Trong những ngày và vài tuần gần đây, dịch đậu mùa khỉ bùng phát ngày càng lan rộng và đáng lo ngại. Các con số mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa số ca được xác nhận vào khoảng 5.189 trường hợp ở Mỹ và hơn 22.000 trên toàn cầu, khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Trong những ca nhiễm mới nhất ở đất nước này, có hai ca mắc là bệnh nhân nhỏ tuổi, gây lo lắng cho các bậc cha mẹ trong việc bảo vệ con trước nguy cơ nhiễm bệnh.
Bệnh đậu mùa khỉ lây sang trẻ em
Aniruddha Hazra – bác sĩ bệnh truyền nhiễm và trợ lý giáo sư y khoa tại Đại học Chicago cho biết: “Trong số 15.000 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ đã được báo cáo cho WHO, khoảng dưới 75 trường hợp đã xảy ra ở trẻ em. Có thể thấy, trẻ em không phải đối tượng chính của căn bệnh này nhưng vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh". Hai trường hợp trẻ em nhiễm bệnh gần đây nhất ở Mỹ đều do lây truyền trong gia đình. Theo CDC Mỹ, có nhiều cách khiến căn bệnh này lây nhiễm, chẳng hạn như ôm ấp, sử dụng chung các vật dụng sinh hoạt trong gia đình hoặc vô tình chạm vào quần áo, khăn trải giường của người bệnh. Phần lớn các ca lây nhiễm là do tiếp xúc trực tiếp với người đang bị phát ban.
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Theo CDC Mỹ , trẻ em dưới 8 tuổi có nhiều nguy cơ bị các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh đậu mùa khỉ hơn, mặc dù các triệu chứng bệnh đậu mùa ở khỉ trong đợt bùng phát này là nhẹ. Triệu chứng đặc biệt nhất là phát ban giống mụn nhọt, kèm theo các triệu chứng khác bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ và đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức. Theo CDC Mỹ, virus cũng có thể gây ra các triệu chứng về đường hô hấp như đau họng, nghẹt mũi hoặc ho. Cũng như các bệnh khác, trẻ sơ sinh, hoặc trẻ nhỏ trong những tuần đầu tiên của cuộc đời, rất dễ bị tổn thương do hệ miễn dịch của chúng yếu hơn.
Vắc xin và điều trị
Hiện tại, hai đứa trẻ bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ vẫn khỏe mạnh và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus có tên TPOXX. Mặc dù không có phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh đậu mùa khỉ, nhưng TPOXX là một phương pháp đã được nghiên cứu và cho là an toàn để sử dụng.
Nên và không nên làm gì nếu nghi ngờ con mắc bệnh đậu mùa khỉ?
Nếu con bạn xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ là bệnh đậu mùa khỉ hoặc đã tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đậu mùa khỉ, thì cách tốt nhất là gọi cho bác sĩ để có phương án điều trị kịp thời. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cập nhật thông tin về bệnh đậu mùa khỉ một cách nhanh chóng, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và tránh tiếp xúc với người khác khi không cần thiết.
Điều cha mẹ không nên làm nếu nghi ngờ con mắc bệnh đậu mùa khỉ là hoảng sợ. Tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Chính vì vậy cần tìm hiểu đúng và đủ về tình trạng cũng như triệu chứng bệnh để có phương án xử lý thỏa đáng nhất.