Bên cạnh Covid-19, các bệnh truyền nhiễm khác phổ biến ở trẻ là tay chân miệng, sốt xuất huyết. Theo các chuyên gia, khi trẻ quay lại trường học, tỷ lệ mắc bệnh có thể còn cao hơn.
Nguy cơ hiện hữu
Cùng với dịch Covid-19, các bệnh viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa… vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, trẻ em là nhóm có nguy cơ cao nhiễm các bệnh về đường hô hấp do hệ miễn dịch còn non nớt. Bên cạnh đó, việc trẻ tiếp xúc với môi trường đông người cũng sẽ tăng tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, khi trẻ đi học tập trung trở lại, nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn khi ở cùng gia đình. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Thị Mai Trinh - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, đơn vị này ghi nhận nhiều trẻ mắc các bệnh theo mùa, liên quan đến dịch như tay chân miệng, sốt xuất huyết, hoặc đường hô hấp.
Ngoài ra, khi trẻ đi học, thường phải sinh hoạt tập trung ở môi trường đông đúc có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. Một trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ tạo thành các ổ dịch nhỏ.
“Hiện, các mặt bệnh nổi trội chủ yếu là truyền nhiễm, tay chân miệng, sốt xuất huyết. Khi trẻ quay lại trường học, tỷ lệ mắc bệnh có thể còn cao hơn. Khoa Nhi cũng tiếp nhận nhiều trường hợp viêm phổi và viêm màng não”, bác sĩ Mai Trinh chia sẻ.
Trong khi đó, TS.BS Nguyễn An Nghĩa - Phó khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, những mặt bệnh thường gặp ở trẻ suốt năm là viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy... Tuy nhiên, bệnh truyền nhiễm có đỉnh dịch, chu kỳ theo năm. Khoảng 2 tháng gần đây, bệnh viện tiếp nhận số ca mắc tay chân miệng tăng. Số ca sốt xuất huyết cũng tăng và có diễn tiến nặng hơn những năm trước.
Về bệnh truyền nhiễm liên quan đường hô hấp, theo TS Nghĩa, khi trẻ nghỉ hè, số mắc có thể ít gặp hơn. Một số bệnh có thể kể đến như: Sởi, cúm, thuỷ đậu, viêm phổi, viêm phế cầu. Một phần nguyên nhân là do trong thời gian đại dịch bùng phát, trẻ chủ yếu ở nhà.
Tuy nhiên, hiện, trẻ bắt đầu trở lại trường. TS Nghĩa nhận định, trong vài tháng tới, bệnh truyền nhiễm có thể tăng khi trẻ tới trường. Đặc biệt, trẻ tiếp xúc nhiều người khiến nguy cơ càng hiện hữu. Bên cạnh đó, tay chân miệng cũng có thể có đỉnh dịch vào cuối năm.
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải - Phó Giám đốc, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, ở nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên lưu hành. Theo chuyên gia này, trong giai đoạn chuyển mùa và sắp tựu trường, nguy cơ mắc các bệnh hô hấp ở trẻ tiếp tục tăng.
“Khi trẻ đi học tập trung trở lại, đặc biệt là các em nhỏ ở dưới 5 tuổi thường sinh hoạt tập trung ở môi trường có sử dụng điều hòa, điều kiện không khí sẽ kém hơn so với không khí tự nhiên. Hơn nữa, trong môi trường này, khi một trẻ mắc bệnh sẽ có nguy cơ lây cho các trẻ khác nhanh hơn”, TS Hải cho biết.
TS Hải lưu ý, các triệu chứng xuất hiện sau giai đoạn giảm sốt, như trẻ bỗng dưng sốt lại, kèm theo mệt mỏi, ăn kém… là dấu hiệu mà chúng ta phải nghĩ rằng liệu có phải bội nhiễm do vi khuẩn sau khi nhiễm virus hay không. Từ đó, đưa trẻ đến viện khám.
“Báo động đỏ”
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng là mối lo của nhiều phụ huynh trong bối cảnh trẻ tới trường. Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, virus SARS-CoV-2 có nhiều biến chủng và ngày càng lây nhanh. Không chỉ trẻ em, mà ai cũng có thể mắc Covid-19.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Chính, đến nay, giá trị của vắc-xin vẫn còn nguyên. Bởi, vắc-xin vẫn góp phần bảo vệ khỏi trường hợp bệnh nặng và nguy hiểm. Vắc-xin có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện, tử vong, cũng như ít triệu chứng hơn.
Theo bác sĩ Chính, sự gia tăng của Covid-19 trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm như cúm, viêm não, viêm màng não… vào mùa là “báo động đỏ” với sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, hiện, các căn bệnh nguy hiểm này đã có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đặc biệt là phòng cúm mùa và viêm màng não do não mô cầu trước khi trẻ quay lại trường học.
“Khi Nhà nước đang đẩy mạnh tiêm phòng, chúng ta nên tuân thủ. Trẻ trong nhóm được khuyến cáo chủng ngừa nên tiêm vắc-xin Covid-19. Nguy hiểm của SARS-CoV-2 là hậu Covid, có thể xảy ra sau 2 - 6 tuần mắc bệnh. Hậu Covid sẽ làm tình trạng bệnh lý của trẻ (béo phì, hen suyễn...) trở nên nguy hiểm”, bác sĩ Chính cảnh báo.
Trong khi đó, theo bác sĩ Mai Trinh, trẻ nên tiêm vắc-xin để có miễn dịch phòng ngừa, được bảo vệ khỏi các bệnh. Để tăng sức đề kháng hạn chế viêm phổi ở trẻ, bên cạnh vắc-xin là một công cụ hữu hiệu nhất, cha mẹ có thể phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng. Phụ huynh cần cho trẻ ăn đủ các chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tập luyện môn thể thao vừa sức theo tuổi.