Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 3 tuần liên tiếp (từ ngày 16/2 đến 8/3), trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận 3-6 ca ho gà/tuần. Từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố đã có 15 trường hợp mắc ho gà, trong khi cả năm 2023 chỉ có 1 ca và năm 2022 không có ca bệnh.
Điển hình như ca mắc ho gà của bé trai 6 tuần tuổi (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng). Sau hơn 10 ngày phát các triệu chứng như: Ho, sốt…, bệnh nhi có kết quả xét nghiệm dương tính với ho gà. Ca mắc này chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Hay trường hợp bé gái 4 tháng tuổi (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng mới tiêm 1 mũi vaccine "6 trong 1" (phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib). Bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và kết quả dương tính với ho gà.
Bên cạnh đó, trong tuần qua (từ ngày 1 đến 8/3), Hà Nội cũng ghi nhận 32 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 5 ca so với tuần trước), trong đó huyện Mê Linh có nhiều ca bệnh nhất với 15 ca, tiếp đến huyện Chương Mỹ có 8 ca. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố có 179 trường hợp mắc thủy đậu, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng theo quy luật, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm sẽ ghi nhận số lượng người mắc bệnh tăng cao. Ngoài ra đây cũng là khoảng thời điểm cuối xuân đầu hè, có độ ẩm không khí cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virrus gây bệnh phát tán và lây lan.
Ngoài bệnh ho gà, thủy đậu, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng. Theo CDC Hà Nội, tính từ đầu năm đến hết ngày 8/3, toàn thành phố có 151 ca mắc tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện, con số này tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay đã ghi nhận hai ổ dịch tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Dự báo trong thời gian tới, số người mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng.
Theo đó, để ngăn chặn nguy cơ lây lan và bùng phát của dịch bệnh, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, trong thời gian qua, CDC Hà Nội cùng Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã chủ động triển khai các hoạt động chuyên môn như: Giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại 68 bệnh viện/cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô. Kết hợp với giám sát tại cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên y tế dân số và mạng lưới y tế trường học. CDC Hà Nội cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh; tổ chức khoanh vùng điều tra, xử lý kịp thời các khu vực có ca bệnh, ổ dịch.
Để phòng chống dịch bệnh, trong đó đối với những bệnh có vaccine phòng bệnh nên cho trẻ tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế. Đối với những bệnh chưa có vaccine, người dân cần thực hiện vệ sinh phòng bệnh, đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, che mũi, miệng khi hắt hơi... Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, như: Sốt, ho nhiều, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.