Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus, song đa số trẻ nhiễm virus này thường tự ổn định sau 7 - 10 ngày.
Chưa có thuốc đặc trị
Bác sĩ Mai Thị Nhung - Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, Adenovirus lây nhiễm chủ yếu thông qua giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Hoặc, qua niêm mạc khi bơi lội hay dùng chung vật dụng với người bệnh.
Các biểu hiện như sốt, ho, viêm họng, viêm kết mạc, tiêu chảy sẽ khác nhau, tùy vào tuýp huyết thanh. Ổ chứa Adenovirus là người. Bệnh nhân là nguồn truyền nhiễm trong suốt thời kỳ mắc bệnh.
Thông thường, nhiễm Adenovirus ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Song, Adenovirus có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, cha mẹ phải theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của trẻ. Ngay khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cần đưa bé tới cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Nhung, khi trẻ mắc Adenovirus, cha mẹ cần đảm bảo thân nhiệt cho con. Trẻ thường sốt cao 39 - 40 độ C. Do đó, trẻ nên được đưa thân nhiệt về bình thường bằng các biện pháp như: Nằm nơi thoáng mát, nới rộng quần áo; chườm ấm: Trán, hai bên hố nách và bẹn.
Đồng thời, cho trẻ dùng hạ sốt khi nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 38,5 độ C bằng các thuốc như Efferalgan, Hapacol. Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
Phụ huynh cũng cần đảm bảo về đường thở cho trẻ. Các triệu chứng về hô hấp thường liên quan tới ho nhiều và xuất tiết đờm dãi. Vì vậy, trẻ cần được thông thoáng đường thở bằng các biện pháp như: Nằm phòng thoáng mát, thường xuyên vệ sinh mũi họng.
Cha mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ. Đồng thời, cho trẻ súc họng hằng ngày. Vỗ rung long đờm khi tăng tiết và thực hiện các hướng dẫn hỗ trợ khác như hút rửa mũi, hút đờm rãi, hay khí dung.
Một yếu tố quan trọng khác là đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ nhằm tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Phụ huynh cũng cần đảm bảo vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh đúng cách.
Thường xuyên vệ sinh mũi họng, có thể sử dụng nước muối sinh lý làm sạch mũi cho trẻ mỗi ngày. Nếu có viêm kết mạc mắt thì nhỏ nước muối nhiều lần trong ngày. Hướng dẫn trẻ và người chăm sóc rửa tay đúng cách.
Hướng dẫn trẻ cách ho và hắt hơi vào khăn tay hoặc khăn giấy. Không ho và hắt hơi vào tay. Vệ sinh sạch các bề mặt sử dụng chung (như mặt bàn, tay nắm cửa và đồ chơi…) sạch sẽ. “Tránh để trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh.
Nếu trường học có trẻ bị nhiễm Adenovirus, hãy đảm bảo bé được cách ly và bảo vệ tuyệt đối đến khi các triệu chứng bệnh biến mất. Không đưa trẻ đến những nơi công cộng đang có dịch bệnh như bệnh viện, trường học, nhà trẻ…
Trường hợp bắt buộc, hãy đeo khẩu trang đầy đủ. Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia”, chuyên gia khuyến cáo.
Nhóm trẻ nguy cơ cao
Bác sĩ Phan Thị Thu Minh - Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, các tổn thương do Adenovirus thường gặp nhất là: Viêm đường hô hấp trên; Viêm đường hô hấp dưới; Viêm não màng não; Viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ); Viêm bàng quang. Các bệnh lý đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy…
Nhiễm trùng Adenovirus có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt, trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi có nguy cơ nhiều hơn bởi sức đề kháng kém. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mẹ nên cho trẻ bú sớm ngay sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời và kéo dài đến khi trẻ được 2 tuổi.
Theo bác sĩ Minh, virus Adeno có khả năng lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù hiếm gặp, nhưng trẻ bị viêm phổi do Adenovirus có thể phát triển thành bệnh phổi mạn tính. Trong khi đó, trẻ nhỏ có vấn đề ở hệ thống miễn dịch có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn khi nhiễm Adenovirus.
Một biến chứng khác là lồng ruột. Đây là bệnh lý nghiêm trọng ở đường ruột gồm ruột non và ruột già. Trong đó một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới gây tắc nghẽn sự lưu thông của đường ruột.
Khi đoạn ruột phía trên chui vào kéo theo các mạch máu, khiến các mạch máu bị thắt nghẹt gây tổn thương đoạn ruột bên dưới và chảy máu. Bệnh diễn biến nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử dẫn đến thủng ruột, gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng trẻ.
Bác sĩ Thu Minh cho biết, để chẩn đoán Adenovirus ở trẻ em, đầu tiên bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng dựa vào các triệu chứng trẻ mắc phải. Đối với trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus, bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu, chụp X-quang tim phổi và xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh bằng kỹ thuật Realtime-PCR.
“Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu Adenovirus. Trẻ bị nhiễm Adenovirus sẽ được cách ly ở phòng bệnh riêng. Điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao sức đề kháng của cơ thể và bổ sung vitamin C.
Nếu điều trị đúng cách, trẻ có thể khỏi bệnh sau một vài ngày. Tuy nhiên, đối với những trẻ gặp vấn đề nhiễm trùng như viêm phổi, viêm kết mạc mắt… thì có thể kéo dài 1 tuần hoặc hơn”, chuyên gia cho biết.