Sai lầm thường gặp là cho trẻ mắc sốt xuất huyết sử dụng Ibuprofen, trong trường hợp không đáp ứng với Acetaminophen (Paracetamol).
Việc sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần Ibuprofen trong bệnh sốt xuất huyết như một con dao hai lưỡi. Người bệnh sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, chảy máu khó cầm.
72% trẻ tử vong do sốt xuất huyết thừa cân
Tại hội nghị trực tuyến tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến nay của cả nước là 136.075. Trong đó, có 45 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 3,2 lần, tử vong tăng 31 trường hợp.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết tại Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn. Ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết, các đơn vị đã tiến hành phân tích 18 trường hợp trẻ tử vong do sốt xuất huyết. Nhờ đó, nhận định các đặc điểm, đưa ra giải pháp để giảm tử vong. Kết quả cho thấy, 72,2% ca tử vong là trẻ thừa cân béo phì.
Tỉ lệ nam/nữ tử vong là 11/7 (nam tử vong chiếm nhiều hơn nữ) và trẻ trên 6 tuổi chiếm 77,8%. Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%; chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.
Không nên kiêng nước và gió
Chia sẻ về sốt xuất huyết ở trẻ em, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, phụ huynh thường nghĩ trẻ mắc sốt xuất huyết hết sốt là đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Khác với nhiễm siêu vi thông thường, trẻ thường có biểu hiện sốt không quá 7 ngày. Sau khi hết sốt, trẻ sẽ dần khỏe lại.
Sốt xuất huyết do virus Dengue có thể gây triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, triệu chứng sốt sẽ giảm dần vào khoảng ngày thứ 4. Thay vì dần hồi phục, trẻ có nguy cơ bước vào giai đoạn nặng của bệnh.
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ bệnh diễn tiến nặng nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy, khi có biểu hiện sốt liên tục trên 2 ngày, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để thăm khám, xét nghiệm, tránh bỏ sót bệnh.
Một sai lầm thường gặp khác là cho trẻ sử dụng Ibuprofen nếu không đáp ứng với Acetaminophen (Paracetamol). “Việc sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần Ibuprofen trong bệnh sốt xuất huyết như một con dao hai lưỡi. Người bệnh sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, chảy máu khó cầm.
Vì vậy, không khuyến cáo sử dụng để hạ sốt trong bệnh sốt xuất huyết. An toàn nhất và được khuyến cáo sử dụng để điều trị triệu chứng sốt trong bệnh sốt xuất huyết vẫn là nhóm thuốc Paracetamol - thành phần của Hapacol”, chuyên gia giải thích.
Theo bác sĩ Tưởng, khi mắc bệnh, cơ thể trẻ sẽ suy yếu hơn. Vì vậy, để có đề kháng khỏe mạnh, cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn uống. Lựa chọn những loại thực phẩm dễ hấp thu và dung nạp.
Tránh ăn thực phẩm có quá nhiều dầu mỡ. Bởi, những thực phẩm đó sẽ dễ dẫn đến cảm giác buồn nôn. Đồng thời, hạn chế các thực phẩm nước uống có màu nâu đỏ. Bởi, khi trẻ nôn sẽ có màu nâu đỏ, dễ nhầm lẫn là trẻ ói ra máu - một triệu chứng cảnh báo nặng của bệnh.
“Cố gắng cho trẻ uống nhiều nước. Nếu được, có thể sử dụng các loại dung dịch điện giải đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc bù nước và điện giải như Oresol 245, Hydrite… Ngoài ra, vẫn tắm rửa vệ sinh cá nhân một cách bình thường, không cần kiêng nước, kiêng gió như chúng ta thường nghĩ”, bác sĩ Tưởng khuyến cáo.
Nguy cơ bỏ sót bệnh
Nhiều người cho rằng, chỉ cần khu vực sinh sống không có ao tù nước đọng là sẽ không có trung gian muỗi truyền bệnh. Song, theo chuyên gia này, ở thành thị, trung gian muỗi Aedes vẫn có thể tồn tại và sinh sản tại những khu vực như bể cá cảnh, vũng nước đọng, các vật dụng đã được đưa ra làm rác thải nhưng đọng lại nước sau những cơn mưa.
Bên cạnh đó, khi các xét nghiệm tìm sốt xuất huyết âm tính, vẫn chưa thể loại trừ bệnh sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Tưởng, hiện nay, những xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết bao gồm NS1Ag.
Đây là xét nghiệm nhanh kháng nguyên NS1, có giá trị trong giai đoạn từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh. Độ nhạy giảm dần khi thực hiện xét nghiệm này ở những ngày sau đó. Bên cạnh đó, xét nghiệm ELISA tìm kháng thể IgM, IgG sẽ có giá trị từ ngày thứ 5 của bệnh.
Ngoài ra, chúng ta còn có xét nghiệm PCR phân lập virus trong bệnh phẩm máu được lấy trong giai đoạn người bệnh có triệu chứng sốt. Tuy nhiên, xét nghiệm này khá chuyên sâu và sẽ chỉ thực hiện được ở một số cơ sở y tế có điều kiện.
“Việc lựa chọn xét nghiệm gì và tại thời điểm nào là vô cùng cần thiết. Kết quả sẽ âm tính giả nếu chúng ta lựa chọn xét nghiệm sai thời điểm. Hơn nữa, những thông tin mới cho rằng, tỷ lệ nhiễm tuýp huyết thanh DEN-2 trong thời gian gần đây đang chiếm ưu thế. Đối với tuýp huyết thanh này, xét nghiệm NS1Ag có tỷ lệ âm tính khá cao. Điều này khiến chúng ta có nguy cơ bỏ sót bệnh”, chuyên gia cảnh báo.