I/ BẠO LỰC TRẺ EM
1. Thế nào là bạo hành?
Là hành động và lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn… bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
2. Bạo lực xuất phát từ đâu?
Nguyên nhân đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày như: Tranh chấp nhau đồ đạc, nói xấu nhau, tung ảnh của nhau trên mạng xã hội, hiểu nhầm nhau, đọc trộm tin nhắn của nhau cũng dẫn tới bạo lực...
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn xuất phát từ những bất ổn tâm lí trong gia đình. Một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau thậm chí chúng thường xuyên bị đánh đập cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực.
Trong thời đại cách mạng 4.0, các em bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực từ mạng xã hội. Mạng xã hội vô tình đã định hướng ngôn ngữ và hành vi của bản thân các em.
3. Bạo lực đối với trẻ em là các hành vi sau:
- Lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em.
- Đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt làm những việc trái đạo đức xã hội.
- Cưỡng ép lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm.
4. Hậu quả của hành vi bạo lực:
- Về thể chất: Đau đớn, thương tích, ảnh hưởng xấu đến phát triển cơ thể.
- Về trí tuệ: Học hành giảm sút, chậm phát triển trí tuệ.
- Về hành vi: Thụ động, ngại giao tiếp, rối loạn hành vi, hung hăng, cư xử bạo lực với người khác
- Về tâm lý: Mặc cảm, tự ti, mất lòng tin, thờ ơ, né tránh, gây rối nhiễu tâm lý.
5. Một số biện pháp giúp các em tránh nguy cơ bị bạo lực học đường:
- Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.
- Chấp hành tốt nội quy trường lớp.
- Tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực.
- Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.
- Học cách kiềm chế cảm xúc.
- Tích cực tham gia các hoạt động mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính hướng thiện.
II/ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
Việt Nam là quốc gia sớm nhất tại khu vực châu Á đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, thông qua ngày 20/11/1989, có hiệu lực ngày 02/9/1990 và các nghị định thư về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em. Như vậy có nghĩa là Việt Nam đã thừa nhận rất nhiều nghĩa vụ và trách nhiệm về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE); bảo vệ trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bóc lột tình dục, bị mua bán hoặc bị sử dụng vào mục đích khiêu dâm theo quy định của luật pháp quốc tế.
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm XHTDTE có diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm XHTDTE không chỉ diễn ra ở nơi công cộng mà còn diễn ra trong gia đình, nơi được coi là tổ ấm của các em. Tội phạm XHTDTE để lại những hậu quả, tổn hại lâu dài, khó khắc phục cho chính các em và cộng đồng.
Đứng trước thực tế đó, Cục Cảnh sát hình sự (thuộc Bộ Công an) và Tổ chức UNODC (Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc) đã biên soạn tài liệu “Lực lượng cảnh sát với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em – Nhận thức và ứng phó”. Trong tài liệu này, một phần quan trọng là hướng dẫn trẻ em về kỹ năng phòng chống hành vi xâm hại tình dục, cụ thể như sau:
- Kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mìn
Một là, nhận biết và tìm cách di chuyển khỏi nơi có không gian vắng vẻ, biệt lập khi chỉ có mình với người khác giới. Những nơi đó có thể hiểu là trong một căn nhà, căn phòng vắng, biệt lập; trong cầu thang máy của chung cư cao tầng; ở nơi cách đồng, nương rẫy vắng, cánh rừng vắng, trên một quả đồi vắng,…mà xét thấy khó có thể kêu gọi sự trợ giúp của người khác.
Hai là, có thái độ cương quyết trước hành vi, lời nói sàm sỡ, tán tỉnh, gạ gẫm, cử chỉ đụng chạm. Có thể nhìn thẳng vào mặt đối tượng và nói to: “Bác/chú/anh…dừng lại. có camera kia kìa”…Tìm cách thoát khỏi hoặc la hét hoặc kêu gọi sự chú ý, giúp đỡ của người khác nếu sau khi có thái độ, lời nói cương quyết mà thấy đối tượng vẫn có thể tấn công tình dục, quấy rối tình dục…Nếu trong thang máy mà bị đối tượng có ý định tấn công cũng hét to “có camera kìa” mặc dù mình không biết có hay không, hoặc nhấn vào nút chuông khẩn cấp để được bên ngoài trợ giúp, “làm nguội” dục vọng và cường độ tấn công của đối tượng.
