Ai đã từng có con trẻ, hẳn đều hiểu cái cảm giác cuống quít của những buổi sáng trong tuần chạy đua với thời gian, nào là gọi trẻ thức dậy, giục con rửa mặt đánh răng thay quần mặc áo, thúc hối trẻ ăn uống vội vàng một vài thứ gì đó cho bữa sáng, vội vội vàng vàng đưa con đến trường để kịp giờ bố mẹ đi làm. Không phải là chỉ đôi khi, mà thường thì cái hoàn cảnh vội vàng đó xảy ra ở tất cả các ngày trong tuần, chi phối đến tất cả mọi thành viên trong gia đình. Thế nhưng, hậu quả của chuyện ăn sáng không đầy đủ thì lại chẳng giống nhau ở các thành viên khác nhau: Nếu xét về ảnh hưởng lâu dài, có lẽ trẻ em là người chịu nhiều nguy cơ về sức khoẻ nhất.
Bữa ăn sáng thường được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Vì đây là bữa ăn cách bữa ăn trước đó ít nhất là 10 tiếng đồng hồ, một thời gian dài đủ để cơ thể bắt đầu tình trạng hết pin, tức là cần nạp thêm năng lượng cho hoạt động. Thời gian học tập buổi sáng thường lại là thời gian học dài nhất và tập trung nhất, đòi hỏi sự cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng khác nhau. Nếu ăn không đủ nhu cầu cho bữa sáng, trẻ thường sẽ bắt đầu hạ đường huyết vào khoảng giờ ra chơi đầu tiên, tức là khoảng thời gian giữa bữa sáng. Tế bào thần kinh nói chung, não nói riêng, là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của tình trạng hạ đường huyết này, vì các tế bào thần kinh quý giá rất kén chọn, chỉsử dụng đường (glucose) làm năng lượng hoạt động chứ không thích dùng chất đạm hay chất béo. Khi tế bào thần kinh bị giảm hoạt động do đường huyết hạ, trẻ dễ bị tình trạng mất tập trung trong những tiết học sau, giảm khả năng chú ý và ghi nhớ, ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ. Về lâu dài, tình trạng thiếu hụt dưỡng chất trong bữa ăn sáng có thể gây nhiều ảnh hưởng khác như tăng nguy cơ suy dinh dưỡng (nếu trẻ tiếp tục ăn kém sau ngày đi học), hoặc có khi tăng nguy cơthừa cân béo phì (nếu trẻ được cho ăn bù vào buổi chiều tối ở nhà), thiếu hụt các chất dinh dưỡng không sinh năng lượng (như các vi khoáng hay vitamin), những yếu tố dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.
Thật ra, để chuẩn bị một bữa ăn sáng thật nhanh và đủ dưỡng chất cho trẻ cũng không phải là điều không thể hay quá khó khăn.
Yêu cầu của một bữa sáng tốt cho trẻ học tiểu học đến trung học là cung cấp ít nhất 600 kcalo với thành phần đầy đủ các chất bột đường, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Những hôm bố mẹ có thể thu xếp thời gian vào bữa tối, có thể chuẩn bị sẵn một nồi nước dùng với ít thịt hay tôm bằm nhuyễn cùng với các loại rau củ (như cà rốt, đậu cô ve,…) nấu chín cho vào tủ lạnh, cùng với một loại chất bột được sơ chế sẵn để riêng ví dụ một chén nui luộc chín hoặc một ít bún hay miến khô đã được ngâm mềm và cắt ngắn. Buổi sáng, chỉ cần cho món chất bột vào nước dùng đã chế biến sẵn, hâm sôi lại trên bếp là đã có bữa sáng dễăn cho trẻ. Bữa sáng cũng có thể bao gồm hai lát bánh mì trét bơ và một ly sữa 250 ml là đủ cho nhu cầu của trẻ trong vòng 3 tiếng đồng hồ. Những hôm bố mẹ có rất ít thời gian, cũng có thể cho trẻ ăn một chén ngũ cốc đầy với 250 ml sữa để đảm bảo cung cấp cùng lượt vừa chất bột đường, vừa chất đạm, vừa chất béo và vi chât dinh dưỡng
Nếu bữa sáng “lỡ” không đủ tiêu chuẩn, thật ra cũng không cần lo lắng quá. Chỉ cần nhắc trẻ mang theo trong cặp một hộp sữa 180 ml và vài cái bánh quy cho giờ ra chơi giữa buổi, khi đường huyết bắt đầu hạthấp, là đủ cho trẻ “cầm cự” suốt những tiết học sau dễ dàng, nhất là với những trẻ có thể trạng gầy, không đủ dự trữ năng lượng. Những món ăn sáng quen thuộc của người Việt như xôi, cơm tấm, bánh chưng chiên,… thật ra là những món có mức năng lượng khá cao trong khi không đủ chất dinh dưỡng vi lượng, vì vậy chỉ nên dùng khi muốn đổi món, không nên ăn thường xuyên, nhất là khi trẻ đã có thể trạng thừa cân. Điều cần lưu ý với những trẻ thừa cân, là cơ thể trẻ thường thừa mỡ, nhưng vẫn có khả năng thiếu các chất dinh dưỡng vi lượng, vì vậy nên chú ý bổ sung thêm vào khẩu phần của trẻ các thực phẩm giàu vitamin, vi khoáng như sữa (không béo, không đường), rau xanh hay trái cây,… kể cả trong bữa sáng.