Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố.
- Xin ông cho biết, công tác kiểm soát, quản lý an toàn thực phẩm tại các trường học trên địa bàn thành phố thời gian qua được triển khai như thế nào?
- Hiện tại, Hà Nội đang quản lý hơn 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có hơn 1.600 trường học có bếp ăn bán trú. Trong những năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm các bếp ăn tập thể tại trường học đã được chú trọng, quan tâm đặc biệt.
Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông, phân phối thực phẩm và việc bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản, chế biến tại các bếp ăn tập thể, nhất là đối với trường học. Hầu hết các bếp ăn tập thể trong trường học đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm như: Thủ tục pháp lý, cơ sở vật chất, dụng cụ chứa đựng, thực hành vệ sinh của người trực tiếp chế biến thức ăn, thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định… Tuy nhiên, đâu đó vẫn có nơi, có chỗ, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học chưa chặt chẽ, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn lỏng lẻo.
- Để phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, các trường học có bếp ăn bán trú cần bảo đảm những yêu cầu gì, thưa ông?
- Nhằm phòng ngừa và hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, đối với các trường học có bếp ăn bán trú, ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm ngay từ đầu vào. Các nhà trường phải bảo đảm có đủ nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm và phải ký hợp đồng mua thịt, cá, rau, sữa, đậu... của những cơ sở đáng tin cậy, biết rõ nguồn gốc, địa chỉ nơi cung cấp thực phẩm. Đặc biệt, các loại thực phẩm như: Thịt lợn, thịt gà… phải tuân thủ việc kiểm tra thú y; tuyệt đối không dùng các loại phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất ngọt tổng hợp không có trong danh mục được Bộ Y tế cho phép vào chế biến, nấu nướng.
Hằng ngày, các nhà trường phải lưu mẫu thức ăn sau khi chế biến xong, dụng cụ lưu mẫu thức ăn phải có nắp đậy kín. Thời gian lưu mẫu bảo đảm 24 giờ đối với mỗi loại thức ăn và mỗi bữa ăn. Hằng năm, các nhà trường phải liên hệ với cơ quan chức năng để tổ chức tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho những nhân viên trực tiếp tham gia vào bếp ăn bán trú.
- Trước thềm năm học mới, công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các trường học tiếp tục được siết chặt và tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm gì?
- Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm đầu vào, chỉ hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự giám sát. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở giáo dục. Khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm và công khai danh tính đơn vị sai phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Để chuẩn bị cho năm học mới, nhiều quận, huyện, thị xã đã tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn kỹ năng bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của trường học. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được trang bị những kiến thức về thực trạng và giải pháp cho công tác an toàn thực phẩm, cách nhận biết thực phẩm tươi sống, cách phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm…
- Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, theo ông, việc kiểm tra, giám sát bếp ăn trường học có cần phụ huynh học sinh tham gia?
- Không đơn vị nào giám sát an toàn thực phẩm tại trường học tốt hơn là chính nhà trường và phụ huynh. Trong năm học 2019-2020, các trường phải tăng cường vai trò giám sát của phụ huynh, thường xuyên tạo điều kiện, phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh thực hiện kiểm tra chất lượng bữa ăn trường học. Về phía phụ huynh cũng cần chủ động yêu cầu tham gia hoạt động này để kịp thời phát hiện những nghi ngờ liên quan đến thực phẩm trong trường học. Sở Y tế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bếp ăn trường học. Việc thanh tra, kiểm tra sẽ có sự phối hợp với Ban đại diện phụ huynh học sinh các nhà trường. Nếu phát hiện chất lượng bữa ăn không bảo đảm, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước phụ huynh và cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trường học.
Với quyết tâm, nỗ lực của lực lượng chức năng, ý thức về an toàn thực phẩm của các nhà trường ngày càng được nâng cao và cùng với sự chung tay của phụ huynh, hy vọng chất lượng an toàn thực phẩm bữa ăn học đường sẽ tiếp tục được nâng lên.
- Trân trọng cảm ơn ông!