Vấn đề cấp bách
ThS Nguyễn Thị Dư, khoa GD Tiểu học - Mầm non, Trường CĐSP Bắc Ninh cho biết: Đạo đức nghề nghiệp là phẩm chất quan trọng hàng đầu đối với giáo viên. Nó là nền tảng, động lực thôi thúc tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết để mỗi nhà giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của mình, xứng danh với nghề cao quý trong xã hội.
Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại hạn chế trong giao tiếp ứng xử của giáo viên mầm non với trẻ do kỹ năng giao tiếp ứng xử của giáo viên chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, như nhận thức, quan điểm giáo dục, tính chất công việc và mối quan hệ trong công việc…
Hiện nay, một số hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo được đăng tải trên mạng xã hội. Vẫn còn một số giáo viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa hết lòng với học sinh; một số giáo viên trẻ, kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm còn hạn chế, tạo thành những ấn tượng không tốt, không đẹp về hình ảnh người GV, ảnh hưởng đến danh dự nhà giáo và uy tín của ngành Giáo dục mầm non.
Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa đạo đức trong giao tiếp ứng xử của giáo viên với trẻ ở trường mầm non là một vấn đề cấp bách nên thực hiện ngay.
Ảnh minh họa
Tiếp xúc với trẻ bằng xúc cảm chân thực
Theo ThS Nguyễn Thị Dư, với giáo viên mầm non, trong quá trình dạy trẻ, cần tạo bầu không khí vui vẻ, thân thiện, cởi mở trong suốt quá trình chăm sóc và giáo dục ở trường mầm non, tạo bầu không khí ấm cúng như trong gia đình.
Mỗi giáo viên cần phát huy vai trò yêu nghề, mến trẻ, coi trẻ như con của mình, thực hiện nghiêm túc các hoạt động. Khi đến trường, cô luôn niềm nở, ân cần, chăm sóc chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ, tạo mọi cơ hội cho trẻ được học tập, vui chơi, khám phá, trải nghiệm, phát huy khả năng cá nhân, tôn trọng lắng nghe và giải đáp các thắc mắc của trẻ, đặc biệt quan tâm đến trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật học hòa nhập. Cô luôn tạo cho trẻ bầu không khí ấm áp, gần gũi, yêu thương, mẫu mực về lời ăn tiếng nói; từng cử chỉ, hành động thực sự là tấm gương sáng cho trẻ học tập và noi theo.
Để làm tốt điều đó, theo ThS Nguyễn Thị Dư, mỗi GV không ngừng bồi dưỡng phẩm chất và tình cảm nghề nghiệp, luôn ý thức về hoạt động nghề, dành mọi suy nghĩ, hành động ưu ái cho trẻ, bảo đảm cho trẻ phát triển tối đa những tiềm năng vốn có theo khoa học, theo mục tiêu đào tạo của ngành.
Giáo viên lấy xúc cảm chân thực của chính mình khi tiếp xúc với trẻ nhưng thiên về tình thương, nhẹ nhàng mà vui tươi, phù hợp với tâm sinh lí của trẻ, gieo vào lòng trẻ những sắc thái cảm xúc tích cực của con người. Thực hành, rèn luyện cách sử dụng giọng nói, nét mặt, thể hiện hành vi, cử chỉ… sao cho đảm bảo tính mô phạm và thực sự hiệu quả theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
Nâng cao đạo đức nhà giáo
Trong chăm sóc, giáo dục trẻ, cô giáo phải yêu thương trẻ như con, khéo léo và thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của trẻ, được ăn, được vui chơi học tập. Điều đó đòi hỏi sự tận tụy dịu dàng, nhạy cảm và tinh tế trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Đồng thời cần chú ý đáp ứng đúng lúc, kịp thời những nhu cầu cơ bản của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách thuận lợi.
|
Đặc biệt, trước mỗi tình huống, giáo viên cần bình tĩnh không nên vội vàng, nóng nảy, thiếukiềm chế. Giáo viên nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến những biểu hiện hành vi bất thường của trẻ để có hướng giải quyết linh hoạt, hợp lí nhất, không nên cứng nhắc vì mỗi trẻ là một cá thể riêng biệt, một tính cách và sở thích khác nhau. Các cô cần hiểu trẻ và tạo nhiều cơ hội để trẻ được thể hiện trong các tình huống khác nhau.
Cần ứng xử công bằng, không phân biệt, so sánh trẻ này với trẻ khác. Dành tình yêu và sự quan tâm với tất cả các con như nhau, không được quá quan tâm đến một trẻ nào đó. Do đó, giáo viên cần phải vừa quan tâm đến cả lớp vừa phải quan tâm đến từng trẻ bằng việc tạo ra một bầu không khí thân thiện, cởi mở trong suốt quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ.
|