Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với 1,9 triệu học sinh, từ năm học 2017-2018, ngành Giáo dục Thủ đô đã tổ chức rà soát lại thực trạng nhà vệ sinh tại tất cả các trường học. Toàn thành phố có 1.669 trường học có công trình vệ sinh bảo đảm đúng quy chuẩn theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT về công tác y tế trường học. Tuy nhiên, chỉ có 480 trường có công trình vệ sinh đang sử dụng tốt, chiếm tỷ lệ 22%. Nếu "mổ xẻ" ở từng cấp học, thì càng thấy sự cấp thiết và đáng báo động của tình trạng nhà vệ sinh mất vệ sinh. Trong số hơn 100 trường trung học phổ thông công lập, chỉ có 10 trường có công trình vệ sinh sử dụng tốt, chiếm chưa đầy 10%; cấp mầm non - cấp học đặc thù khi toàn bộ trẻ được nuôi dưỡng tại trường cả ngày, cũng chỉ có 141 trường có công trình vệ sinh sử dụng tốt, chiếm 19%. Ngoài ra, nhiều trường còn thiếu khu rửa tay - một trong những điều kiện tối thiểu phục vụ học sinh tại trường. Cấp mầm non chỉ có 65% số trường có khu rửa tay, tỷ lệ này ở các cấp học còn lại đạt trên dưới 80%.
Trong bối cảnh ngân sách thành phố hạn hẹp, nhiều đơn vị đã chủ động có phương án riêng, trong đó điển hình là quận Thanh Xuân. Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết, trước những bức xúc của phụ huynh và nhu cầu cấp thiết của việc chăm sóc sức khỏe học sinh, năm học trước, một số trường đã thí điểm triển khai mô hình vệ sinh công nghiệp. Với nhân công và thiết bị chuyên dụng, tình trạng nhà vệ sinh mất vệ sinh dần được khắc phục. Việc phải bịt mũi, thậm chí nín thở khi đi qua khu vệ sinh hoặc nhịn đi vệ sinh tại trường của học sinh bớt dần. Đó là động lực để lãnh đạo quận quyết định đầu tư xây dựng, cải tạo toàn bộ nhà vệ sinh của các trường học trên địa bàn với mức kinh phí 2,5 tỷ đồng/trường.
|
Học sinh cần được chăm sóc toàn diện góp phần phát triển cả trí tuệ và thể chất. Ảnh: Nhật Nam |
Trong khi đó, hằng năm quận Long Biên dành khoảng 450 tỷ đồng cho việc xây dựng, cải tạo và đầu tư trang thiết bị trường học, chiếm 40% tổng ngân sách, trong đó việc xây dựng, bảo trì nhà vệ sinh được coi là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp. Còn tại quận Tây Hồ, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Vũ, Đề án phát triển mạng lưới trường học quận Tây Hồ giai đoạn từ nay tới năm 2020 đã xác định cụ thể lộ trình xây dựng thêm 10 trường công lập với kinh phí gần 600 tỷ đồng, trong đó có việc đầu tư cho nhà vệ sinh theo quy chuẩn quy định của từng cấp học.
Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có thuận lợi như vậy, đặc biệt là việc kêu gọi xã hội hóa từ phía phụ huynh học sinh đang là vấn đề khá nhạy cảm. Một ngày cuối tháng 8-2018, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã dành riêng một buổi làm việc với đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan để cùng nhìn lại hiện trạng nhà vệ sinh trường học và bàn giải pháp khắc phục.
Chiến dịch "xóa" nhà vệ sinh bẩn trong trường học tại Hà Nội đã chính thức được khởi động với mục tiêu từ nay tới cuối năm 2019 khắc phục toàn bộ 3.100 nhà vệ sinh xuống cấp và xây mới 1.500 nhà vệ sinh tại những trường còn thiếu; giai đoạn 2019-2020, thành phố tiếp tục rà soát, cải tạo và xây mới gần 2.000 khu vệ sinh cho giáo viên. Theo đó, tổng kinh phí thực hiện ở cả hai giai đoạn ước tính hơn 1.000 tỷ đồng. Để việc đầu tư hiệu quả, tránh lãng phí và có thể áp dụng thống nhất tại các nhà trường, UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị liên quan xây dựng thiết kế mẫu cho hạng mục nhà vệ sinh trường học. Cơ chế triển khai cũng được chính thức phê duyệt, trong đó các quận phải tự chủ về kinh phí triển khai; với các huyện, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 50% trong tổng kinh phí, riêng với một số huyện khó khăn sẽ được hỗ trợ 70%.
Để chiến dịch đó thành công, vẫn rất cần sự chung tay của các cấp, ngành và nhân dân trong việc xây dựng môi trường học đường xanh - sạch - đẹp.