1.Nguyên nhân trẻ hay mắc bệnh hô hấp khi giao mùa Thu - Đông?
Hệ miễn dịch của trẻ con non yếu, trẻ khó thích nghi với biến đối của môi trường là lý do trẻ dễ nhiễm bệnh khi giao mùa. So với người lớn, trẻ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Mặc dù trẻ sơ sinh nhận được các kháng thể miễn dịch từ sữa mẹ nhưng lượng kháng thể này sẽ giảm đi nhanh chóng khi trẻ qua 6 tháng hoặc bắt đầu ăn dặm. Trẻ nhỏ có lượng tế bào miễn dịch, kháng thể dịch thể thấp hơn người lớn, khả năng hoạt động cũng kém hơn, chưa quen và chưa đủ khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Trẻ nhỏ có thể mắc 4-6 lần cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trong năm. Đối với trẻ sức đề kháng kém số lần nhiễm trùng đường hô hấp trong năm lên tới 8 - 12 lần, tập trung vào các thời điểm giao mùa.
Trong khi hệ miễn dịch của trẻ còn yếu thì thời tiết giao mùa lại tạo điều kiện cho nhiều loại virus và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trẻ dễ dàng bị vi trùng xâm nhập vào đường hô hấp vì đây là cơ quan “cửa ngõ” tiếp xúc với không khí bên ngoài thường xuyên. Trẻ có thể bị bệnh hô hấp từ nhẹ đến nặng như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi, họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi nếu không được phòng tránh bệnh kịp thời.
2.Các dịch bệnh mùa Thu – Đông hay gặp
2.1.Bệnh viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp: đường hô hấp trên như mũi, xoang, hầu-họng, thanh quản và đường hô hấp dưới như khí quản, phế quản, tiểu phế quản, các phế nang.
Biểu hiện viêm đường hô hấp trên thể cấp tính sẽ khiến người bệnh sốt cao, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, niêm mạc họng đỏ. Nếu không được điều trị dứt điểm, viêm đường hô hấp trên thể cấp tính có thể tiến triển thành mạn tính.
Viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản khiến bệnh nhân ho nhiều, có thể có đờm, khò khè, khó thở …Bệnh nếu không được điều trị đúng phác đồ rất khó khỏi hẳn và dễ bị tái phát Trẻ có thể bị viêm khí quản, tiểu phế quản, viêm phổi và khi mắc bệnh thường diễn tiến nặng.
2.2.Bệnh Tay Chân Miệng
Bệnh Tay Chân Miệng (TCM) khởi phát với triệu chứng ban đầu là sốt nhẹ đến cao, đau họng, chảy nước bọt, một số trường hợp có thể kèm nôn và tiêu chảy. Triệu chứng đặc trưng của bệnh tay chân miệng là những bọng nước ở niêm mạc má, lợi, lưỡi tiến triển nhanh thành các vết loét khiến người bệnh cảm thấy đau rát. Ngoài những vết loét ở miệng, người bệnh còn có thể phát ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối và mông. Bệnh TCM có thể dẫn đến các biến chứng thần kinh, hô hấp, tuần hoàn.
Hiện nay bệnh TCM vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất Việt Nam, thường gia tăng vào mùa tựu trường và thời điểm giao mùa hàng năm.
2.3.Sốt xuất huyết (SXH)
Thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường tạo điều kiện lý tưởng để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Theo diễn biến chu kỳ dịch hàng năm, Sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới và có thể đạt đỉnh điểm vào khoảng tháng 10, tháng 11.
Vào thời điểm có dịch sốt xuất huyết, những người có bệnh nền (Tăng Huyết áp, Đái tháo đường, Bệnh Phổi mạn tính…) cần lưu ý đề phòng nguy cơ bệnh chồng thêm bệnh. Ví dụ, có một số trường hợp người cao tuổi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết như sốt cao, mệt mỏi, đau người, buồn nôn,… thường lầm tưởng do bệnh cũ tái phát mà chủ quan không đi khám và điều trị. Đến khi bệnh trở nặng, công tác điều trị sẽ trở nên vô cùng khó khăn, nguy cơ xuất hiện biến chứng và tử vong là rất cao. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, diệt muỗi, bọ gậy, đi khám kịp thời khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ SXH là việc mà mỗi người dân cần nghiêm túc thực hiện.
