Được coi là giai đoạn nền móng cho khả năng học tập, phát triển thể chất sau này cho thấy trẻ trong độ tuổi mầm non (MN) cần có cơ hội được tiếp cận với sách báo, tranh ảnh, đồ chơi để trẻ hình thành kỹ năng biết tìm đúng sách, kể chuyện theo nội dung hoặc cảm nhận, sáng tạo theo suy nghĩ của mình.
Tăng khả năng sẵn sàng đi học
Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, ông Jesper Moller cho biết: Những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng trong việc tạo nền tảng cho việc phát triển trí tuệ, nhân cách, hành vi xã hội và khả năng học hỏi khi trưởng thành. Cũng theo ông Jesper Moller, đầu tư và phát triển tuổi thơ mà một trong những đầu tư hiệu quả nhất với chi phí thấp để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Các can thiệp sớm cho những trẻ bị thiệt thòi sẽ giúp các em đạt được nhiều thành công hơn khi các em vào tiểu học, giúp cải thiện sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện. Những trẻ này khi trưởng thành sẽ có nhiều cơ hội có việc làm, có thu nhập cao, khỏe mạnh hơn và ít bị phụ thuộc vào phúc lợi xã hội.
Để trẻ tự tin, năng động và ham học hỏi ngay từ khi còn nhỏ, ngoài việc được chăm sóc, giáo dục tại trường MN, trẻ độ tuổi này cũng cần có không gian để tìm tòi, rèn luyện các kỹ năng cũng như thể hiện sáng tạo, suy nghĩ của bản thân. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, thư viện thân thiện cho trẻ MN chính là cái nôi, là nơi khởi đầu cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Đây là lý do UNICEF, Bộ GD&ĐT và Samsung Engineering cùng thí điểm xây dựng hai thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng cho trẻ tại Đông Anh (Hà Nội).
Trong không gian ấm cúng, đậm nét trẻ thơ luôn chào đón các em tới thư giãn, đọc, mượn sách và tạp chí, chơi trò chơi giúp tăng cường kỹ năng ngôn ngữ, sự phát triển đa dạng, đồng bộ của trẻ. Ngoài các loại sách báo tạp chí cho trẻ em và phụ huynh, thư viện còn có đồ chơi và các trang thiết bị phục vụ học tập khác như các phầm mềm cơ bản, máy tính, các thiết bị nghe nhìn.
Hiệu trưởng Trường MN Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) Hoàng Thị Chung cho biết: Thư viện rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng thói quen đọc, khả năng tra cứu của trẻ và thúc đẩy sự sẵn sàng học tập cũng như sự chuyển tiếp từ mầm non sang cấp tiểu học. Giáo viên, phụ huynh học sinh cũng có thể tra cứu nhiều tài liệu về nuôi dạy trẻ tại thư viện hoặc cùng chơi - sáng tạo với con.
Cùng chăm sóc trẻ
Theo Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh, thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng là một mô hình phòng chức năng ở bậc học MN. Tính "thân thiện" đảm bảo thư viện là nơi gần gũi, phù hợp và hấp dẫn với trẻ, nơi trẻ được chào đón đến để thư giãn, vui chơi, trải nghiệm với sách, tranh ảnh và các phương tiện thông tin khác qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ, góp phần vào việc chăm sóc trẻ toàn diện. Tính "cộng đồng" được thể hiện ở việc thu hút giáo viên, phụ huynh, các tổ chức chính trị xã hội vào quá trình đề xuất, thiết kế, xây dựng, quản lý và khai thác thư viện.
Là người được thụ hưởng lợi ích của thư viện đem lại, anh Nguyễn Đức Thụ, phụ huynh HS Trường MN Đông Hội chia sẻ: Chúng tôi có thêm một nơi để đọc sách, đọc các tài liệu và cùng trao đổi những kinh nghiệm nuôi dạy con. "Chúng tôi sẽ phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn các con kỹ năng xem tranh, đọc sách, vẽ tranh hay tạo ra những cuốn sách bằng chính sản phẩn của con em mình", anh Thụ trao đổi. Cô Hoàng Thị Thu Hiền, GV lớp 5 tuổi (Trường MN Đông Hội) tâm sự: Mặc dù chương trình học đã có góc hoạt động nhưng các em vẫn háo hức được xuống thư viện bởi nguồn tài liệu dồi dào, môi trường thân thiện. Lúc này, giáo viên và học sinh trở thành người bạn cùng chơi, cùng tra cứu và hướng dẫn nhau tham gia trò chơi.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Kế Khiêm, qua thời gian triển khai và hoạt động thử nghiệm, thư viện đã thu hút được sự tham gia cũng như góp sức của đội ngũ giáo viên, phụ huynh cũng như cộng đồng. Có thể nói, hoạt động của thư viện đã góp phần thay đổi nhận thức của giáo viên, phụ huynh trong việc giáo dục con trẻ. Ông Khiêm mong muốn phụ huynh và giáo viên cùng chung tay xây dựng cho thư viện cộng đồng ngày một phát triển. Với những trường chưa có thư viện, ông Khiêm đề nghị lãnh đạo nhà trường tham mưu với xã, Phòng GD để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Hiệu quả của thư viện trong việc giáo dục trẻ, nâng cao nhận thức của phụ huynh, cộng đồng đã rõ. Nhưng hiện chưa có quy định xây dựng phòng đọc sách hay thư viện trong trường MN nên mỗi nơi một kiểu, thiếu đồng bộ. Phần lớn trường có phòng đọc sách hay thư viện cho trẻ là trường tư thục, có cơ sở vật chất rộng rãi. Còn lại đa số các trường MN công lập đều chưa xây dựng được hệ thống này. Mà có xây dựng cũng chưa có người phụ trách. Theo Hiệu trưởng Trường MN Đông Hội Hoàng Thị Chung, người trông coi thư viện nhà trường hiện đang kiêm nhiệm nên nhiều khi phải nhờ người khác giúp. Điều này cho thấy, đã đến lúc cần nhân rộng mô hình thư viện trong trường MN, phân công người chuyên trách, như vậy thư viện mới phát huy được hết tác dụng của mình trong việc giáo dục, hình thành kỹ năng đọc sách cho trẻ.
- Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, trung bình 1 năm, mỗi người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách. Trong khi đó, ở Pháp, trung bình mỗi người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm.
- Có thể nói, văn hóa đọc ở Việt Nam lâu nay chưa được chú trọng. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do đại đa số người dân (ở mọi lứa tuổi) không có thói quen đọc sách, văn hóa nghe - nhìn "lấn át" văn hóa đọc nhờ sự tiện lợi, dễ tiếp cận nhưng đôi khi mang lại hệ quả nếu không biết sàng lọc thông tin. Vì vậy, phát triển văn hóa đọc là việc làm hết sức cần thiết và cần được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả.