Xây kế hoạch từ đầu năm học
Giải pháp đầu tiên được cô Nguyễn Thị Hương Thủy đưa ra là phải xây dựng kế hoạch về vấn đề này ngay từ đầu năm học và triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong nhà trường. Tổ chức sơ kết, tổng kết mỗi học kỳ và cuối năm học theo yêu cầu chung.
Việc xây dựng kế hoạch phải phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường. Từ đó, thành lập Ban chỉ đạo trong nhà trường và triển khai thực hiện kế hoạch nghiêm túc. Có tổng kết và đánh giá việc thực hiện kế hoạch trong ban chỉ đạo và công khai lấy ý kiến đóng góp của tập thể hội đồng sư phạm, hội cha mẹ và các nhà lãnh đạo trong việc bổ sung giải pháp để kế hoạch khả thi hơn.
Cán bộ, giáo viên phải nắm vững những vấn đề về phòng chống TNTT
Giải pháp 2, theo cô Nguyễn Thị Hương Thủy, là bồi dưỡng chuyên môn, các văn bản, quy phạm của pháp luật về phòng chống TNTT.
Muốn áp dụng giải pháp này thành công và có sức lan tỏa, đòi hỏi CBQL giáo dục giúp giáo viên hiểu được tầm quan trọng, nắm rõ kiến thức, kỹ năng thực hành phòng chống TNTT theo nội dung các văn bản qui phạm pháp luật, làm cơ sở để đánh giá trình độ hiểu biết của giáo viên. Từ hiểu biết phòng chống TNTT nhân rộng ra các giáo viên khác. Trao đổi sự hiểu biết của mình về phòng chống TNTT giúp phụ huynh hiểu biết kiến thức, qui định của pháp luật để phòng chống TNTT cho trẻ ở gia đình.
Phối hợp với các tổ chức xã hội ở địa phương cùng tìm hiểu kiến thức về phòng chống TNTT, hiểu rõ trách nhiệm của mình trước pháp luật trong hoạt động bảo vệ an toàn tính mạng cho trẻ.
"Muốn thực hiện tốt một nội dung, mục tiêu hay nhiệm vụ gì trước hết đòi hỏi mỗi chúng ta phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo của cấp trên đồng thời xây dựng cho bản thân một qui tắc làm việc đó là:
Không chỉ đạo và làm việc bằng kinh nghiệm chủ quan của cá nhân mà phải tìm hiểu, nắm bắt nội dung hướng dẫn của các tài liệu, các văn bản qui phạm pháp luật từ đó có chương trình hoạt động cụ thể phù hợp với thực tế của nhà trường, địa phương để tránh sai sót, hạn chế" - cô Nguyễn Thị Hương Thủy cho hay.
|
HS Trường mầm non 2 - TP Đà Lạt biểu diễn trong Hội thi Bé hát dân ca |
Đặc biệt chú ý đến điều kiện tiên quyết - cơ sở vật chất
Cô Nguyễn Thị Hương Thủy cho rằng, mọi TNTT xảy ra đối với trẻ đều có nguyên nhân. Nhà quản lý phải nhìn được nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đồ dùng đồ chơi là nguyên nhân trực tiếp khách quan tác động đến an toàn tính mạng trẻ trong cả một ngày hoạt động ở trường. Trong điều kiện của nhà trường có thể khắc phục được nguyên nhân này thì giải pháp này là cấp bách nhất.
Mọi kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành phòng chống TNTT cho trẻ dù có tốt đến đâu nhưng điều kiện CSVC yếu kém thì tai nạn của trẻ vẫn xảy ra ngoài tầm kiểm soát. Vậy CSVC là điều kiện tiên quyết để đảm bảo an toàn phòng chống TNTT cho trẻ.
Sau khi xây dựng kế hoạch phòng chống TNTT cho trẻ, cần khảo sát nắm bắt các nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp có thể gây nên TNTT cho trẻ trong nhà trường; thanh lí ngay các trang thiết bị hoạt động ngoài trời cũ quá thời hạn sử dụng; quy hoạch góc cây cảnh, sân thể dục, vườn rau sao cho trẻ có thể tự phòng chống TNTT ngay trong lúc tham gia các hoạt động ngoài trời cùng người lớn.
Đối với các đồ dùng đồ chơi phục vụ các hoạt động trong lớp, phải kiểm tra độ an toàn và đề xuất với hiệu trưởng làm kệ có lắp bánh xe di chuyển dễ, nhẹ nhàng kệ không quá cao, không quá nặng so với cơ thể trẻ. Sắp xếp khoa học những đồ chơi để vừa tầm tay của trẻ.
Những đồ chơi thiếu an toàn phải để xa tầm với như hột, hạt để xâu chuỗi trẻ có thể ngậm, nghịch bỏ vào lỗ tai bạn, bỏ vào lỗ mũi…, cô phải bao quát và giáo dục trẻ các kĩ năng chơi an toàn cho mình và cho bạn mọi lúc mọi nơi.
Những đồ dùng phòng ăn, ngủ, phòng vệ sinh phải phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, không nên dùng các đồ dùng dễ vỡ như sành, sứ, thủy tinh tất cả mọi đồ dùng phải nhựa cứng, dẻo hóa, gỗ hóa để đảm bảo an toàn cho trẻ. Nhất là cửa kính phải thay bằng nhựa cứng, bình hoa nên sử dụng xốp hoặc gỗ. Vào mùa mưa cần cẩn trọng kiểm tra các cây xanh cao, giàn đựng bình nước sao cho an toàn với trẻ.
