Vụ ngộ độc thực phẩm tại Phú Thọ và thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm
Theo báo cáo của Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Phú Thọ, sau bữa ăn chiều ngày 16/11 tại Trường Mầm non Hương Lung (huyện Cẩm Khê), có 145/478 cháu có biểu hiện nôn, buồn nôn, một số sốt nhẹ, nghi ngờ do ngộ độc thực phẩm. Các cháu đã được gia đình đưa đến cơ sở y tế, trong đó 118 cháu được đưa đến Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê thăm khám, một số khác được chăm sóc tại trạm y tế xã.
Sau khi được các bác sĩ thăm khám, có 68 trẻ được chỉ định nhập viện điều trị. Đến ngày 17/11, hầu hết trẻ đã bình phục trở lại và đều được xuất viện.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân chính khiến 145 trẻ em ở Trường mầm non xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ bị ngộ độc thực phẩm vào chiều ngày 16/11 là do các em ăn bánh dày nhiễm tụ cầu.
Bà Nông Thị Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay sau khi sự việc xảy ra, Chi cục đã gửi 11 mẫu yêu cầu kiểm nghiệm gửi Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, trong đó có 3 mẫu bánh dày, 3 mẫu rau canh cải, 3 mẫu thịt lợn xay với lạc rang và 2 mẫu chất nôn.
Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã thực hiện kiểm nghiệm các chỉ tiêu: Độc tố tụ cầu, E.Coli, S.aureus. Trong đó, phát hiện trong 3 mẫu bánh dày có nhiễm tụ cầu vàng; trong 3 mẫu canh rau cải có 2 mẫu nhiễm E.Coli.
Vụ việc 145 trẻ mầm non bị ngộ độc sau khi ăn tại trường học ở Phú Thọ có thể coi là một trong những vụ ngộ độc có số người lớn nhất cả nước, tuy hậu quả không quá nguy hiểm, nhưng vụ ngộ độc một lần nữa báo động về chất lượng bữa ăn cho trẻ tại các trường học.
Chí tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.592 người mắc, 1.483 người đi viện và 16 trường hợp tử vong. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) ngày 11/7.
Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã kiểm tra tại 443.178 cơ sở về an toàn thực phẩm, phát hiện 81.115 cơ sở vi phạm, chiếm 21,6%. Đã có 7.546 cơ sở bị xử lý. Cùng với áp dụng hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: 299 cơ sở bị đình chỉ hoạt động; 303 loại thực phẩm bị đình chỉ lưu hành; 659 cơ sở có nhãn phải khắc phục; 3.749 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 4.175 loại thực phẩm bị tiêu hủy do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Những con số biết nói trên là hồi chuông báo động tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm thường bị đau quặn bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Ảnh: KT
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm xảy ra khi trẻ ăn phải những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn hay độc tố của vi khuẩn. Nếu không được quan tâm đúng và xử trí thích hợp, ngộ độc thực phẩm có thể khiến trẻ bị rối loạn điện giải, hạ đường huyết, sốt, thậm chí co giật...
Khi bị ngộ độc thực phẩm, trẻ thường nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Các triệu chứng này xuất hiện sau khi ăn thức ăn bị nhiễm độc từ 1 giờ đến 3 ngày. Trẻ có thể nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày. Đau bụng dữ dội, quặn từng cơn, sau đó tiêu chảy, triệu chứng đau quặn bụng thường xảy ra trước khi đi ngoài. Tùy theo tác nhân gây ngộ độc mà triệu chứng nôn mửa nổi bật hay tiêu chảy nhiều hơn.
Thông thường, trẻ bị nôn nhiều và đau bụng nếu căn nguyên do độc tố. Còn do vi khuẩn, triệu chứng tiêu chảy sẽ nổi bật hơn. Nôn, tiêu chảy nhiều thường dẫn đến rối loạn nước và điện giải, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Sốt, đi ngoài phân nhày máu là dấu hiệu nhiễm khuẩn gây tổn thương ruột. Ngoài ra, trẻ bị ngộ độc thực phẩm có thể biểu hiện nhiễm trùng toàn thân gây nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não...
Cách chăm sóc trẻ bị ngộ độc thực phẩm
Chăm sóc tại nhà tốt sẽ làm giảm tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng cho trẻ. Khi trẻ bị nôn, nếu trẻ đang nằm, nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc. Bù lượng nước, chất điện giải bị mất qua chất nôn tiêu chảy cùng với những thay đổi thích hợp trong chế độ ăn sẽ làm giảm các triệu chứng và thúc đẩy sự hồi phục của trẻ.
Tích cực bù lượng nước, dịch đã mất cho trẻ bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, tích cực cho ăn, sử dụng các chế phẩm để bù nước và điện giải có sẵn như dung dịch oresol (ORS), viên hydrite. Lưu ý sử dụng loại oresol có nồng độ thẩm thấu thấp để hạn chế thời gian tiêu chảy ở trẻ. Cho trẻ uống từng ngụm nhỏ, nếu trẻ bị nôn ngay sau khi uống, cho trẻ tạm nghỉ trong 5-10 phút.
Tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, không cho trẻ ăn kiêng. Trẻ lớn cho ăn cháo, cơm, súp nghiền để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động lại bình thường. Trẻ đang còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, tăng lượng sữa so với trước khi trẻ ốm. Thông thường, trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại sau 24 giờ.
Trẻ bị ngộ độc thực phẩm cần được theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ có thêm dấu hiệu khác như sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Cách tốt nhất để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm là phải bảo đảm thức ăn an toàn và hợp vệ sinh. Chọn thức ăn chế biến an toàn, tránh những thức ăn ô nhiễm. Nấu chín thức ăn. Bảo quản thức ăn đã nấu cẩn thận, tốt nhất là giữ thức ăn lạnh, nhưng không nên để quá 2 giờ. Hâm nóng lại thức ăn trước khi sử dụng để tiêu diệt các vi khuẩn mới nhiễm. Tạo thói quen cho trẻ và người chăm sóc trẻ rửa trước khi ăn. Nếu gia đình bạn đi du lịch, trẻ cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm do các loại món ăn lạ, bạn nên chuẩn bị sẵn vài gói oresol để kịp thời bù nước cho trẻ khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm.
Theo Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai: Khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm, cha mẹ tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy. Tiêu chảy do nguyên nhân ngộ độc thực phẩm, không quen thức ăn hoặc ăn cùng một lúc những món kỵ nhau… không cần vội uống thuốc ngay, chỉ cần nguồn thức ăn này được tống hết ra ngoài là bệnh sẽ khỏi. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm đi ngoài càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng vô cùng khó chịu. Mọi thuốc cầm tiêu chảy phải có chỉ định của bác sĩ, nếu không, có thể làm cho tình trạng ngộ độc nặng thêm.