Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi các các gốc tự do, từ đó làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe và làm chậm quá trình lão hóa. Một số nghiên cứu cũng cho rằng, chúng giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại vi trùng xâm nhập vào cơ thể. Chất chống oxy hóa bao gồm:
Beta-caroten: Cơ thể bạn chuyển hóa chất này thành vitamin A, một chất dinh dưỡng có lợi cho thị lực, mô mềm và da. Beta-caroten có nhiều trong quả mơ, dưa đỏ, cà rốt, ổi, cải xoăn, đu đủ, đào, bí ngô, ớt đỏ, rau bina và cà chua...
Vitamin C (axit ascorbic): Hỗ trợ chữa lành vết thương và giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu. Vitamin C cũng làm tăng hàm lượng của hóa chất trong não gọi là norepinephrine, giúp cảm thấy tỉnh táo và tăng sự tập trung.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khi bị căng thẳng hoặc khi già đi, mức axit ascorbic trong cơ thể sẽ giảm xuống. Vitamin C có thể được bổ sung từ bông cải xanh, bưởi, kiwi, cam, ớt, khoai tây, dâu tây và cà chua.
Vitamin E: Còn được gọi là tocopherol và bao gồm các hợp chất liên quan được gọi là tocotrienols. Cơ thể cần vitamin E để giữ cho các tế bào khỏe mạnh và làm chậm dấu hiệu lão hóa. Tuy nhiên, uống quá nhiều vitamin E mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ chảy máu. Cơ thể có thể nhận được chất dinh dưỡng này trong các loại thực phẩm như dầu ngô, dầu gan cá, quả phỉ, bơ đậu phộng, dầu cây rum, hạt hướng dương và mầm lúa mì.
Vitamin C hỗ trợ chữa lành vết thương và giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu. Ảnh: Freepik
Vitamin nhóm B
Ba loại vitamin nhóm B có vai trò quan trọng với cơ thể gồm: vitamin B6, B12 và vitamin B9 (axit folic).
Vitamin B6 còn được gọi là pyridoxine. Cơ thể cần vitamin này để giữ cho bộ não hoạt động bình thường và thúc đẩy chuyển hóa thức ăn thành năng lượng (hay còn gọi là quá trình trao đổi chất). Những thực phẩm giàu dưỡng chất này bao gồm: cá, khoai tây, đậu xanh, bơ, chuối, đậu, ngũ cốc, thịt, bột yến mạch và thịt gia cầm...
Vitamin B12 cũng rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất, giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu. Phô mai, trứng, cá, thịt, sữa và sữa chua là những thực phẩm tiêu biểu giàu vitamin này.
Vitamin B9 giúp duy trì sức khỏe bộ não và tủy sống. Vitamin này cũng tạo ra DNA, RNA và vitamin B9 để tạo ra các tế bào hồng cầu bình thường và ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Axit folic đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai vì giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh như tật nứt đốt sống.
Thực phẩm giàu folate bao gồm rau bina và rau lá xanh, măng tây, trái cây họ cam quýt, dưa, dâu tây, ngũ cốc tăng cường, các loại đậu, đậu xanh, đậu đen, đậu thận, trứng và gan.
Vitamin D
Vitamin D hoạt động tương tự như một loại hormone, giúp vận chuyển canxi và phốt pho (những khoáng chất quan trọng giữ cho xương chắc khỏe). Cơ thể không có đủ vitamin D sẽ lấy canxi và phốt pho từ xương. Theo thời gian điều này làm cho xương mỏng đi, dẫn đến các tình trạng như loãng xương, tăng nguy cơ bị gãy xương.
Một số thực phẩm cung cấp vitamin D cho cơ thể như trứng và cá, đặc biệt là cá hồi, cá thu, cá mòi.
Vitamin K
Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho xương chắc khỏe và hỗ trợ quá trình đông máu ở người lớn tuổi. Các nguồn thực phẩm tốt nhất bao gồm rau lá xanh, dầu đậu nành, bông cải xanh, cỏ linh lăng, rau bina nấu chín và dầu cá.
Các chuyên gia dinh dưỡng nói rằng cơ thể có thể nhận đủ vitamin quan trọng từ các loại thực phẩm mà không cần dựa vào các sản phẩm bổ trợ. Tuy nhiên, nếu cần tư vấn thêm thông tin, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có các lựa chọn phù hợp.