2.4.Viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản (VNNB) là căn bệnh có nguy cơ mắc ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm vắc xin. Đặc biệt gặp phổ biến ở trẻ dưới 15 tuổi, chiếm hơn 90% số ca mắc. Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân VNNB nhập viện tử vong và khoảng một nửa số trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Biểu hiện của VNNB là sốt cao kèm theo các dấu hiệu thần kinh như nhức đầu, buồn nôn và nôn. Trẻ co giật, mê sảng, vật vã hoặc li bì, rối loạn thần kinh thực vật biểu hiện da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh.
Virus lây qua đường máu, trung gian truyền bệnh chủ yếu là muỗi Culex. Ở nước ta, loại muỗi này sinh sản mạnh vào mùa hè, đỉnh điểm là từ tháng 3 đến tháng 7.
Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản cần:
- Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:
+ Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi
+ Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
+ Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
- Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi.
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
- Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
3.Chủ động phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa
Điều quan trọng để phòng bệnh cho trẻ là các bậc cha mẹ giữ vệ sinh cho trẻ, dù mùa lạnh, trẻ nên được tắm rửa bằng nước ấm thường xuyên để loại trừ các tác nhân gây dị ứng hoặc nguồn bệnh do cầm nắm đồ chơi bẩn hay do tiếp xúc với các nguồn lây bệnh khác.
Khi trẻ mắc cảm, cúm, viêm đường hô hấp, cha mẹ tuyệt đối tránh tự ý dùng kháng sinh không tuân theo chỉ định của bác sĩ, sử dụng không đúng hướng dẫn sử dụng của thuốc, tự ý đổi loại kháng sinh hoặc tự ý tăng liều sử dụng. Những sai lầm này có thể khiến vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc và sẽ rất khó khăn để điều trị các nhiễm trùng cho trẻ lần sau. Thay vì phải sử dụng kháng sinh quá nhiều cho trẻ, khiến sức khỏe của trẻ ngày càng yếu đi, cha mẹ nên tăng sức đề kháng để tăng khả năng chống chọi lại bệnh hô hấp giao mùa cho trẻ.
Trong những phương pháp phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa, cân bằng dinh dưỡng, vận động thường xuyên và tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch là 3 phương pháp phòng bệnh đặc biệt quan trọng mà người dân cần lưu tâm.
3.1. Cân bằng dinh dưỡng
Cân bằng dinh dưỡng chính là ‘’chìa khóa’’ giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cơ thể chống lại những các dịch bệnh mùa thu đông. Một chế độ ăn được xem là cân bằng dinh dưỡng khi cân đối được 4 yếu tố:
- Cân đối về lipid (giữa lipid động vật và lipid thực vật);
- Cân đối về vitamin và chất khoáng;
- Cân đối 3 chất sinh năng lượng trong chế độ ăn (protein, lipid, carbohydrate);
- Cân đối về protein (giữa đạm động vật và đạm thực vật).
Ngoài ra, một bữa ăn hay dinh dưỡng cần sự hài hòa giữa các nhóm chất và thực phẩm, kết hợp lựa chọn thực phẩm an toàn kể cả thực phẩm tươi sống và thực phẩm công nghiệp. Một số lưu ý khi lựa chọn thực phẩm công nghiệp có thể kể đến như:
- Cần chọn thực phẩm công nghiệp có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;
- Chọn thực phẩm có công bố chất lượng đầy đủ;
- Đọc kỹ thông tin về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm trên bao bì;
- Chọn bao bì thể hiện rõ thông tin thành phần, nguyên liệu và hạn sử dụng;
- Không nên tích trữ nhiều thực phẩm, để hương vị thực phẩm luôn tươi mới.
Nên bổ sung những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như ổi, cam, quýt,… để tăng sức đề kháng, phục hồi khả năng các tế bào bị tổn thương, ngăn ngừa cảm cúm. Bên cạnh đó, chất kẽm còn là khắc tinh của virus. Ăn các loại cá, thịt nạc, lòng đỏ trứng,… sẽ hỗ trợ tăng sức đề kháng.
3.2. Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch
Đến nay, đã có gần 30 căn bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh, 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Nhờ có vắc xin, 2,5 triệu trẻ không bị chết do bệnh truyền nhiễm hàng năm.Tiêm phòng vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh truyền nhiễm.