên không ổn định, hạn chế về chuyên môn, thiếu kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ, xảy ra một vài vụ việc mất an toàn cho trẻ hoặc vi phạm đạo đức nhà giáo gây bức xúc dư luận xã hội thời gian qua.
Cần sự công bằng giữa trường công và trường tư
Không phủ nhận, trong những thành tựu đã đạt được của GDMN có phần đóng góp quan trọng của các cơ sở GDMN NCL. Quy mô trường, lớp mầm non NCL phát triển nhanh, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập, đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ tới trường. Theo quan điểm của Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII, hiện nay, ở cấp tiểu học và THCS, Nhà nước bảo đảm công bằng về chỗ học cho học sinh. Ở cấp THPT, cao đẳng, đại học, Nhà nước bảo đảm công bằng về cơ hội cho tất cả học sinh qua việc tổ chức các kỳ thi. Còn các trẻ ở lứa tuổi mầm non, Nhà nước chưa đủ cơ sở GDMN công lập, ngoại trừ các trẻ 5 tuổi thuộc cấp phổ cập. Vì vậy, trường hợp các bậc phụ huynh không đủ điều kiện, không may mắn đăng ký được chỗ học cho con mình ở các cơ sở GDMN công lập, họ không còn cách nào khác phải gửi con em mình ở các cơ sở GDMN NCL.
Trong khi các trường công lập nhận được nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đến học phí... thì các trường ngoài công lập phải một mình "đứng mũi chịu sào" mà không nhận được bất kỳ sự ưu ái nào. Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi cho rằng, những hiện tượng trẻ bị ngược đãi tại các cơ sở GDMN NCL thời gian qua phần nào cho thấy những khiếm khuyết trong chính sách, tức là Nhà nước chưa tạo ra sự công bằng giữa các trường công lập và NCL. "Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ đến chuyện tạo ra một cơ chế cho việc hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho cả các trẻ mầm non NCL, tạo điều kiện cho các cơ sở NCL phát triển. Cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm với các cơ sở được cấp phép, quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp khi người dân và báo chí phát hiện sai phạm thì cơ quan quản lý mới biết. Chỉ khi các cơ sở GDMN NCL bảo đảm về chất lượng giáo dục thì quyền lợi mới đến được với các học sinh"-Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
"Để giải quyết những khó khăn bất cập trong công tác quản lý cơ sở GDMN NCL, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các tỉnh, thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục rà soát các văn bản hiện hành để sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn; chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở GDMN NCL, đặc biệt là công tác quản lý cấp phép thành lập bảo đảm đúng quy định"-ông Nguyễn Bá Minh thông tin.