Ba là, tự mình phòng ngừa, giúp bạn bè cùng phòng ngừa, cảnh giác, cân nhắc trước hiện tượng “lòng tốt” của người khác mà chưa rõ nguyên nhân (tặng quà, rủ đi ăn, đi hát, đi chơi, mời lên xe để chở về nhà, chở đến trường,…)
Bốn là, biết phân biệt cử chỉ thân mật, đúng mực với cử chỉ sàm sỡ, quấy rối hoặc lợi dụng để xâm hại, quấy rối tình dục,…
- Kỹ năng nhận biết nguy cơ
Nguy cơ (báo động) từ cái nhìn: Đối tượng nhìn chằm chằm vào mình, rồi nhìn dáo dác xung quanh xem có ai để ý không, di chuyển khoảng cách đến gần, nhìn vào vùng nhạy cảm,..v.v…
Nguy cơ (báo động) từ lời nói: Buông lời ngọt nhạt, lả lơi, ỡm ờ kiểu thăm dò, nói về vùng kín, phim ảnh tình dục,…
Nguy cơ (báo động) từ sự đụng chạm: Vuốt tóc, xoa má, xoa và bóp vùng gáy, vùng vai hoặc tỏ ra vô tình đụng chạm vào các phần nhạy cảm (như ngực, bụng, đùi, vùng kín, mông,…)
Nguy cơ (báo động) từ sự bắt cóc, cưỡng ép: Đưa đến nơi hoang vắng như bãi đất trống, nghĩa địa, nhà bỏ hoang,…
Nguy cơ (báo động) từ cái ôm: Ôm lâu, ôm ghì, vừa ôm vừa sờ soạng,…
- Những điều trẻ em cần biết
Không dễ dãi kết bạn, làm quen với người lạ, người mới quen chưa rõ nhân thân lai lịch, người quen trên mạng; không dễ nhận quà, nhận lời mời của những người này. Chia sẻ, tham vấn với bạn bè, người thân trước các hiện tượng lạ, các hành vi làm mình khó chịu,..
Không may nếu trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục (hoặc biết người khác như bạn bè bị xâm hại) thì nhanh chóng, mạnh dạn tố giác, tố cáo hoặc nhờ sự trợ giúp của người thân, nhà trường, tổ chức đoàn thể. Không chấp nhận sự dàn xếp, thương lượng, xử lý nội bộ với đối tượng xâm hại tình dục.
Giữ lại và giao các đồ vật, tài liệu liên quan đến việc bị xâm hại cho cơ quan chức năng (như quần áo, quà tặng, dữ liệu điện tử,…)
Luôn nhớ rằng khi bị xâm hại thì các em là nạn nhân của tội phạm, các em không phải là nguồn cơn của tội lỗi hay phải chịu trách nhiệm cho hành vi của kẻ xâm hại. Các cơ quan, tổ chức luôn đứng về phía các em, có trách nhiệm bảo vệ, bảo mật các thông tin liên quan đến nhân thân và sự việc của các em.
Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các cán bộ đoàn thể,…nên nghiên cứu, phổ biến các kiến thức, kỹ năng kể trên rộng rãi đến con em trong gia đình, học sinh trong nhà trường và trẻ em địa phương để các em có thêm nền tảng tự bảo vệ chính mình trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.
III. Quy định của pháp luật về hành vi xâm hại tình dục trẻ em
Trẻ em là các đối tượng dưới 16 tuổi được pháp luật bảo vệ về quyền trẻ em, được bảo vệ bởi gia đình và Nhà trường bởi đây là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và nhận thức. Trong xã hội ngày càng hiện đại, với sự bùng nổ của mạng xã hội như facebook, zalo, tinder, trẻ em đang bị ảnh hưởng gián tiếp qua những trang mạng xã hội này và rất nhiều tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tất cả các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
+ Hành vi hiếp dâm người dưới 16 tuổi bị xử phạt tại Điều 142 bị phạt tù thấp nhất là 07 năm, mức phạt tù cao nhất là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
+ Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 144 với mức phạt tù thấp nhất là 05 năm, mức phạt tù cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
+ Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 145 thì áp dụng mức phạt tù thấp nhất là 01 năm, mức phạt tù cao nhất là 15 năm.
+ Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi Điều 146 với mức phạt tù thấp nhất là 06 tháng, mức phạt tù cao nhất là 12 năm.
Ngoài ra, người nào phạm 1 trong các tội danh trên còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Với 4 tội danh như trên, căn cứ theo mức độ tính chất của hành vi, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và áp dụng đúng hình phạt đúng tội.
Hãy nhớ rằng em không phải là người có lỗi khi bị xâm hại tình dục.
Hãy nhớ rằng em có quyền được bảo vệ và có quyền được giúp đỡ để được an toàn.
Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em số 25/2004/QH11
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em: 111