Cần kiểm tra các đường dây điện, ổ cắm điện cao xa tầm tay trẻ và phải dán nilon với ổ cắm thấp không thể di dời. Trong các phòng âm nhạc mĩ thuật chú ý các hộp màu nước cọ vẽ trẻ có thể hay nhầm lẫn các loại nước phòng chống ngộ độc cho các trẻ nhỏ.
Nền nhà phải đảm bảo khô, nên dùng gạch nhám không nên dùng gạch quá sáng, quá trơn để phòng chống té trượt khi trẻ vận động. Các hành lang đều có rào chắn, tay nắm và lan can cao 1m4 để đảm bảo an toàn cho trẻ khi chơi. Giáo viên giáo dục trẻ không leo trèo lên cầu thang hay lan can gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ, thường xuyên nhắc nhở trẻ không thò tay vào ổ cắm điện trong lớp học.
Nắm rõ nguy cơ gây ra tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ và cách phòng tránh
Theo cô Nguyễn Thị Hương Thủy, trẻ cần được trang bị các kĩ năng sống tối thiểu như cách nhận biết người lạ mặt, cách nói lời từ chối, la hét lớn kêu cứu để trẻ không bị bắt cóc, bị lừa mang đi bán...; cách thuyết phục người khác để mình không bị bạo lực.
Khi vui chơi vận động trong gia đình khu chung cư cao tầng lan can có cửa sổ mình phải biết sợ nguy hiểm có thể chết người nếu mình thích leo trèo nhìn qua cửa sổ.... Khi đi lại trong công viên, đi qua cầu, cống, kênh mương lúc đi bộ lúc chạy nhảy mạnh không làm chủ tốc độ nếu vấp ngã có thể xẩy ra tai nạn. Khi vui chơi với các đồ chơi ngoài trời xích đu cầu trượt, bập bênh, leo trèo vận động trên ghế thể dục... nếu không có các kĩ năng vận động phù hợp chính xác sẽ có thể gây ra TNTT. Tất cả các kĩ năng cần dạy cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.
Cần giáo dục trẻ những kiến thức cơ bản, giúp trẻ hiểu, có ý thức, hành vi tránh các nguy cơ xảy ra TNTT. Thông qua hoạt động giáo dục và hoạt động vui chơi, các hội thi lồng ghép kiến thức phòng chống TNTT giúp trẻ có các kỹ năng thực hành tự bảo vệ an toàn cho mình.
Giải pháp về tuyên truyền
Giải pháp cuối cùng được cô Nguyễn Thị Hương Thủy nhấn mạnh là tuyên truyền, phối kết hợp với phụ huynh và các tổ chức cộng đồng, xây dựng bản cam kết trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối mọi lúc mọi nơi, tạo thành “tam giác vàng gia đình - nhà trường - cộng đồng” bảo vệ bình yên cho trẻ.
Nhà trường chỉ đạo cho giáo viên tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng chống TNTT cho phụ huynh thông qua các buổi họp phụ huynh. Phối hợp cùng phụ huynh tổ chức làm đồ dùng dạy học, đồ chơi, vật trang trí để làm lớp đẹp, hấp dẫn...
Giáo viên trực tiếp hướng dẫn, giúp cho cha mẹ trẻ nắm được từng nội dung kế hoạch của nhà trường, lớp về trường học an toàn, phòng chống TNTT để ở nhà phụ huynh giúp trẻ duy trì thói quen đó. Đồng thời, trong từng lần họp với phụ huynh, nhà trường còn đưa ra các chỉ tiêu dứt điểm từng đợt thi đua.
Từ đó, giáo viên có trách nhiệm vận động phụ huynh đi họp đông đủ, đúng thành phần. Sau mỗi lần họp phụ huynh nhà trường đều tổ chức đánh giá tuyên dương các lớp có số lượng phụ huynh đi dự họp đông đủ, đúng đối tượng.
Cô Thủy cho rằng, công tác tuyên truyền phòng chống TNTT với phụ huynh là việc vừa dễ lại vừa khó. Dễ vì đây là công việc hàng ngày của giáo viên, khó ở đây là giáo viên phải có những lời nói thuyết phục, biết chọn lọc những nội dung tuyên truyền thiết thực, thu hút được phụ huynh để phụ huynh dễ hiểu và dễ thực hiện.
Đặc biệt, không thể chỉ tuyên truyền một chiều mà là kết quả tuyên truyền được thể hiện rõ rệt trở thành hành động của bậc làm cha, làm mẹ, của những người thân xung quanh trẻ, thể hiện sự hiểu biết của mình bằng sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương trẻ từng giờ, từng hoạt động, diễn ra hằng ngày những lúc trẻ trở về nhà bên người thân.
Mọi tuyên truyền bằng lý thuyết sẽ trở nên vô nghĩa khi nhà giáo dục không có giải pháp để kiểm tra mức độ hiểu biết của phụ huynh, cách thể hiện trách nhiệm của mình đối với con trẻ khi sống chung dưới một mái nhà.