Thông tin tại hội nghị “Đánh giá thực hiện chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 – 2020”, ông Phạm Xuân Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho rằng, chương trình SHĐ đã có nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, ghi nhận của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong 24 đề án SHĐ đã triển khai trên cả nước, SHĐ Hà Nội là đề án lớn nhất về quy mô và giá trị. Với số điểm trường lớn trên địa bàn rộng và số trẻ hơn 1 triệu.
Theo Sở GD&ĐT TP, dù đã nhận được những kết quả khả quan nhưng tỷ lệ trẻ, học sinh tham gia ở các trường ngoài công lập chưa cao và chưa đồng đều giữa các quận, huyện. Hiện có 102.000 trẻ mầm non, học sinh tiểu học trong diện tham gia chương trình nhưng chưa góp mặt. Sơ bộ đánh giá nguyên nhân, một số gia đình còn e ngại về chất lượng sữa cũng như chưa đảm bảo điều kiện kinh tế.
Chia sẻ về chương trình SHĐ, bà Đỗ Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng trường Mầm non Tây Mỗ A, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, nhà trường có 903 trẻ, giai đoạn đầu, trường nhận được nhiều ý kiến phản hồi không tích cực từ phụ huynh, một số phụ huynh gia đình có điều kiện cho rằng, sữa trong nước không có chất lượng bằng sữa nước ngoài, hoặc cho rằng, sữa này không bán được ở thị trường nên đưa vào sữa học đường. Do vậy, thời gian đầu chỉ hơn 47% phụ huynh ủng hộ.
Sau đó, nhà trường tổ chức nhiều chương trình lồng ghép việc tuyên truyền lợi ích của việc cho trẻ uống sữa nhằm cải thiện trí tuệ, dinh dưỡng, sự ủng hộ của phụ huynh đạt gần 100%.
Bà Tâm cho rằng, với kết quả đạt được, cần tiếp tục triển khai đề án SHĐ trong những năm tiếp theo và cần có chế độ đãi ngộ với lực lượng trực tiếp triển khai đề án để động viên kịp thời.
Căn cứ nguyện vọng phụ huynh để tiếp tục Sữa học đường 2020 - 2025
Ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho rằng, chương trình SHĐ mang đầy tính nhân văn. Với kết quả khả quan cho thấy, đã có sự vào cuộc, ủng hộ của đông đảo cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, theo ông Chử Xuân Dũng, có những trường thông tin chưa rõ, chưa đầy đủ tới cha mẹ học sinh. Có cha mẹ không nắm được thông tin của chương trình SHĐ. Điều đó cho thấy, công tác truyền thông tại một số trường chưa nghiêm túc. Do vậy, đề nghị các phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương cần vào cuộc đầy đủ hơn.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần phối hợp nhịp nhàng hơn, từ việc cung cấp sữa đến việc bảo quản hoặc phương pháp tổ chức uống sữa, như uống sữa vào giờ nào, cách nào sao cho phù hợp, hiệu quả cao nhất.
Ông Chử Xuân Dũng cho biết, ngành GD&ĐT đã lấy ý kiến và căn cứ nguyện vọng của phụ huynh học sinh cùng các nhà trường để đề xuất UBND Thành phố xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2020 - 2025.