Trước hành động xâm lược và gây hấn của thực dân Pháp, ngày 18/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp và nhận định: Việc mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp đã chuyển sang một bước mới. Thời kỳ hòa hoãn đã qua, khả năng hòa bình không còn nữa. Chúng ta đã nhân nhượng để giữ hòa bình, nhưng càng nhân nhượng thì kẻ địch càng lấn tới. Nhân dân ta không thể trở lại cuộc đời nô lệ. Cuộc kháng chiến sẽ lâu dài và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.
Trên cơ sở nhận định đó, hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên quy mô cả nước, cứu Tổ quốc lâm nguy và vạch ra những vấn đề cơ bản trong đường lối kháng chiến và quyết định đánh trước để giành thế chủ động. Chiều 19/12/1946, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Chỉ huy quân đội ta chính thức phát lệnh cho các chiến trường nổ súng đồng loạt vào 20 giờ ngày 19/12/1946: “Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Chỉ huy, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội vệ quốc đoàn, dân quân tự vệ Trung, Nam, Bắc phải nhất tề đứng dậy xông tới giết giặc cứu nước”.
Tối 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào!
Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông hay đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm. Không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!
Giờ cứu nước đã đến, ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”.
Lời kêu gọi của Bác Hồ vang vọng núi sông, thôi thúc đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, đảng phái, lực lượng vũ trang cả nước đứng lên quyết tâm chống giặc cứu nước.
Ngay sau đó, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” nói rõ đường lối kháng chiến của Đảng ta, nhân dân ta là: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính để đánh đuổi thực dân Pháp, bảo vệ quyền dân tộc và thống nhất Tổ quốc, tạo niềm tin tưởng nhất định thắng lợi cuối cùng sẽ về ta.
Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Bác, cả dân tộc ta siết chặt đội ngũ, mài sắc ý chí, đứng lên chiến đấu với tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tổ quốc độc lập tự do.
Ngay trong đêm 19/12/1946, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. 20 giờ 3 phút ngày 19/12/1946, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ thực hiện hiệu lệnh được giao là phá máy, tắt đèn; đây là hiệu lệnh nổ súng tấn công, các vị trí của địch đồng loạt bị bắn phá. Pháo binh ta từ Đài Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo, Đào Xuyên bắn vào các vị trí của quân Pháp đóng trong thành phố. Lực lượng tự vệ chặt cây, cho nổ mìn ngả cột điện, đánh đổ một số toa xe lửa, xe điện; nhân dân khuân giường, tủ, bàn, ghế... lập các chiến lũy trên đường chặn các mũi tiến công của địch. Công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, học sinh, sinh viên hăng hái gia nhập tự vệ chiến đấu và tự vệ thành. Chị em phụ nữ xung phong làm nhiệm vụ cứu thương. Các đoàn thể tham gia vào các ban tiếp tế. Nông dân các huyện ngoại thành ngày đêm lên trận địa Cửa Ô cùng vệ quốc quân và tự vệ củng cố chiến hào...
Cùng với Hà Nội, quân và dân ta trên khắp miền Bắc, miền Trung đã đồng loạt tiến công quân xâm lược Pháp.
Ở Nam bộ, do đứng lên kháng chiến chống Pháp từ ngày 23/9/1945, nên khi “Toàn quốc kháng chiến” bùng nổ thì quân và dân Nam bộ nói chung và Rạch Giá, Hà Tiên nói riêng đã trong tư thế sẵn sàng, tiếp tục cùng cả nước hòa nhịp kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thắng lợi vẻ vang.